Xã hội

Bộ trưởng Nông nghiệp nhận trách nhiệm về khủng hoảng thừa lợn

Trước chất vấn về hiệu quả tiêu thụ nông sản, ông Nguyễn Xuân Cường nhận trách nhiệm cá nhân, song cho rằng "chỉ trông chờ vào Bộ trưởng thì khó".

Trước chất vấn về hiệu quả tiêu thụ nông sản, ông Nguyễn Xuân Cường nhận trách nhiệm cá nhân, song cho rằng "chỉ trông chờ vào Bộ trưởng thì khó".

- Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường sau đó là thành viên Chính phủ trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu, xung quanh 3 nhóm nội dung chính: Giải pháp đột phá để tái cơ cấu ngành; Biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản; Bảo tồn, tái tạo cũng như quản lý khai thác thủy sản. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và một số Bộ trưởng khác cũng tham gia phần trả lời.

- Trong 3 ngày chất vấn, 3 vị trưởng ngành khác là Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao & Du lịch - Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng sẽ trực tiếp trả lời chất vấn các vấn đề của ngành mình. Các Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Vương Đình Huệ, Trương Hòa Bình cũng sẽ lần lượt tham gia các phần trả lời xung quanh nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ.


11h30: Quốc hội nghỉ trưa

11h20: Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Liên kết 5 nhà để phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp

Chia sẻ với tình trạng "được mùa, rớt giá" mặt hàng nông sản, khiến người dân lao đao vừa qua, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, thực tế trên xuất phát từ nguyên nhân chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa phù hợp với năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường. Điều này dẫn tới sản xuất chưa đạt quy hoạch nhưng sản phẩm vẫn thừa. "Cần giải pháp tổng thể nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp", ông nói.

PTT-00-00-55-28-Still003-6264-1497330119
 

Phó thủ tướng nêu một số giải pháp cụ thể, như hình thành sản phẩm đặc trưng gắn với thương hiệu; rà soát chiến lược quy hoạch với nhu cầu, diễn biến thị trường, trong đó coi trọng thị trường trong nước... Ngoài ra, cần đẩy mạnh liên kết 5 nhà, đó là Nhà nước - nhà nông - doanh nghiệp - ngân hàng và nhà khoa học. 

"Doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại sẽ là trung tâm, động lực phát triển trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Người dân sẽ đóng vai trò sản xuất, hưởng lợi từ khâu phân phối này", ông nhấn mạnh.

11h12: Xin thành lập Cục Chế biến và Phát triển thị trường

Các đại biểu hỏi kỹ hơn về giải pháp cụ thể để phát triển thị trường cho ngành nông nghiệp, ông Cường cho hay, hiện nay Bộ đã xin thành lập Cục Chế biến và Phát triển thị trường để phối hợp với Bộ Công Thương để đẩy mạnh công tác này. Vừa rồi Bộ Công Thương có đoàn 34 cán bộ đi công tác nước ngoài,  Bộ Nông nghiệp cũng làm việc để đặt hàng cần tìm hiểu về những nội dung mở rộng thị trường cho sản phẩm. Trong thời gian tới, cần chú trọng công tác này, nếu không làm đến nơi thì sẽ hết mặt hàng này đến loại nông sản khác thừa. Cùng với đó, cần chú trọng tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản. 

11h07: Đại biểu yêu cầu nói rõ hơn giải pháp mở rộng thị trường nông sản

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tiếp tục đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nông nghiệp về giải pháp triệt để cho điệp khúc “được mùa mất giá, mất mùa thì khan hàng” dẫn tình tình trạng hết trồng lại chặt của người nông dân. Trong đó, cần phải xây dựng những giải pháp để thúc đẩy các công cụ nghiên cứu, dự báo thị trường, các chương trình liên kết, phát triển chuỗi liên kết trong ngành nông nghiệp từ khâu sản xuất đến phân phối.

Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cũng nhận định, Bộ cần xây dựng các giải pháp khuyến khích đủ mạnh để các doanh nghiệp tham gia vào thị trường chế biến sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cho nông sản của Việt Nam thay vì bán các sản phẩm dưới dạng nguyên liệu thô, giá trị thấp. Cùng quan điểm, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) cho rằng, Bộ trưởng cần trả lời câu hỏi về khuyến khích phát triển nông nghiệp đối với khu vực doanh nghiệp, giải quyết bài toán tích tụ đất đai nhằm khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế khác.

Trong khi đó, Đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) đã đề nghị Bộ trưởng trả lời câu hỏi về giải pháp cụ thể nhằm nâng cao lực lượng, chế độ với cán bộ cơ sở, nâng cao năng lực cán bộ nông nghiệp cơ sở để hỗ trợ phát triển nông nghiệp của vùng miền núi, những vùng còn khó khăn.

11h00: Bộ trưởng Nông nghiệp: 'Một mình Bộ trưởng không thể làm xuể'

Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm về trách nhiệm của mình trước người nông dân, Bộ trưởng thừa nhận trách nhiệm cá nhân, song cho biết nếu chỉ trông chờ vào Bộ trưởng thì khó.

"Phân công cho trưởng ngành nào thì ngành đó phải chịu trách nhiệm đầu tiên, nhưng một mình trưởng ngành không thể làm hết được. Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị", ông Cường nói.

Không đồng tình với câu trả lời của Bộ trưởng Cường, đại biểu Tâm tranh luận lại. Bà nói, "tôi chất vấn Bộ trưởng là muốn Bộ trưởng trả lời trách nhiệm của mình, chứ không phải hệ thống chính trị".

Phó bí thư thành uỷ TP HCM cho hay, trong nhiều cuộc gặp gỡ với bà con nông dân, bà nhận thấy ứng xử của ngành với khu vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều lúng túng. "Cái gì dễ thì chúng ta làm, nhưng cái khó nhất hiện nay là tổ chức sản xuất thì lại chưa tập trung làm, chưa có giải pháp đột phá", bà Tâm nói. Vị nữ đại biểu TP HCM cũng tỏ ý không đồng tình với phát ngôn của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp mới đây "sản xuất dư thừa do bà con chạy theo phong trào, thấy gì thì làm nấy", là thiếu trách nhiệm.

10h50: Việt Nam chưa có thương hiệu nông sản quốc gia

Liên quan đến câu hỏi về thương hiệu nông sản Việt Nam, Bộ trưởng Nông nghiệp cho biết hiện nay có 3 cấp độ. Cấp độ thứ nhất là thương hiệu vùng miền, chỉ dẫn địa lý như gạo, cam, quýt, hồng, bưởi... Thứ 2 là cấp doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở cấp độ thứ 3 là tầm quốc gia thì chưa có. Bộ Công Thương đang xây dựng chùm sản phẩm, thực phẩm Việt Nam. Hai Bộ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ. 

Trước câu hỏi của đại biểu về tiềm năng nuôi lợn của Việt Nam, người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định là có nhưng về lâu dài cần phải tính câu chuyện thị trường. Tuy nhiên, hiện nay ông cho biết quy trình đưa lợn vào các thị trường như châu Âu, Mỹ... rất khắt khe. Mà câu chuyện đó không thể làm 1-2 năm được nên trước mắt, ngành nông nghiệp đưa ra giải pháp là phải giảm đàn. Bộ Nông nghiệp vừa làm việc để đưa thịt gà sang Nhật, và những mặt hàng khác cũng đang được xúc tiến nhưng cần xác định là không thể làm ngay được.  

"Công đoạn phát triển thị trường lưu thông, phân phối vẫn theo kiểu cũ. Chúng tôi sẽ bàn thêm với Bộ Công Thương để giải quyết bài toán này để có giải pháp cụ thể, đặc biệt là khuyến khích doanh nghiệp", ông Cường nói.

10h40: Sẽ có nghị định xử phạt việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả 

Việc quản lý phân bón, Bộ trưởng Cường cho biết đang trình nghị định để thống nhất đầu mối quản lý, Thủ tướng cũng đồng ý cho xây dựng nghị định xử phạt lĩnh vực này, dự kiến trình trong quý III. Bộ Công Thương, Nông Nghiệp đang cùng nhau để hai bên bàn giao dứt điểm.  

Về liên kết 4 nhà đang là giải pháp để đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp, kết hợp với quản lý tốt hơn. Mô hình này đang triển khai, nhưng có những nơi làm tốt, có nơi chưa tốt. Ví dụ ngành tôm, cá tra đang làm khá tốt. Có thể nói tổng thể chưa đạt yêu cầu mong muốn nhưng ở một số mô hình cũng có hiệu quả rồi. Thời gian tới cần tổng kết mô hình thành công để tháo gỡ. 

Trong mô hình liên kết 4 nhà, vấn đề làm sao để giữ chân doanh nghiệp, theo ông Cường hiện nay cũng còn nhiều khó khăn. Năm qua số doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp tuy có tăng nhưng còn nhỏ so với những ngành khác. Nguyên nhân là chính sách thu hút trong ngành nông nghiệp chưa đủ và còn vướng những chính sách về đất đai. Ngành nông nghiệp đang phối hợp với ngành khác để tháo gỡ khó khăn đó. 

10h26: Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi về sự bất đồng ý kiến giữa văn bản và trả lời của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi trong phần trả lời Bộ trưởng có nhận khuyết điểm về tình trạng khủng hoảng thị trường chăn nuôi nhưng trong báo cáo lại không nhắc đến nguyên nhân nào nói về Bộ Nông nghiệp.

Tam-set-3660-1497326533.jpg
 

“Trước tình hình khó khăn của ngành chăn nuôi, đồng chí có biết người nông dân đang nghĩ gì về trách nhiệm của đồng chí hay không? Và đồng chí có hiểu sự mong mỏi của người nông dân như thế nào?” Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) trăn trở.

Nhiều đại biểu cũng đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nông nghiệp về vấn đề phân bón giả. Đại biểu Phan Thị Bình Thuận (TP HCM) cho rằng, vừa qua người nông dân phải đương đầu với nạn phân bón giả hoành hành. Tuy nhiên vấn đề quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này có sự chồng chéo giữa Bộ Nông nghiệp và Bộ Công Thương. Đại biểu Thuận đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng về tiến độ giải quyết sự chồng chéo trong quản lý và giải pháp để đẩy lùi phân bón giả hiện tại.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) cũng chất vấn Bộ trưởng về vấn đề chuẩn hóa thị trường phân bón và việc xử lý sai phạm trong lĩnh vực này như thế nào khi việc lỏng lẻo trong cấp phép khiến người nông dân chịu nhiều thiệt hại.

10h15: Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tiềm lực phát triển ngành tôm rất lớn

Trả lời về câu hỏi của đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) về chiến lược xây dựng ngành tôm Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, muốn phát triển ngành, lĩnh vực nào thì đầu tiên phải xác định thị trường, nhu cầu tiêu thụ. Với con tôm, dư địa phát triển là rất lớn khi mỗi năm nhu cầu tiêu thụ 10-15%. Chưa kể Việt Nam là đất nước có dải bờ biển dài, tiềm năng để phát triển con tôm lớn. 

Nhưng khó nhất hiện nay, theo Bộ trưởng Cường, phải huy động lực lượng doanh nghiệp, nông dân liên kết chặt chẽ theo vùng, quản trị từ giống, thức ăn, chế biến, xuất khẩu… 

Ông cho biết, Bộ đã giao nhiệm vụ cho các Viện Nghiên cứu thuỷ sản nghiên cứu, giải quyết cho được tình trạng con giống tôm, trước mắt là 2 loại giống tôm sú, tôm thẻ… phục vụ cho nhu cầu phát triển chăn nuôi. Đồng thời, Bộ đang kết hợp với doanh nghiệp, địa phương phát triển theo hướng sinh thái chứ không phải thâm canh. 

"Chúng ta phải phát triển cả 2 hướng là thâm canh có mức độ và tận dụng sinh thái để phát triển con tôm", ông nói.

Cuong-1-3007-1497325461.jpg
 

Về sai sót đóng tàu, ông Cường nhấn mạnh, sau cuộc làm việc với tỉnh Bình Định, 2 công ty đóng tàu và ngư dân, nguyên nhân ban đầu xác định số 19 tàu sắt hỏng tại Bình Định chủ yếu là hỏng máy và một số bộ phận sắt trên tàu. "Bộ đã đình chỉ chấp nhận hợp đồng mới của 2 công ty đóng tàu, yêu cầu thay máy mới cho tàu hỏng và thay thế thiết bị cùng loại với các thiết bị hỏng hóc khác...", Bộ trưởng Cường thông tin.

10h05: Mời truyền thông quốc tế đến để "giải oan" cho cá tra Việt Nam

Trước tình trạng con cá tra gần đây bị một số phương tiện truyền thông ở châu Âu đưa thông tin không đúng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng đây là vấn đề cấp bách. "Khi hội nhập, chúng ta cũng cần chuẩn bị các phương án để đối phó với các biện pháp phi thương mại. Vừa qua chúng tôi đã mời các hãng truyền thông, cử đại diện chính thức đi cơ sở sang Việt Nam, để họ tận mắt chứng kiến, nếu đưa không đúng thì phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải tiến hành nhiều biện pháp khác kết hợp", ông Cường nói.

Về vấn đề hàng xuất đi phải nhập lại của Việt Nam, Bộ trưởng Nông nghiệp cho biết chiếm tỷ lệ rất thấp và lý do chính là yêu cẩu của đối tác rất cao. Ông cũng khẳng định nếu không xuất được thì không thể bán trong nước. Để khắc phục, ông Cường cho biết cần tăng cường quy trình kiểm tra đồng nhất với nước bạn để hạn chế tình trạng xuất bị trả về. 

9h45: Đại biểu đặt câu hỏi về phát triển ngành tôm, tàu vỏ thép bị hư hỏng nặng...

Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt vấn đề: Tại Hội nghị phát triển ngành tôm đầu năm 2017, Chính phủ đặt mục đặt mục tiêu chậm nhất đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 10 tỷ USD, chiếm 10% GDP. Bộ hiện đề ra những phải pháp gì để đạt mục tiêu, thuận lợi, khó khăn là gì? Đại biểu này cũng đặt câu hỏi việc khắc phục những hạn chế trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 1999?

Đại biểu Đặng Hoài Tân (Bình Định) chất vấn đề tình trạng tàu vỏ thép được đóng theo chính sách hỗ trợ vay vốn của Nghị định 67 đang bị hư hỏng nặng sau một thời gian ngắn sử dụng, mặc dù cơ sở đóng tàu đều được  Bộ Nông nghiệp cho biết là đủ điều kiện. Bộ có giải pháp gì giải quyết tình trạng trên?

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường tỉnh Quảng Bình thì nêu tình trạng cấp khống các giấy phép xảy ra gần đây trong lĩnh vực trồng trọt và thủy sản. Ông cũng đặt câu hỏi xuất khẩu thủy sản của Việt Nam thời gian qua có tình trạng truyền thông một số quốc gia đã tuyên truyền ảnh hưởng đến xuất khẩu. Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì? Bên cạnh đó, một số lô hàng xuất khẩu bị trả lại, thì việc xử lý các lô hàng này như thế nào, hay là lại bán cho thị trường trong nước?

9h43: Sẽ có Nghị định về phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

Sau giờ nghỉ giải lao, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tiếp tục trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, ông Cường cho hay, Thủ tướng đã đồng ý cho phép Bộ Nông nghiệp & phát triển nông nghiệp xây dựng Nghị định về phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo quy trình rút gọn. Cố gắng thời gian ngắn nhất sẽ có khung pháp lý, cơ sở cho định hướng, phát triển sau này. 

Đồng tình với nhận xét của các đại biểu Quốc hội về giải pháp cho sản phẩm thịt lợn, trưởng ngành nông nghiệp một lần nữa nhận trách nhiệm của Bộ, cũng như trách nhiệm trong phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khi để tái diễn tình trạng khủng hoảng thừa vừa qua. 

9h24: Bộ trưởng Công Thương: Phát triển thị trường là giải pháp cho khủng hoảng thừa

Cùng quan điểm với Bộ trưởng Nông nghiệp, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng xây dựng thị trường là khâu quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp và tín hiệu của thị trường là yếu tố quan trọng trong vấn đề xây dựng quy hoạch. 

Đối với vấn đề giải cứu lợn, Bộ trưởng Công Thương cho biết ngành chăn nuôi đã chứng kiến sự tăng trưởng cao trong thời gian qua, tuy nhiên công tác phát triển thị trường chưa thực sự hiệu quả. Giải pháp đối với ngành chăn nuôi sẽ phải gắn sản xuất với mở cửa thị trường, gắn với mở cửa về thủ tục hành chính. Trong đó, yêu cầu vượt qua những hàng rào kỹ thuật là điều kiện quan trọng.

"Khi đưa một mặt hàng ra nước ngoài cần 3-7 năm để vượt qua các hàng rào kỹ thuật, công tác quy hoạch cần tính toán vấn đề này và cần sự phối hợp giữa các bộ ngành", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết. Sự việc khủng hoảng thừa đối với ngành chăn nuôi lợn thời gian vừa qua cũng sẽ được giải quyết khi Việt Nam xây dựng được cơ chế xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sang thị trường lớn như Trung Quốc thay vì xuất khẩu tiểu ngạch mang tính rủi ro của hiện tại.

Đối với tạm nhập tái xuất, người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết đây là loại hình thương mại đã được công nhận và áp dụng. Tuy nhiên, thịt lợn chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong kim ngạch tạm nhập tái xuất của Việt Nam với Trung Quốc.

9h20: Đại biểu không đồng tình với trả lời về quy hoạch

Trong phần tranh luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng các căn cứ Bộ trưởng Nông nghiệp trả lời đại biểu Sơn (Hà Tĩnh) về quy hoạch, giải cứu đàn lợn chưa thuyết phục. Theo đại biểu, vấn đề quy hoạch đã vắng bóng vai trò, chưa thấy được vai trò của quản lý Nhà nước. “Quy hoạch lập phù hợp vào giai đoạn đó nhưng đến nay chưa phù hợp, vậy vai trò xem xét, điều chỉnh như thế nào”, đại biểu đặt vấn đề.

Đại biểu đoàn Bình Dương cũng cho rằng câu chuyện giải cứu nếu không thực hiện triệt để sẽ còn tái diễn với nhiều loại sản phẩm nông nghiệp khác, đặt biệt là cây ăn trái. “Ở địa phương tôi người dân phá cây cao su đi trồng các cây ăn trái rất nhiều, vậy vấn đề quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch như thế nào để không tái diễn những câu chuyện giải cứu”, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho biết.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), cho rằng công tác quy hoạch bổ sung và chỉ đạo thực hiện quy hoạch chưa thực sự đồng bộ và còn lúng túng.

9h18: Bộ trưởng Nông nghiệp nhận trách nhiệm về khủng hoảng thừa lợn

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, câu chuyện khủng hoảng thừa trong ngành chăn nuôi không phải do người nông dân mà vì ngành nông nghiệp làm chưa tốt. Và chúng tôi cũng báo cáo Thủ tướng tổng đàn lợn hiện nay quá thừa, cần cơ cấu lại, giảm số lượng nhưng quản trị được và tăng chất lượng. 

Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển thị trường. Bộ trưởng cho biết, chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và Bộ, ngành Việt Nam vừa qua đến Trung Quốc có nhiều buổi đàm phán để phát triển thị trường cho xuất khẩu lợn và hiện nay đã có những kết quả nhất định để xuất khẩu lợn chính ngạch qua Trung Quốc trong thời gian tới.

"Chúng tôi cũng hiểu đó là trách nhiệm của ngành nông nghiệp, chứ không phải ai khác, nhưng là một đoàn tàu phát triển mới làm được một khoang nên mọi việc phải từng bước", ông Cường nói. 

9h15: 'Muốn có nông sản sạch thì phải đi từ gốc'

Trả lời đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) về việc làm thế nào có sản phẩm nông nghiệp sạch, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đảm bảo xử lý môi trường để đảm bảo có sản phẩm nông nghiệp sạch là yêu cầu đặt ra cần kíp. Chúng ta có diện tích đất canh tác tốt, nhưng thuỷ vực bị ô nhiễm thì cũng khó có sản phẩm sạch.

"Muốn có nông sản sạch thì phải đi từ gốc: từ đất và nước", ông Cường quả quyết, đồng thời chia sẻ trước thực tế hầu hết các con sông nội đô Thủ đô hiện đang bị ô nhiễm. Ông cho rằng, việc này cần sự vào cuộc của đồng thời Bộ Tài nguyên & môi trường, Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn và thành phố Hà Nội thì mới có giải pháp căn cơ, chứ làm cắt khúc từng bộ sẽ không hiệu quả.

Trả lời đại biểu Xuân (Thanh Hoá), ông Cường nhìn nhận: Chủ trương chính sách vừa qua có sự quan tâm tới đồng bào khó khăn vùng Tây Bắc. Chúng ta đang tập trung chương trình trồng rừng, xoá đói giảm nghèo để khai thác lợi thế vùng này. Dẫn chứng hội nghị phát triển dược liệu mà Thủ tướng chủ trì mới đây, ông Cường cho biết, không có vùng nào không có lợi thế, nếu biết khai thác. Tất nhiên phải làm bài bản, quyết tâm, không thể nhanh được.

9h00: Bộ trưởng Nông nghiệp: Thị trường quyết định sản xuất nông sản

Trả lời câu hỏi của đại biểu về tạm nhập tái xuất thịt lợn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, "phát triển thị trường là nội dung mệnh lệnh, không có thj tường không có sản xuất". Theo ông, thị trường phải sản xuất ngay trong nội địa, bảo vệ thị trường nội địa, tuy nhiên cần đánh giá, rà soát lại để tận dụng được cơ hội phát triển, hợp tác với các nước để xuất khẩu mặt hàng nông sản.

"Thị trường quyết định cho sản xuất nông sản", Bộ trưởng Cường nhấn mạnh, đồng thời cho biết, hai Bộ Công Thương và Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ cùng ngồi lại, đánh giá lại công tác quản lý thị trường, phát triển thị trường. 

Song song đó, tới đây ngành này sẽ rà soát, phát triển sản phẩm nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm.

Thứ nhất, trục sản phẩm quốc gia, phải rà soát lại xem đâu là lợi thế, đâu là kém lợi thế để loại bỏ và chỉ tập trung phát triển sản phẩm mang lại năng suất, giá trị cao.

Thứ hai, trục sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương, như xoài cát Hoà Lộc... 

Thứ ba, phát triển nông sản đặc thù từng địa phương. 

Từ những trục sản phẩm này, các ngành hàng sẽ tập trung vào quy mô, tổ chức sản xuất, chế biến, thương  mại… Còn trách nhiệm cơ quan nào sẽ rõ cụ thể. "Quan trọng nhất tổ chức thực hiện phải chung nhiệm vụ thì sẽ khai thác được lợi thế của sản xuất nông nghiệp", ông Cường nói. 

Về chất lượng giống của ngành nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng cho rằng làm khá tốt bởi trong một thời gian ngắn chuyển từ đói sang thừa thực phẩm. Tuy nhiên, có giống ngành cây trồng ăn quả và giống rau cũng đang yếu nhưng không thể không làm được. 

Một chùm giống nữa là toàn bộ giống bản địa của Việt Nam, giống cây, giống chăn nuôi riêng. Cái này phải chú ý hơn, tạo ra đặc sản riêng theo quy trình truyền thống, phục vụ cho nông nghiệp.

8h55: Chăn nuôi yếu do 3 khâu thì mới làm tốt được 2 khâu

Nguyên nhân thứ 2 theo Bộ trưởng là sự liên kết trong ngành nông nghiệp còn kém, chế biến đang bị tách lìa với sản xuất. Hiện nay chỉ có vài doanh nghiệp chế biến nhưng chế biến sâu từ nuôi đến chế biến thành phẩm. Trong khi đa số là nuôi rồi thịt và bán ở phản thịt ngoài chợ 

Thứ ba, khâu tổ chức thị trường là khâu yếu nhất. Hiện nay thịt lợn của Việt Nam mới xuất khẩu được 3 nước, lợn sữa mỗi năm khoảng 20.000 tấn, còn lại chủ yếu là tiểu ngạch qua Trung Quốc. Các thị trường khác chưa khai thác được.

Trong 3 khâu của ngành chăn nuôi lợn thì mới làm được khâu đầu, còn 2 khâu sau rất yếu. Trong đó có trách nhiệm của ngành nông nghiệp. Nên tháng 4 vừa qua giới hạn cuối cùng là khủng hoảng thừa. 

8h50: Khủng hoảng thừa lợn do chăn nuôi tăng quá nhanh

Về vấn đề tiêu thụ nông sản được rất nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề tồn tại từ khá lâu, trong đó khâu thị trường và chế biến là rất yếu. Tuy nhiên, đang từ bán ở chợ nhà để mang ra thế giới với các yêu cầu khắt khe là phải tổ chức lại, đòi hỏi vấn đề tổ chức, đầu tư.... nên sẽ không thể tránh khỏi nơi này thừa cái này, nơi khác thừa cái kia... Đó là một chặng đường gian khổ nhưng chúng ta phải làm.

Về khủng hoảng thừa thịt lợn trong giai đoạn vừa qua như nhiều đại biểu đặt câu hỏi, ông Cường cho biết, nguyên nhân chính là do sức sản xuất tăng trưởng quá nhanh. Và hiện nay, không riêng thịt lợn tăng rất mạnh mà nhiều nông sản khác cũng tăng hàng chục lần trong vài năm qua. Riêng thịt lợn đã tăng 3,6 lần, sữa tăng 15 lần, cá từ 1,8 lên 3,4 triệu tấn, cùng với đó là 10 tỷ quả trứng...

Lợn nái cách đây 10 năm có hơn 2 triệu con, giờ lên 4,2 triệu con. Nuôi lợn dù đã tái cơ cấu nhưng con số mới giảm được từ 7 triệu hộ xuống còn 3 triệu hộ.

Bên cạnh đó, theo ông Cường, riêng về thịt lợn thì rổ thực phẩm Việt Nam cơ cấu đã thay đổi. Trước đây bữa cỗ có 70% là thịt lợn thì nay có nhiều thực phẩm thay thế. Theo ông, trong thời gian tới cần cơ cấu lại, thu hẹp 3 triệu hộ chăn nuôi để dễ dàng kiểm soát hơn về nguồn cung. 

8h45: Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời trước về vốn cho nông nghiệp

Bộ trưởng cho biết, mục tiêu nòng cốt của ngành trong giai đoạn này là đưa công nghệ cao vào nông nghiệp. Gói 100.000 tỷ đồng được Chính phủ ban hành cũng là để hỗ trợ ngành. Hiện đã giải ngân được trên 30.000 tỷ cho doanh nghiệp, khu vực sản xuất nông nghiệp. Nhiều ngân hàng không chỉ coi đây là mục tiêu "giải cứu" mà còn là thị trường tiềm năng. 

Tuy nhiên theo Bộ trưởng, hiện đúng là có khó khăn là một số tài sản trên phần đất khi hình thành tài sản thế chấp còn vướng mắc. Ví dụ nhà kính, nhà lưới, cả tỷ đồng tại sao lại không được hoàn thiện thủ tục pháp lý để trở thành tài sản thế chấp. Các Bộ cũng đang được sự chỉ đạo của Chính phủ để tháo gỡ vấn đề này.

BTNN-01-4434-1497319685.jpg
 

8h35: Hàng loạt đại biểu chất vấn về 'khủng hoảng lợn'

Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp về căn cứ đưa ra quy hoạch ngành chăn nuôi với 32 triệu con lợn vào năm 2015, trong khi đến năm 2016 thị trường mới có 27 triệu con lợn nhưng đã xảy ra khủng hoảng, người chăn nuôi gặp khó khăn. 

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) nhìn nhận trước tình hình ngành chăn nuôi lợn và thức ăn chăn nuôi gặp khó khi cung vượt cầu, người sản xuất đã lỗ đến 50% chi phí, Bộ đã có các giải pháp để giải quyết vấn đề này trong ngắn hạn. Vậy đâu ra giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để vấn đề này. Làm thế nào để điệp khúc "được mùa mất giá và được giá mất mùa" sẽ được giải quyết triệt để.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, báo cáo của Bộ trưởng đưa ra 8 giải pháp nhưng trong đó đến 3 giải pháp là tiếp, 2 giải pháp là tăng cường, còn lại là nghiên cứu và rà soát. Từ những câu chữ này không thể khẳng định đây sẽ là giải pháp đột phá. Vậy đâu mới là yếu tố quan trọng để giải quyết bài toán khó của ngành chăn nuôi?

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng năng suất giống cây trồng, chăn nuôi, thủy sản trong nhiệm kỳ của Bộ trường và công tác tạm nhập, tái xuất đối với các sản phẩm nông nghiệp tại các cửa khẩu.

Đối với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đại diện đoàn đại biểu Bình Phước đặt câu hỏi về vấn đề triển khai gói tín dụng ưu đãi trong lĩnh vực này rất khó khăn, khi việc tiếp cận đặt ra nhiều yêu cầu như doanh nghiệp phải hoạt động 3 năm trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, việc giải quyết cơ chế xin cho đối với doanh nghiệp hoạt động công nghiệp cao sẽ được giải quyết như thế nào để nguồn vốn ưu đãi được tận dụng một cách hiệu quả.

8h10: Kiến nghị của cử tri được trả lời nhiều nhưng ít được giải quyết thấu đáo

Trình bày báo cáo giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri, Trưởng ban Dân nguyện - Nguyễn Thanh Hải cho biết sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã nhận được 3.320 kiến nghị từ cử tri, cao hơn nhiều so với các kỳ họp trước. Trong số này, gần 3.120 kiến nghị gửi tới Chính phủ, các cơ quan ngang Bộ. 

Ngay trong 6 tháng giữa 2 kỳ họp, toàn bộ kiến nghị của cử tri đã được giải quyết. Trong đó, 2.124 kiến nghị (chiếm 68,1%) được trả lời dưới hình thức cung cấp thông tin về các lĩnh vực như: nông nghiệp, giáo dục, văn hóa, giao thông, quản lý trật tự đô thị… Có 539 kiến nghị (chiếm 17,3%) đã được giải quyết xong.

Hiện còn 456 kiến nghị (chiếm 14,6%) đang được xem xét, giải quyết thuộc thẩm quyền của các Bộ: Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (22 kiến nghị); Lao động, Thương binh & Xã hội (46); Y tế (43); Giáo dục & Đào tạo (22); Văn hóa, Thể thao & Du lịch (32); Tài nguyên & Môi trường (42)... 

Đánh giá về những tồn tại trong trả lời kiến nghị cử tri, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thị Thanh Hải cho rằng, các Bộ đều đã trả lời cử tri "sẽ nghiên cứu giải quyết trong thời gian tới”, song đều chưa có lộ trình giải quyết cụ thể. 

​Vì thế, dù số lượng kiến nghị được trả lời là rất lớn nhưng chất lượng của việc giải quyết kiến nghị còn chưa cao, số kiến nghị được trả lời chỉ bằng việc cung cấp thông tin còn nhiều (68%), cá biệt có văn bản nội dung trả lời còn chưa rõ, chưa đúng, chưa đầy đủ với câu hỏi mà cử tri nêu. 

ba-Thanh-Hai-1756-1497318055.jpg
 

Cũng theo Trưởng ban Dân nguyện, dù các bộ, ngành đã tích cực, cố gắng giải quyết những kiến nghị tồn đọng nhưng đến nay vẫn còn 126 kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm... Bộ có lượng kiến nghị tồn đọng nhiều nhất chưa được giải quyêt là Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch với 28 kiến nghị; Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn là 19 kiến nghị...

Để việc giải quyết kiến nghị cử tri nhânh hơn, Trưởng ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy chế tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri.

Bà cũng đề nghị các Bộ khi trả lời các kiến nghị cần kèm theo lộ trình, giải pháp và dự kiến thời điểm sẽ giải quyết xong để cử tri có căn cứ giám sát và không tiếp tục kiến nghị. 

Riêng với 59 kiến nghị tồn đọng không có khả năng giải quyết dứt điểm trong 1 năm tới, như giải pháp ngăn chặn cát tặc, thương hiệu nông sản sạch... kiến nghị Thủ tướng, các Bộ trưởng, Trưởng ngành quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm trước kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018).

8h00: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu mở đầu phiên chất vấn

Theo chương trình làm việc, Quốc hội sẽ dành 3 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tăng nửa ngày so với những kỳ họp trước đây. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong rằng, phần trả lời của các thành viên Chính phủ sẽ thẳng thắn, không né tránh, xác định rõ trách nhiệm và từ đó đưa ra những giải pháp kịp thời cho thời gian tới. Đây sẽ là căn cứ để Quốc hội theo dõi việc thực hiện các lời hứa của thành viên Chính phủ.

ba-Kim-Ngan-7566-1497316742.jpg
 

Sau phiên chất vấn, Quốc hội cũng sẽ ban hành Nghị quyết ghi nhận những vấn đề các thành viên Chính phủ đã hứa, đưa ra giải pháp..., tạo điều kiện cho các cơ quan, đại biểu, đoàn đại biểu từ các địa phương theo dõi, giám sát.

Tính đến hết ngày 12/6, Quốc hội đã nhận được 86 phiếu chất vấn với 98 câu hỏi trực tiếp gửi đến Thủ tướng, các thành viên Chính phủ, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao… 145 vấn đề chất vấn từ các đoàn đại biểu. Cơ quan này cũng đã nhận được 3.288 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là căn cứ quan trọng để Quốc hội đưa ra ý kiến thảo luận.

Theo Nhóm phóng viên (VnExpress.net)