Xã hội

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Mưa lớn vào một thời điểm thì không hệ thống nào chống chịu được

Việc mưa lớn, tập trung vào một điểm nhất định gây nên tình trạng ngập sâu, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà "không có hạ tầng nào chống chịu" được. Để giải quyết cần có hệ thống dự báo mang tính dài hạn, đồng bộ và thông minh.

Liên quan hiện tượng mưa lớn gây ngập úng tại nhiều khu vực ở TP Hà Nội trong những ngày qua, bên hành lang kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà đã có những lý giải và đưa ra giải pháp khắc phục hiện tượng này.

Theo Bộ trưởng, sự nóng lên toàn cầu, cả thế giới biết rồi. Không chỉ ở Việt Nam, cả những quốc gia có hạ tầng phát triển như Mỹ, Châu Âu, câu chuyện thời tiết bất thường, lượng mưa lớn và tập trung vào một điểm nhất định, thì không có hạ tầng nào "chống chịu" được.

"Chúng ta cũng phải phân biệt vấn đề dị thường thời tiết như mưa lớn cực đoan với các vấn đề đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu tầm, thiếu dự báo. Đây là 2 vấn đề có nguy cơ như nhau", Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Mưa lớn vào một thời điểm thì không hệ thống nào chống chịu được
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời bên hành lang Quốc hội.

Trước tình trạng "cứ mưa là ngập" ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Bộ trưởng TN&MTnhận định cần phải nhìn lại toàn bộ quy hoạch hạ tầng các đô thị và vấn đề thiết kế các đô thị ở Việt Nam hiện nay. Mỗi một đô thị sẽ mang những đặc trưng riêng về địa hình; song quan trọng nhất phải có một hệ thống dự báo được tính cực đoan của khí hậu, thời tiết.

Theo ông Hà, hệ thống này cũng phải dự báo được số lượng dân cư ở các đô thị; hệ thống này như huyết mạch trong cơ thể con người, mà mang tầm nhìn dài hạn, từ 20-50 năm. Có như vậy mới giải quyết được vấn đề ngập úng ở vùng lõi đô thị. 

Cùng với việc tính toán được hệ thống dân cư và mật độ về hạ tầng, thì hệ thống xử lý nước mưa, xử lý nước thải cũng phải đồng bộ.

Ông dẫn chứng bài toán độ cao của các khu vực để thiết kế hệ thống thoát nước ngầm trong những đô thị phát triển. Việc này cần có tầm nhìn để khu vực đó có thể thoát nước tự nhiên. Khu vực không tự thoát được nước thì phải sử dụng máy móc, thiết bị nhưng cần hạn chế. Đặc biệt, trường hợp thời tiết cực đoan phải tính toán hệ thống trữ nước.

Ngoài ra cũng phải tính toán hệ thống để trữ nước, dẫn chứng ở Nhật Bản, ông Hà cho biết, tại "đất nước mặt trời mọc" có khu vực được bố trí những đường ngầm (còn gọi là hầm chứa lớn) vừa giữ lượng nước khi hạn hán có thể sử dụng, trong thời điểm mưa lớn những hầm chứa này trở thành nơi chứa nước. Trong trường hợp ngập lụt ở nơi xung yếu thì họ chỉ cần điều chỉnh hệ thống là những sân vận động, cánh đồng trở thành nơi chứa nước.

Thậm chí, theo ông Hà có thể tạo cả một hệ thống dưới đường giao thông là các thùng rất lớn để chứa nước mưa. Đây là giải pháp mà các nước làm, tuy nhiên chi phí đắt đỏ, nên Bộ trưởng cho rằng quan trọng nhất phải là tầm nhìn, thiết kế và đầu tư hạ tầng đồng bộ.

Ở các khu đô thị có những khu phức hợp với vùng lõi lại là các nhà cao tầng, có ý kiến cho rằng đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sau một cơn mưa lớn đường phố biến thành sông. Theo ông Hà, có ảnh hưởng nhất định đến tình trạng ùn tắc, ngập úng. Nhưng trong câu chuyện này, điều cốt lõi là hạ tầng tiêu thoát nước phải tính được những yếu tố như lượng nước con người sử dụng, lượng nước thải hay nước mưa từ thời tiết cực đoan.

Bộ trưởng TN&MT cho rằng căn cứ trên cơ sở hạ tầng được xây dựng, chúng ta hoàn toàn có thể dự báo được vấn đề phát sinh. Ví dụ, dự báo mưa trong một đơn vị thời gian, tính toán được trên diện tích một mét vuông thì lượng mưa sẽ thế nào.

Về năng lực dự báo, Bộ trưởng Hà cho biết, khi dự báo lưu lượng mưa trong một đơn vị thời gian có thể tính toán được trên một m2 sẽ có lượng nước thế nào, từ đây nếu làm tiếp bài toán mô hình về công suất hệ thống tiêu thoát nước thì có thể dự báo về ngập. Đây là điều mà nhiều cơ quan khí tượng thủy văn đang hướng tới.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Mưa lớn vào một thời điểm thì không hệ thống nào chống chịu được - 1
Nhiều tuyến phố tại Hà Nội ngập sâu sau trận mưa lớn chiều 29/5

Tất nhiên tính toán dự báo lũ thì phải tính nước trong lưu vực sông. Khi nước trên lưu vực sông, lượng mưa, thoát lũ của hạ tầng thì có thể tính toán. Đó là một nhiệm vụ của công tác dự báo.

Tất nhiên để dự báo trong thời gian ngắn, chính xác đó là điều không dễ đối với dự báo. Nhưng bài toán dự báo là dự báo trong điều kiện trong cực đoan là thế nào bài toán đó có thể dự báo được. Hiện các chuyên gia, dự báo khí tượng thủy văn đều hướng tới mục tiêu đó. Tất nhiên độ chính xác còn khác nhau.

Giải pháp để hạn chế tình trạng ngập úng mỗi khi mưa lớn đối với thủ đô, theo Bộ trưởng trước hết cần tăng cường công tác dự báo. Thứ hai Hà Nội cũng cần có dự án tổng thể trong đó đánh giá một cách căn cơ và đưa ra những số liệu lịch sử, số liệu hiện nay về hiện tượng thời tiết cực đoan. Thứ ba, cần nghiên cứu kỹ càng khi thiết kế đô thị để làm sao đô thị đó "thông minh, chống chịu được các hiện tượng thời tiết cực đoan". Hay nói cách khác là thiết kế được một cách thông minh các đô thị để đảm bảo được tính bền vững. 

Trả lời câu hỏi “Hà Nội có nên lập dự án chống ngập như TP.HCM”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh “không nên bắt chước ai”. Thay vào đó, những cái TP.HCM thành công thì học hỏi, cái chưa thành công thì cần cố gắng cải thiện.

HL (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/bo-truong-tran-hong-ha-mua-lon-vao-mot-thoi-diem-thi-khong-he-thong-nao-chong-chiu-duoc-tintuc825494