Xã hội

Cách nào để ngăn 'làn sóng' rút bảo hiểm xã hội một lần?

Đại diện cơ quan soạn thảo Luật BHXH sửa đổi cho biết, sẽ tiếp tục điều chỉnh theo hướng người lao động có quyền rút bảo hiệm xã hội một lần, không phân biệt người đóng bảo hiểm trước hay sau khi luật có hiệu lực.

Rút BHXH một lần chủ yếu là công nhân lao động

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trước năm 2019, bình quân có khoảng 500.000 người rút bảo hiểm/năm. Tuy nhiên, đến năm 2023, con số này tăng lên 900.000 người. Người rời khỏi BHXH gần tương đương số người tham gia mới.

Thực tế trên được Bộ LĐ-TB&XH nhận định là nguy cơ đối với hệ thống an sinh khi tương lai, nhiều người già sẽ không có lương hưu.

Đại bộ phận rút BHXH một lần rơi vào công nhân lao động, ngược lại, công chức, viên chức rất ít. 

Ông Nguyễn Văn Quang (44 tuổi) ở Thanh Hóa, làm công nhân tại một công ty sản xuất đồ điện tại Khu công nghiệp Từ Sơn (Bắc Ninh), đến nay đã gần 12 năm, vợ ông làm cùng công ty cũng bước sang tuổi 40 đã có thời gian làm việc gần 18 năm. 

Theo ông Quang, đa số những người ngoài 40 tuổi, nhất là phụ nữ đều không thể tiếp tục làm việc tại công ty, nhất là khi tuổi cao, sức khỏe suy giảm, việc phải làm tăng ca, kíp nhiều rất mệt, nhiều người không đáp ứng được yêu cầu của công ty đã phải nghỉ việc, xin rút BHXH một lần.

Cách nào để ngăn 'làn sóng' rút bảo hiểm xã hội một lần?
Ảnh minh họa

Ông Quang chia sẻ, ai cũng muốn về già có đồng lương, nhưng như vợ ông bắt đầu đi làm công nhân từ năm hơn 22 tuổi, đến năm 40 tuổi đã có 18 năm đóng BHXH. Do vậy, nếu bây giờ nghỉ việc, sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp, phải chờ gần 20 năm nữa mới đủ điều kiện nhận lương hưu. 

Ông phân trần, việc thất nghiệp, phải chờ thời gian dài mới đủ điều kiện nhận lương hưu là rất khó khăn, vì cuộc sống đang bộn về lo toan nên khi chỉ biết trông chờ vào rút BHXH một lần.

Chị Nguyễn Thị Linh (32 tuổi), làm công nhân lắp ráp phụ kiện điện tử cho một công ty của Hàn Quốc tại Bắc Ninh chia sẻ, công ty của chị rất ít phụ nữ làm việc đến 40 tuổi. 

Bản thân chị dù đã làm công nhân được gần 10 năm, nhưng cũng xác định khi tuổi cao, nếu buộc phải nghỉ việc, không tìm được việc làm mới thì sẽ chọn rút BHXH một lần để có vốn làm ăn. 

Chị Linh cho rằng, công nhân làm việc chỉ được 20 năm là cùng, khi mất việc không tìm được việc mới và phải chờ 15-20 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu là quá dài. Trong khi nếu về hưu trước tuổi mỗi năm phải trừ 2% lương hưu thì mức hưởng rất thấp, không đủ sống. 

Do vậy, muốn giữ cho an sinh xã hội, tốt nhất nên giảm tuổi hưu theo hướng những người lao động ngoài Nhà nước nữ đủ 50 tuổi, nam 55 tuổi thì được hưởng lương hưu tối đa 75%. Còn quy định nữ 58, nam 62 tuổi chỉ nên dành cho khối văn phòng Nhà nước.

Tạo việc làm, thu nhập ổn định để ngăn rút BHXH một lần

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, với phương án giữ nguyên quy định hiện hành thì số người rút BHXH một lần vẫn gia tăng, tỉ lệ bao phủ của BHXH tăng rất chậm, khi hai người vào hệ thống BHXH thì có một người rút ra. Thực tế này sẽ làm cho lưới an sinh rất mỏng.

Theo ông Huân, người lao động khi gặp khó khăn trong cuộc sống, nhiều người không biết trông chờ vào đâu nên chỉ nhìn vào khoản tiền đóng BHXH và ồ ạt đi rút một lần. 

Do vậy, giải pháp trước mắt phải tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Về lâu dài chính sách Nhà nước phải hướng tới khuyến khích người lao động khi không làm việc có thể tiếp tục thuận tiện đóng BHXH tự nguyện, để đủ thời gian hưởng lương hưu.

Cách nào để ngăn 'làn sóng' rút bảo hiểm xã hội một lần? - 1
Đa số người rút BHXH một lần làm công nhân lao động trong các nhà máy, xí nghiệp.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tính toán để có chính sách tín dụng hỗ trợ người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn vay mượn với lãi suất thấp. Từ đó giúp họ trang trải được cuộc sống tạm thời và không nghĩ đến việc rút BHXH một lần. 

Đại diện Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, sách BHXH cần phải hướng tới giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm hoặc thậm chí thấp hơn được hưởng lương hưu. Khi giảm thời gian đóng, mức lương hưu ít nhất phải đảm bảo mức sống tối thiểu. 

Do vậy, khi sửa Luật BHXH, cần phải điều chỉnh theo hướng chia sẻ chế độ hưu trí, điều chỉnh theo hướng người hưởng lương thấp có tỷ lệ điều chỉnh cao hơn để lương hưu ít nhất phải đảm bảo mức sống tối thiểu.

Chọn phương án rút một lần nhiều ưu điểm 

Liên quan đến quy định hưởng BHXH một lần đang được cơ quan soạn thảo đề xuất đưa vào Luật BHXH sửa đổi, phát biểu tại Quốc hội hôm 23/11, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, phương án quy định việc rút BHXH một lần, cần hướng tới hai mục tiêu cơ bản. Thứ nhất là đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia BHXH là có quyền rút BHXH. 

Thứ hai là phấn đấu để giữ chân người lao động trong hệ thống, đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo, để người dân có lương hưu, đảm bảo cuộc sống khi về già.

Ông Dung cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ đi theo hướng thiết kế chính sách có nhiều ưu điểm hơn. 

Các phương án sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng người lao động có quyền rút BHXH một lần, không phân biệt người đóng bảo hiểm trước hay sau khi luật có hiệu lực. 

Trước ý kiến một số đại biểu cho rằng, chỉ nêu cho người lao động rút 8% đóng BHXH, hay đề nghị giữ lại 14% người sử dụng đóng, Bộ trưởng đề cập phương án 2, người lao động chỉ được rút 50% và bảo lưu 50% còn lại.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH lý giải, 50% thời gian đóng BHXH được bảo lưu sẽ ghi nhận trong sổ BHXH để người lao động tiếp tục được hưởng các quyền lợi. 

Khi quay trở lại tham gia BHXH, người lao động sẽ được cộng tiếp vào thời gian đóng. Còn nếu không tái tham gia BHXH, người lao động sẽ hưởng trợ cấp hàng tháng khi đến tuổi nghỉ hưu. 

Phương án này đóng đảm bảo quyền của người tham gia hưởng BHXH một lần, công bằng giữa người tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực.




https://vietnamnet.vn/cach-nao-de-ngan-lan-song-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-2218548.html#vnn_source=thoisu&vnn_medium=listtin3