Xã hội

Hơn 1.000 trẻ bị đánh cắp "giấc mơ trưa"

Dù lý do gì, trẻ học xuyên trưa là điều khó chấp nhận. Không thể đổ lỗi do dân số cơ học tăng nhanh mà hoàn toàn là trách nhiệm của người lớn.

Dù lý do gì, trẻ học xuyên trưa là điều khó chấp nhận. Không thể đổ lỗi do dân số cơ học tăng nhanh mà hoàn toàn là trách nhiệm của người lớn.

Tin tức mới nhất, còn chưa đến ngày khai giảng năm học mới mà hàng nghìn em học sinh tiểu học ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đã phải chen chúc xếp hàng chờ đợi ca học xuyên trưa. Tội nghiệp quá!

Thầy cô giáo tỏ ra vô cùng ái ngại, xót xa và cho rằng, phải rất vất vả để có phương pháp riêng giúp các em qua cơn buồn ngủ nhưng cũng chỉ là tạm thời.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP. Biên Hòa cho biết: “Chúng tôi đã dồn lớp, tận dụng các phòng chuyên môn… nhưng cũng chỉ là tạm thời, phải cần thêm nhiều trường học nữa”.
 

Ngáp dài vì bị "đánh cắp" một "giấc mơ trưa". Ảnh VnXpress

Nguyên nhân tái hiện những lớp học ca ba như năm học 2015-2016 này là do dân số cơ học tăng quá nhanh, điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng kịp.

Điều này cũng có nghĩa là, tình trạng dồn học sinh, nhồi nhét, tăng ca đã từng diễn ra những năm học trước đó. Nhưng vì sao, nó không được khắc phục?

Nhiều phụ huynh đã lên tiếng phản ánh rằng, cách đây chừng 20 năm, họ cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh học như thế.

Vậy là, tình trạng học xuyên trưa đã xuyên qua cả 2 thế hệ! Cách giải quyết vẫn là “tạm thời” và “hy vọng năm học tới không tiếp diễn”. Buồn thay!

Có lẽ, TP. Biên Hòa, Đồng Nai sẽ ghi một dấu ấn đặc biệt trong phong trào học tập trên cả nước: Học, học liên tục, học xuyên trưa, học xuyên trưa mãi?! Một sự tréo ngoe đến khó tưởng tượng.

Giờ trưa là giờ nghỉ ngơi theo đồng hồ sinh học của một con người. Đến cả người lớn còn luôn khao khát được nghỉ trưa và tranh thủ vùi mình vào những giấc mơ vội vàng. Với trẻ nhỏ, giờ nghỉ trưa lại càng quan trọng. Trẻ có thể sẽ phát triển một cách lệch chuẩn và ảnh hưởng tâm sinh lý nếu nhịp sinh học bị đảo lộn trong một thời gian dài.

Nếu ngân sách của một tỉnh không đủ thì phải huy động ngân sách cả nước. Nếu ngân sách cả nước không đáp ứng được dân số tăng vùn vụt thì xã hội hóa, huy động nguồn đóng góp hảo tâm từ những tấm lòng thiện nguyện. Chắc chắn khi phát động sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ.

Nhưng vì sao những năm trước đây và đến cả bây giờ, lãnh đạo các sở, ngành giáo dục trên địa bàn TP. Biên Hòa, Đồng Nai vẫn “cam chịu”? Cái danh nghĩa một tỉnh đi đầu về phát triển kinh tế công nghiệp trong cả nước đang nằm ở đâu?

Ngay cả việc học tập một cách đúng giờ, đúng ca, các em cũng không có được thì có nên cải cách, đổi mới hay chưa? Biết rằng, đổi mới, cải cách là để tiến lên, phù hợp với xu thế của thời đại. Nhưng đến những nhu cầu cơ bản, các em học sinh ở đây còn chưa được đáp ứng thì câu chuyện đổi mới có lẽ nên chậm lại.

Chưa thể dạy các em những điều mới, chưa thể yêu cầu các em hứng khởi với bài giảng kiến thức khi mà bài học vượt qua cơn buồn ngủ còn chưa thể hoàn thành.

Nhìn những cái ngáp dài, những ánh mắt nheo nhắm vì nắng trưa gắt gỏng, dáng nằm bò xuống bàn hay ngồi vất vưởng trước sân trường đợi chờ giao ca, tranh thủ ôn bài mà thấy tội thân các em quá!

Không thể đổ lỗi cho dân số cơ học tăng nhanh được. Trách nhiệm là ở con người, cụ thể là… người lớn. Người lớn phải có trách nhiệm và nghĩa vụ cho trẻ được học hành, ăn nghỉ và hoạt động vui chơi trong điều kiện tốt nhất có thể. Không làm được điều đó là có tội với tương lai của đất nước.

Các em có thể được giáo dục tinh thần “học, học nữa, học mãi” để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phát triển. Nhưng chúng ta không thể để trẻ bị ám ảnh. Với bất cứ lý do gì, để trẻ học xuyên trưa vẫn là điều không thể chấp nhận được.
 
>> Hà Nội: Cấm các trường bắt học sinh mua đồng phục

Theo Dương Thu (Dương Thu (Nguoiduatin.vn)