Xã hội

Lật ca nô, người đàn ông đu đọt tre 10 tiếng trong lũ xiết

Cả bụi tre đó chỉ ló đọt tre nhỏ bằng cổ tay, dòng nước chảy xiết, cuộn xoay tôi qua bên này rồi cuốn bên kia như đưa võng.

Cả bụi tre đó chỉ ló đọt tre nhỏ bằng cổ tay, dòng nước chảy xiết, cuộn xoay tôi qua bên này rồi cuốn bên kia như đưa võng.

Anh Tân gặp nạn trong lúc đi cứu hộ lũ lụt. Ca nô bị lật úp và anh may mắn sống sót khi bám 10 tiếng trên “đám bèo, đọt tre”.

Sau khi được ứng cứu, sức khỏe anh Tân đang dần ổn định dù các vết xước do gai tre cào ở hai chân vẫn còn rớm máu.

lũ lụt miền trung, lũ cuốn, bám 10 tiếng trên đọt tre

Anh Nguyễn Thanh Tân đang điều trị tại BV Đa khoa huyện Đồng Xuân

Anh Tân kể, chiều 2/11, nghe thông tin một xe khách kẹt lũ chết máy dưới chân cầu sắt La Hai của bờ sông Kỳ Lộ, anh cùng 4 người trong đội cứu hộ đi ứng cứu.

Khi ca nô đi qua sông Kỳ Lộ, chui dưới chân cầu sắt chỗ khúc cua thì bị lật úp. Lúc đó, một số người dạt ra ngoài, còn anh Tân nằm gọn trong lòng ca nô.

“Tôi cố sức đạp mạnh, thoát ra ngoài ca nô. Vừa ngoi lên thì đầu đập vào thành cầu đường bộ La Hai. Tôi uống liền mấy ngụm nước rồi cố gắng đạp mạnh mới trôi qua được khỏi cầu”, anh Tân kể lại.

Dòng nước hung dữ đã đẩy anh xuống cách đó 100m thì gặp ngã ba sông (nơi giao nhau giữa sông Kỳ Lộ và sông Cô - PV). Anh Tân bị nước nhận xuống trồi lên và tiếp tục trôi xa. 

“Trôi xuống khoảng 500m nữa thì gặp đám bèo, tôi bám vào và trôi đi chừng 2 cây số nữa thì gặp dòng nước xoáy. Đám bèo rã ra, còn tôi chới với giữa dòng nước đục ngầu. Lúc này tôi nghĩ mình chết chắc” - anh Tân lau nước mắt.

lũ lụt miền trung, lũ cuốn, bám 10 tiếng trên đọt tre

Dưới chân cầu sắt La Hai, chỗ ca nô lật úp

"Trôi khoảng 500m nữa thì tôi vớ được đọt tre. Cả bụi tre chỉ ló 1 đọt tre nhỏ bằng cổ tay. Chỗ đó dòng nước chảy xiết, xoay tôi qua bên này rồi cuốn qua bên kia như đưa võng.

Chống chọi gần 2 tiếng, kiệt sức nhưng tôi cố bám đọt tre nhích dần vào để đu vào cây tre cụt đọt. Mới yên thân được một lát thì lũ bứng nguyên bụi tre trôi đi.

Tôi cũng trôi theo bụi tre, được một đoạn thì bụi tre đứng lại nhưng chôn thấp xuống, tôi chỉ còn ló cái đầu”, anh Tân vẫn chưa hết bàng hoàng.

Anh Tân đu bám ở đó từ 1-6h sáng. Trong khoảng thời gian đó, anh lấy điện thoạt trong túi quần ra nhưng khi đưa lên bấm thì đã mất nguồn. Anh lấy chiếc quẹt ga ra nhưng cũng đã bị ướt. Chỉ còn da mặt là khô, anh lau quẹt trên da mặt rồi quẹt nhưng không cháy, chỉ đủ nhá lửa. Anh vẫn hy vọng ai bơi sõng đi qua thấy ánh sáng cứu dùm, nhưng vô vọng.

Trời sáng rõ hơn, anh Tân thấy một người bơi sõng đi qua liên kêu cứu. Người đó bơi sõng tiến sát lại nhưng rồi giơ tay lên, ý nói nước chảy xiết không đi tiếp được. Sau đó, người ấy về báo chính quyền và ca nô đến ứng cứu.

Chị Nguyễn Thị Mai Hồng, vợ anh Tân cho biết, chiều đó nhà bị nước lụt tràn vào mà gọi chồng không được.

lũ lụt miền trung, lũ cuốn, bám 10 tiếng trên đọt tre

lũ lụt miền trung, lũ cuốn, bám 10 tiếng trên đọt tre

Sáng nay, nước rút xuống được gang tay xong lại lên, người dân xã An Định (huyện Tuy An) vẫn phải sống lay lắt trên đường sắt.

"Có người bảo, chồng bị lật ca nô, tôi hốt hoảng gọi điện cho người thân cầu cứu. Sau đó mấy anh bộ đội đến cõng con tôi chạy lụt. Còn tôi trắng đêm không ngủ, nằm mong nửa đêm, gà gáy anh gọi mở cửa vào nhà… Chờ mãi không thấy đâu, sáng ra có tin anh đang ở bệnh viện".

Ông Lê Mến Thương, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân) cho biết, địa điểm phát hiện anh Tân đu trên đọt tre là thôn Tân Long (xã Xuân Sơn Nam), cách nơi ca nô lật 7km. Nhận được tin, xã báo cáo lên huyện kịp thời đưa ca nô cứu.

14 xã vùng rốn lũ bị cô lập

Đến sáng nay, người dân ở 14 xã vùng rốn lũ thuộc 2 huyện Tuy An, Đồng Xuân vẫn còn bị lũ cô lập.

Ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết, hiện nước lũ ngập sâu nên chưa thống kê được thiệt hại. Nặng nhất là đường giao thông sạt lở rất nghiêm trọng.

lũ lụt miền trung, lũ cuốn, bám 10 tiếng trên đọt tre

Ngồi nhà cạnh đường sắt chờ lũ rút

Bà Phan Thị Nhung, ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) cho biết, lũ đợt này rất đáng sợ, nước rút xuống gang tay rồi lên lại cứ thế đã gần 2 ngày, 2 đêm rồi.

“Tối qua tôi đi mua đèn cầy khắp xóm không có. Các quán bảo, kẹt đường nên không lấy hàng được, đành về ngủ thầm” - bà Nhung than vãn.

Ông Trần Văn Muôn, ở xã An Định (huyện Tuy An) cũng than thở, điện thoại 2 ngày rồi hết pin không liên lạc được. Lúa thóc, tủ bàn chìm trong nước nên chạy qua nhà trên cao nấu cơm nhờ, ngủ ké.

Ông Cao Văn Tiên, Phó phòng NN-PTNT, Phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Tuy An cho biết, nước suối chảy xiết, nước đồng còn nhẫy làm ngập đường nên chưa thống kê được thiệt hại tài sản nông dân. Đợt lụt này vẫn còn hàng trăm ngôi nhà ngập lụt.

Theo Mạnh Hoài Nam (VietNamNet)