Xã hội

Một người ở TP.HCM đi khám BHYT 80 lần trong 2 tháng đầu năm

TP.HCM vừa phát hiện trường hợp một bệnh nhân có số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đến 80 lần chỉ trong 2 tháng đầu năm.

Sở Y tế TP.HCM phải phát thông tin cảnh giác báo đến các đơn vị trực thuộc, các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập có khám chữa bệnh BHYT về việc vấn đề này.

Trường hợp nói trên là bệnh nhân Nguyễn Tuấn Khôi, nơi đăng ký khám ban đầu là Bệnh viện Triều An. Thông qua dữ liệu trên Hệ thống thông tin giám định BHYT của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và thông tin do Bảo hiểm Xã hội TP.HCM cung cấp, bệnh nhân Nguyễn Tuấn Khôi có 80 lần đăng ký khám, chữa bệnh với tổng chi phí khám, chữa bệnh BHYT hơn 60 triệu đồng.

Một người ở TP.HCM đi khám BHYT 80 lần trong 2 tháng đầu năm
Người bệnh đến bệnh viện đăng ký khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Ảnh minh họa

Cụ thể, từ ngày 1/2 đến 8/3/2021, bệnh nhân Nguyễn Tuấn Khôi đã đến khám, chữa bệnh tại 18 bệnh viện ở 12 quận, huyện trên địa bàn thành phố, trong đó có bệnh viện ở xa trung tâm như Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện huyện Nhà Bè.

Thống kê cho thấy, người này khám nhiều nhất là ở Bệnh viện Gò Vấp với 17 lượt, với chi phí BHYT là hơn 12,7 triệu đồng. Tiếp theo là Bệnh viện Quận 7 có 11 lượt và 10 lượt khám tại Bệnh viện Thành phố Thủ Đức với chi phí BHYT từ 5 đến 10,5 triệu đồng.

Ngoài ra, tại Bệnh viện Thống Nhất, bệnh nhân đã khám 5 lượt, các bệnh viện khác như Bệnh viện Quận 1, Quận 4, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi đều 4 lượt, còn tại những bệnh viện khác thì mỗi nơi, bệnh nhân này khám từ 1-2 lần.

Theo Sở Y tế TP.HCM, trong 2 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ liên thông đúng ngày của thành phố đạt 93,8%, trong đó của các bệnh viện là 93,5%, của các trạm y tế và phòng khám đa khoa là 94%.

Để chấn chỉnh việc chuyển dữ liệu điện tử lên Cổng tiếp nhận trong năm 2021 và tránh hiện tượng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT của người bệnh, hạn chế xuất toán các chi phí khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các đơn vị thực hiện việc chuyển dữ liệu lên Cổng tiếp nhận ngay sau khi người bệnh kết thúc lần khám bệnh hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú. Kể cả các cơ sở không phát sinh chi phí khám chữa bệnh BHYT trong ngày vẫn phải tuân thủ việc chuyển dữ liệu đúng theo thời gian và quy định của Thông tư 48 của Bộ Y tế.

Cơ sở y tế cũng cần tuân thủ việc tra cứu lịch sử khám, chữa bệnh của người bệnh trên Hệ thống thông tin giám định BHYT ngay khi tiếp nhận thẻ BHYT. Điều này nhằm phát hiện người có lịch sử khám, chữa bệnh nhiều lần tại nhiều cơ sở y tế khác nhau trong cùng ngày để trục lợi từ BHYT.

HP (Nguoiduatin.vn)