Xã hội

Vụ bếp ăn trường MN quốc tế dùng sữa, mỳ hết hạn: "Chỉ là sai sót trong quản lí kho"

Liên quan đến vụ bếp ăn trường quốc tế bị nghi vấn sử dụng đồ hết hạn, hàng Trung Quốc, nhà trường đã gửi bản tường trình thừa nhận đó chỉ là sai sót trong quản lý kho và khẳng định trẻ vẫn ăn thực phẩm còn hạn dùng.

Liên quan đến vụ bếp ăn trường quốc tế bị nghi vấn sử dụng đồ hết hạn, hàng Trung Quốc, nhà trường đã gửi bản tường trình thừa nhận đó chỉ là sai sót trong quản lý kho và khẳng định trẻ vẫn ăn thực phẩm còn hạn dùng.
Liên quan đến vụ "Bếp ăn trường MN quốc tế: Dầu ăn cũ, canh toàn "quốc", sữa hết hạn, nhện bò lổm ngổm trong gói mỳ", ngày 22/2, bà Lê Thị Thu Ba (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đào tạo Quốc tế Việt Mỹ Úc – AVS - TP.HCM) đã có bản tường trình với Sở GD&ĐT TP.HCM.
 
Trong bản tường trình, bà Lê Thị Thu Ba cho biết đã tiếp nhận sự việc. Cụ thể, sáng 27/1/2016, có một nhóm phụ huynh 7 người ngỏ ý muốn vào khu vực kho và bếp ăn của trường ở cơ sở quận Bình Tân để kiểm tra.
 

Bà Lê Thị Thu Ba, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đào tạo Quốc tế Việt Mỹ Úc – AVS

 
“Vì tôi nghĩ phụ huynh thay mình kiểm tra cũng là điều rất tốt cũng như rất tin tưởng vào cách tổ chức của kho và nhà bếp của các nên đã đồng ý với yêu cầu và yêu cầu nhân viên của nhà trường hỗ trợ các phụ huynh. Trong quá trình kiểm tra, phụ huynh có dùng điện thoại để ghi hình lại”, bà Thu Ba cho biết.
 
Sai sót trong quá trình quản lý kho
 
Clip do phụ huynh quay cảnh tham quan, tìm hiểu bếp ăn sau đó được tung lên mạng xã hội vào ngày 17/2, với nội dung dài khoảng 13 phút. Trong đó, có các cảnh như một chai dầu ăn đang sử dụng không có nhãn hiệu, ba bình dầu ăn (loại bình 5 lít) chứa dầu đã qua sử dụng được đặt dưới đất, cạnh cửa bếp. Tại kho có một bịch nui sao, 1 gói sữa bột, 1 bịch bột chiên đã quá hạn sử dụng.
 

Chai dầu ăn không nhãn mắc - ảnh cắt từ clip

 
Ngoài ra còn có một bịch bún tàu loại 500gr đã mở, bên ngoài bịch có 1 con nhện nhỏ bò lổm ngổm. Một bịch tiêu đen loại 1kg có một vài hạt tiêu trắng nên phụ huynh nghi tiêu bị mốc và một túi gạo tấm đã ngả màu.
 

Bịch nui đã hết hạn sử dụng từ tháng 10/2015

 
Giải thích cho các sự cố trên, bà Thu Ba viết: “Các túi nui, sữa, bột chiên hết hạn là các sản phẩm bị dư do sĩ số học sinh không cố định theo từng ngày, nên số khẩu phần ăn sẽ giảm, đến bị dư ra. Nhân viên kho biết các thực phẩm này đã hết hạn và đã để riêng 1 góc tủ để chờ làm biên bản thanh lý giữa quản lý kho, tài chính, hiệu trưởng và bộ phận quản trị suất ăn”.
 
Dầu ăn không nhãn hiệu theo bà Thu Ba thì là do nhà trường mua chai lớn của các thương hiệu uy tín rồi chiết ra chai nhỏ, Do sử dụng thường xuyên nên bình dầu nhỏ đã bị mất nhãn hiệu. Ba chai dầu ăn đăt ở cửa bếp đều gần khu phế phẩm là dầu dùng một lần, đang chờ xử lý.
 

Bà Thu Ba thừa nhận về việc sai sót là để thực phẩm quá hạn sử dụng trong kho mà không xử lý ngay.

 
Về gói bún tàu đã mở, có nhện bò ra, bà Ba lí giải là do trong quá trình nấu ăn cho trẻ, mỗi lần nhân viên bếp chỉ dùng từ 100gr – 200gr nên các lọn bún còn dư sẽ được cất lại nhưng nhân viên quản lý kho đã quên cột túi bao bì.
 
Bịch tiêu, gạo có mọt là thực phẩm dành cho giáo viên. Trong đó, bịch gạo đang chờ chuyển về kho tổng để xử lý vì đã ngả màu, không thể sử dụng được.
 
Có một số thực phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc như tỏi thì mua từ công ty, có chứng nhận an toàn cùng chứng từ hóa đơn rõ ràng. “Riêng nấm tuyết, rong biển, táo tàu là do trường có số đông học sinh là người Hoa nên đã sử dụng những thực phẩm này. Trước khi sử dụng, chúng tôi nghĩ đó chỉ là phần rất nhỏ bổ sung trong món súp”, bà Thu Ba cho hay.
 
Bà Thu Ba thừa nhận về việc sai sót là để thực phẩm quá hạn sử dụng trong kho mà không xử lý ngay.
 
Trẻ vẫn ăn thực phẩm còn hạn sử dụng
 
Trong tường trình bà Thu Ba cũng cho biết: ngay sau khi đoàn phụ huynh kiểm tra nhà bếp, vào ngày hôm sau nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh để giải thích. Tất cả các trường mầm non và tiểu học thuộc công ty cũng đã gửi bản cam kết về việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Bà cũng cho hay, ngày 2/2, Ban giám đốc tiếp tục họp với hơn 100 phụ huynh để giải thích vấn đề nói trên. Một số người ban đầu bức xúc với những vấn đề trên nhưng sau khi nghe giải thích, phần lớn các phụ huynh đã hiểu và thông cảm và vẫn tiếp tục cho con học tại trường.
 

Bản cam kết của nhà trường về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ sử dụng tại trường.

 
Tại buổi họp, nhà trường khẳng định không mua, không nấu thực phẩm quá hạn cho trẻ. “Chúng tôi có đủ giấy chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, chứng từ hóa đơn cho việc nhập hàng để chứng minh là thực phẩm chúng tôi sử dụng là không quá hạn sử dụng” bà Thu Ba cho hay.
 
Nhà trường cũng cam đoan rằng kể từ ngày hôm nay sẽ không sử dụng rong biển, táo tàu, nấm tuyết, nấm đông cô có xuất xứ Trung Quốc cho trẻ theo yêu cầu của phụ huynh.
 
Có con đang theo học tại trường, chị Trần Thị Tuyết Sương xác nhận có tham gia buổi tham quan bếp, kho của trường. “Ngay sau đó, trường có tổ chức họp phụ huynh. Họ cũng giải thích cặn kẽ nguyên nhân các sự cố trên nên mình cũng thông cảm, mới để con tiếp tục học ở đây”, chị Sương nói.
 
“Chúng tôi luôn đặt sự an toàn về sức khỏe, tính mạng của trẻ lên hàng đầu và luôn đảm bảo trẻ được chăm sóc tốt khi theo học tại hệ thống trường”, bà Thu Ba chia sẻ.
 
Trước đó, ngay sau khi nhận được thông tin về video quay những thực phẩm tại bếp ăn của trường mầm non Việt Mỹ Úc chi nhánh quận Bình Tân được đăng tải trên Facebook, chúng tôi đã liên hệ làm việc với trường mầm non Việt Mỹ Úc chi nhánh quận Bình Tân để tìm hiểu rõ hơn về sự việc. Bà Ngô Lê Anh Phương (trưởng phòng phát triển và công nghệ Công ty Cổ phần Đào tạo Quốc tế Việt Mỹ Úc – AVS  ) cho biết, nhà trường đã tiếp nhận những thông tin phản hồi về video được đăng tải trên mạng. Bà Phương xác nhận nhà trường đã nhận được thông tin phản ảnh của phụ huynh, Ban giám đốc đã tiến hành kiểm tra lại toàn bộ quy trình về nhập hàng của phía nhà bếp. Nhà trường đã nhận có phần thiếu sót và ngày hôm sau đã tổ chức họp phụ huynh để giải đáp các thắc mắc.
 
Về những sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc, bà Phương cho biết: “Chúng tôi thừa nhận đã nhập một số thực phẩm từ Trung Quốc. Chúng tôi khẳng định sản phẩm nhập về đều có kiểm định chất lượng và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, khi có ý kiến của phụ huynh, nhà trường đã không nhập thực phẩm này nữa”.
 
>> Bếp ăn trường MN quốc tế: Dầu ăn cũ, canh toàn "quốc", sữa hết hạn, nhện bò lổm ngổm trong gói mỳ
 
Theo Hương Thu (Afamily.vn/Trí Thức Trẻ)