Gia đình

Bệnh nhân cơ cực nằm viện ngày nắng nóng

Giữa trưa 2/7, anh Hưng bế cậu con trai 6 tháng tuổi đang ngủ ngon lành phía cầu thang khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Thi thoảng thấy lặng gió, con ngọ nguậy khó chịu, anh lại phe phẩy quạt giấy.

Giữa trưa 2/7, anh Hưng bế cậu con trai 6 tháng tuổi đang ngủ ngon lành phía cầu thang khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Thi thoảng thấy lặng gió, con ngọ nguậy khó chịu, anh lại phe phẩy quạt giấy.

Phòng bệnh có 6 giường, mỗi cháu một giường nhưng trời quá nóng lại không có điều hòa nên rất ngột ngạt, khó chịu, anh đành ôm con ra ngồi ở cầu thang bệnh viện cho mát. Sợ con ra mồ hôi, bệnh càng nặng hơn, vợ chồng anh thay phiên nhau thức quạt.
 
"Ban ngày nóng, tối cũng hầm hập dù quạt trần và quạt treo tường bật hết công suất, mang thêm quạt nhưng vẫn không ăn thua. Cháu mới được mổ tim, về nhà một tuần thì lại bị viêm phổi phải nhập viện điều trị tiếp", người cha cho biết. Gia đình anh Hương ở Hải Hậu, Nam Định.
 

Bà mẹ này bế con ra hành lang bệnh viện ngồi cho mát. Ảnh: N.P.

Hà Nội đang vào những ngày nắng nóng, đỉnh điểm có khi lên đến 40 độ C. Ở các bệnh viện, điều kiện phòng nghỉ hạn chế, thiếu điều hòa, nên hầu hết người bệnh đều phải chịu cảnh nóng hầm hập, trừ người có thể chi trả tiền dịch vụ phòng máy lạnh hay những bệnh nhân đặc biệt.

Bà Ngà từ Hà Giang lên Hà Nội chăm cháu nằm khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi trung ương. Phòng bệnh có 10 giường, 10 đứa trẻ với mỗi bé có ít nhất một người lớn chăm sóc, vị chi phòng lúc nào cũng có 20 người ở. Trời nóng, phòng càng oi bức lại đông người. "Chiếc giường inox sờ vào cũng nóng rẫy lên, không dám đặt lưng xuống mà ngủ. Mình là người lớn thì không sao nhưng bọn trẻ con mà thấy tội. Mệt quá thì đành phải ngả lưng", bà Ngà chia sẻ.

Chung cảnh ngộ như vậy, chị Tuyết (Mê Linh, Hà Nội) liên tục bế cô con gái một tháng tuổi bị viêm đường tiết niệu trên tay, không dám đặt nằm trên chiếu vì cảm giác nóng bỏng rát. Phòng của cháu là phòng được cơi nới, ghép thêm bởi mảng kính ngăn, phòng nằm chính tây nên hấp thụ khối nhiệt lớn vào bên trong phòng.

“Tất cả chị em đi nuôi con đều không dám nằm, đặt lưng xuống như trên đống lửa. Chiếu trải trên giường inox bị hấp nhiệt khô cong, cảm giác chỉ cần vò nhẹ vào nhau có thể bốc cháy”, chị Tuyết nói.
 

Hành lang khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân nằm cả ra ngoài hàng lang. Ảnh: N.P.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, nhiều khoa bị quá tải, người bệnh nằm ghép, thậm chí phải nằm ngoài hành lang. Nhiều phòng bệnh không có điều hòa, chỉ có quạt nhưng bệnh nhân đông nên không khí trong phòng toàn hơi người trở nên ngột ngạt. Hiện khoa Hô hấp, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Một phòng có 8 giường, mỗi giường đều phải nằm ghép 3-4.

Bị viêm phổi phải điều trị dài ngày ở Bệnh viện Bạch Mai, ông Định (70 tuổi, ở Nam Định) không biết nằm ngủ ở đâu khi một giường được xếp tới 4 người, ngồi cũng đã thấy khó. Anh Nam, người nhà ông Định cho biết đã đi dạo một vòng khu hành lang để tìm chỗ thoáng mát hơn có thể đặt chiếu nhưng không còn chỗ. May mắn có một bệnh nhân sắp ra viện, anh xin nhường lại chỗ nằm ở hành lang để kê chiếu. Anh cũng mang quạt từ nhà đi, mua thêm ổ cắm điện để cắm quạt từ trong phòng ra.

"Mới đầu cứ cho cụ nằm tạm như thế, nếu xin được phòng dịch vụ thì vào sau. Cụ tuổi cao lại đang bệnh mà chỗ nằm không có, trời thì nóng chỉ sợ thêm bệnh vào lại khổ", anh Nam nói.

Hiện Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện phải lắp đặt quạt điện đảm bảo người bệnh được nằm điều trị trong điều kiện thoáng mát; cung cấp đủ nước sạch cho người bệnh. Tuy nhiên, tiết trời gay gắt như những ngày qua, quạt chạy hết công suất cũng không bớt nóng. Phần lớn các bệnh viện chưa trang bị đủ điều hòa cho các phòng bệnh mà mới chỉ có phòng dịch vụ.

Để phòng chống bệnh trong thời tiết này, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế đi ra ngoài trời trong lúc nắng nóng. Người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi ra ngoài trời. Bên cạnh đó chọn mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi.

Đối với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng thì nên bố trí thời gian làm việc vào lúc trời mát mẻ như vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao. Nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm việc quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên định kỳ sau khoảng 45 phút đến một giờ làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong khoảng thời gian 15-20 phút. Đồng thời, hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính.
 
Tại Hà Nội, theo cơ quan khí tượng từ ngày 27/6 đến nay mỗi ngày nền nhiệt tăng một độ C. Ngày 1/7, 3 trong 5 trạm đo là Sơn Tây, Láng, Hà Đông đều 40 độ C. Vùng "mát" nhất là Hoài Đức 39,3 độ C. Dự báo đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt này sẽ kéo dài liên tục đến hết ngày 4/7.
 
Theo Mai Phương (VnExpress.net)