Gia đình

Gia đình rối loạn, cả tết khói um vì vợ mê cúng lễ

Đốt vàng mã, tụng kinh, niệm chú, gõ chiêng gõ mõ, không chỉ điên đầu mà mấy đứa con cũng ngạt thở vì nhang khói của vợ.

Đốt vàng mã, tụng kinh, niệm chú, gõ chiêng gõ mõ, không chỉ điên đầu mà mấy đứa con cũng ngạt thở vì nhang khói của vợ.

Vợ tôi ngày nào cũng đốt hương, ngày rằm, cúng ông công ông táo, chiều 30 đều đốt cả bao tải lớn các loại vàng hương, quần áo, ngựa xe, đồ đạc cho các thần thánh. Rồi bà ấy lại mất hàng giờ khấn vái, cầu khẩn, vừa khấn vừa gõ mõ, đánh chiêng. Chồng con động nói đến, can ngăn là bà ấy gióng giả giảng giải về quan niệm nhà Phật rồi đời sống tâm linh nghe mà ù cả tai. Nhưng nếu bài xích mạnh hơn, vợ tôi lại giận dỗi, bỏ vào phòng niệm phật, bỏ ăn, có khi cả nhà còn mất vui, mất tết.

Xưa nay, tôi bận rộn làm ăn nên phó mặc chuyện chăm sóc bố mẹ, con cái cho vợ. Bà ấy rất tốt tính, đảm đang tháo vát, chỉn chu chuyện nhà, không kêu ca, phàn nàn gì. Vợ tôi mới ngoài 40 vẫn còn mặn mà nhưng từ lâu chuyện vợ chồng đã lạnh nhạt. Ngày rằm, mùng 1, bà ấy đều ngủ riêng. Còn trong dịp tết, bà ấy cũng “kiêng” chồng để giữ “sạch sẽ” còn đi lễ, đi chùa. 

Trước mắt, gia đình tôi đang khói um vì khói hương và đốt vàng mã. Tôi ở nhà chịu không nổi, các con cũng nhăn nhó. Hàng xóm láng giềng thấy sân nhà tôi đốt vàng mã suốt ngày cũng xì xào. Xin cho tôi lời khuyên để có thể khiến vợ tôi bớt u mê, đỡ chuyện hương khói.

Trần Anh Tuấn (Hà Nội)

Hạnh phúc không thể vì "đốt nhiều vàng mã" mà có được. (Ảnh minh hoạ)

Tơ Hồng gỡ rối:

Cúng lễ, đi chùa là việc tâm linh, dù anh có không hợp ý cũng không nên gay gắt phản đối, vợ chẳng những không hiểu ra mà vợ chồng lại mâu thuẫn, căng thẳng. Nhiều người đi lễ, cầu thần thánh để cầu tài, cầu lộc, mua may, bán đắt, cầu cho gia đình ấm êm, vợ chồng hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, thành đạt.

Nhưng cũng không ít người đi chùa để tìm sự bình yên trong tâm hồn, để “phân tán” sự chú ý của mình vào những việc khiến mình mệt mỏi, đau lòng. Theo lời anh tâm sự, có lẽ bình thường, hai vợ chồng anh khá xa cách. Anh bận rộn chuyện làm ăn, phó mặc chuyện nhà cho vợ. Một người phụ nữ bình thường chắc chắn sẽ ca thán, đòi hỏi chồng phải chia sẻ việc nhà với mình. Đằng này vợ anh lại dửng dưng, ôm hết việc vào mình.

Vì vậy, có lẽ từ lâu trong tâm tưởng của chị nhà, anh đã “không tồn tại”, nói cách khác, chị ấy đã quá thất vọng về chồng đến mức không còn chờ đợi, đòi hỏi gì nữa. Việc chị ấy lạnh nhạt chuyện vợ chồng có lẽ cũng có lý do rạn nứt tình cảm chứ không chỉ là mê chùa chiền. Lý do “giữ mình sạch sẽ” chỉ là một cái cớ để cách xa chồng thôi. Muốn vợ không quá mê chuyện cúng lễ, anh nên bỏ thời gian tìm hiểu xem vợ mình nghĩ gì, yêu thích gì để chia sẻ cùng chị ấy. Khi chị ấy đi chùa thì thành tâm cầu điều gì, nếu là để bình an, hạnh phúc, anh nên giúp chị cảm nhận được hạnh phúc.

Nếu anh hiểu khoảng trống trong tâm hồn chị, tìm cách khoả lấp thì đương nhiên chị sẽ chẳng cần phải dành quá nhiều thời gian đi chùa, cúng lễ làm để cầu mong hạnh phúc, bình an làm gì nữa.

Còn nếu vợ anh thực sự mê muội, tin tưởng vào chuyện “cúng lễ” sẽ tạo ra hạnh phúc thì anh cũng cần nhẹ nhàng khuyên nhủ, đừng bài xích bằng những lời nặng nề, vợ anh càng phản ứng tiêu cực hơn. Có rất nhiều nhà sư đã chia sẻ quan niệm của nhà Phật về ý nghĩa của lòng thành, của cúng lễ. Không cần phải đốt nhiều vàng hương, cúng lễ triền miên thì Phật sẽ phù hộ. Hy vọng vợ anh sẽ dần dần hiểu ra. Hạnh phúc không thể vì "đốt nhiều vàng mã" mà có được.

Theo Tơ Hồng (Dân Việt)