Gia đình

Mối quy hiểm từ trào lưu không cắt dây rốn cho trẻ sơ sinh

Thay vì cắt rốn cho trẻ khi vừa sinh ra, nhiều người vẫn để bé dính liền với nhau thai cho đến khi dây rốn khô và rụng một cách tự nhiên.

Thay vì cắt rốn cho trẻ khi vừa sinh ra, nhiều người vẫn để bé dính liền với nhau thai cho đến khi dây rốn khô và rụng một cách tự nhiên.

Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo cách làm này rất nguy hiểm cho trẻ vì đây là môi trường lý tưởng của các loại vi khuẩn và có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Nhiều người tin tưởng rằng mục đích chính của phương pháp “liên sinh” là cho phép bé nhận được tối đa chất dinh dưỡng như tế bào gốc và khả năng hồi máu trước khi nhau thai khô.

Moi quy hiem tu trao luu khong cat day ron cho tre so sinh hinh anh 1

Trào lưu “liên sinh” đang được nhiều bậc cha mẹ áp dụng vì tin rằng sẽ mang lợi ích cho con mình. Ảnh: Emma Jean Photography/Mercury Press.

Những người ủng hộ phương pháp này tin rằng trẻ sơ sinh có thể sẽ căng thẳng khi bị tách rời khỏi nhau thai. Do đó, họ muốn trẻ chào đời theo cách tự nhiên nhất, cũng như để tận dụng tối đa dưỡng chất mà mẹ “gửi gắm” qua nhau thai.

Sau khi bé và nhau thai được lấy ra khỏi cơ thể người mẹ, nhau thai sẽ được đặt trong một cái hộp và mang theo cùng đứa trẻ. Dây rốn vẫn được giữ cho lại cho đến khi rụng tự nhiên. Quá trình này có thể mất đến 10 ngày.

Liệu phương pháp “liên sinh” có hiệu quả như mọi người tin tưởng?

Theo Daily Mail, xu hướng “liên sinh” được thực hiện lần đầu tiên được vào năm 2008, thậm chí một số chuyên gia trong lĩnh vực y tế ngay lập tức đã áp dụng thử nghiệm phương pháp này nhưng họ đã nhanh chóng ngừng lại.

Các chuyên gia cho biết nếu giữ lại nhau thai một thời gian sau khi sinh, trẻ có thể sẽ gặp nguy hiểm do các loại vi khuẩn lây truyền từ nhau thai qua dây rốn vì nó có chứa máu. Thêm nữa, chỉ một thời gian ngắn sau khi sinh, dây rốn sẽ ngừng đập, do đó nhau thai không thể truyền chất dinh dưỡng sang cho bé nữa.

Thực tế, phương pháp “liên sinh” không phải hoàn toàn không có cơ sở, nhiều nghiên cứu cho thấy việc không cắt dây rốn cho trẻ ngay lập tức sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho trẻ, nhưng không được quá 3 phút sau khi ra khỏi cơ thể mẹ.

Tiến sĩ Maria Mascola thuộc trường Sản Phụ khoa Mỹ (ACOG) cho biết việc tạm dừng cắt dây rốn trong khoảng thời gian ngắn sau khi sinh có thể giúp trẻ nhận được lượng máu rất giàu oxy và sắt. “Máu từ nhau thai có thể chảy qua dây rốn trong vòng 5 phút, nhưng tốt nhất chỉ trong khoảng một phút đầu tiên”, tiến sĩ Mascola cho biết.

Do đó, các chuyên gia sản khoa đề nghị nên “chờ” ít nhất từ 30-60 giây sau khi sinh (trừ những trẻ có sức khỏe yếu) cho phép trẻ tiếp nhận thêm máu được truyền từ nhau thai. Việc làm này cung cấp cho trẻ một lượng máu khỏe mạnh và có thể làm giảm nguy cơ thiếu máu khi chuyển từ bụng mẹ sang cuộc sống bên ngoài tử cung.

Thiếu máu khiến trẻ bị khó thở, dễ mắc các bệnh về tim mạch, ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất và tinh thần. Căn bệnh này ảnh hưởng đến hơn 40% trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới.

Theo Minh Hải (Tri Thức Trực Tuyến)