Gia đình

Sương mù dày đặc, tiềm ẩn nhiều bệnh nguy hiểm

Những ngày qua, người dân miền Bắc phải sống trong thời tiết ẩm ướt, mưa phùn, bao phủ không khí bởi một làn sương mù dày đặc. Môi trường này dễ nảy sinh nhiều bệnh nguy hiểm.

Những ngày qua, người dân miền Bắc phải sống trong thời tiết ẩm ướt, mưa phùn, bao phủ không khí bởi một làn sương mù dày đặc. Môi trường này dễ nảy sinh nhiều bệnh nguy hiểm.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thời tiết ẩm ướt rất thuận lợi cho sự phát triển các virus gây bệnh đường hô hấp, điểm hình là Adeno virus.

Bệnh do virus này gây ra có hội chứng lâm sàng đa dạng, thông thường là viêm mũi. Trường hợp đặc biệt virus gây bệnh ở đường hô hấp dưới bao gồm viêm phế quản nhỏ và viêm phổi.

Virus Adeno có nhiều týp huyết thanh nên cũng gây ra rất nhiều loại bệnh khác nhau như sốt, viêm họng, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp cấp, sưng hạch bạch huyết vùng cổ 2 bên...

Biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân nhiễm loại virus này là sốt, nhiệt độ có thể đến 39 độ C. Ở Việt Nam, bệnh do virus Adeno lưu hành rộng rãi ở nhiều nơi trong cả nước. Số mắc trung bình năm của thời kỳ 1996-2000 ở Việt Nam là 17.486 với tỷ lệ 23/100.000 dân, không có tử vong. Trong số đó, miền Bắc mắc là địa phương có ca nhiễm nhiều nhất cả nước (15.945).
 
Làn sương mù dày đặc tại Hà Nội vào buổi sáng - Ảnh: Hoàng Hà.
 
Độ ẩm cao còn là điều kiện thuận lợi cho nấm mốc phát triển bám vào tường nhà, đồ dùng sinh hoạt, quần áo mà mắt thường không thể nhìn thấy. Đồng thời, sương mù dày đặc còn lưu lại nhiều chất độc hại, bụi, khói trong không khí. Đây là tác nhân khiến các bệnh dị ứng đường hô hấp, viêm phổi, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm khí quản, phế quản cấp bùng phát và trở nên trầm trọng hơn.

Ngoài ra, người dân còn phải đối mặt với nhiều bệnh truyền nhiễm do virus gây ra như thủy đậu, sởi... Trong đó, thủy đậu do virut Varicella Zoster gây nên với biểu hiện là các nốt tròn nhỏ khắp cơ thể, gây ngứa, sau đó chuyển thành mụn nước và khô đi sau 5-7 ngày. Bệnh thủy đậu không quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị đúng cách, chúng mình có thể gây nhiễm trùng, để lại sẹo, thậm chí dẫn tới những biến chứng vô cùng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm màng não…

Sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch lây truyền theo đường hô hấp, do virus gây ra khi thời tiết ẩm. Biểu hiện của bệnh bao gồm sốt, phát ban, viêm long đường hô hấp, xuấy hiện các hạt nhỏ màu trắng ở niêm mạc miệng. Sởi có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vọng.

Bên cạnh đó, thời tiết này còn khiến quần áo luôn trong tình trạng ẩm dễ khiến chúng ta mắc phải các căn bệnh vùng kín, viêm nhiễm phụ khoa gây ngứa ngáy, khó chịu.

Làm gì để phòng bệnh?

Theo các bác sĩ, những ngày có sương mù dày đặc, người dân không nên ra đường vào sáng sớm để tránh hít phải các chất độc trong không khí. Khi tham gia giao thông trong điều kiện thời tiết này, chúng ta nên đeo khẩu trang y tế để bảo vệ đường hô hấp. Ngoài ra, cần tăng cường uống nước, bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết để nâng cao sức đề kháng của cơ thể chống lại những bệnh truyền nhiễm dễ lây lan.

Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo người dân phải thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở để không khí luôn thông thoáng, tránh nấm mốc và vi khuẩn gây bệnh. Cần lưu ý, các chứng bệnh đường hô hấp đều diễn tiến rất nhanh, khi thấy có biểu hiện ho, sốt, chúng ta phải nhanh chóng đến các cơ sở y tế để tránh bệnh chuyển nặng.

Bên cạnh đó, để phòng bệnh trong thời tiết nồm ẩm, các chuyên gia cho biết không nên tắm quá lâu, đi chân đất, mặc quần áo ẩm ướt. Với người trưởng thành, đặc biệt là phụ nữ, cần duy trì thói quen vệ sinh vùng kín 2 lần/ngày với nước sạch và dung dịch vệ sinh để tránh nhiễm khuẩn.
 
Theo A.H (Zing.vn)