Giải trí

Con số 0 trong những phim Việt 20 tỷ đồng

Sau gần 20 năm, phim Việt vẫn như anh trai quê ra phố, bấn loạn tìm đủ mọi phương cách kiếm tiền.

Sau gần 20 năm, phim Việt vẫn như anh trai quê ra phố, bấn loạn tìm đủ mọi phương cách kiếm tiền.
 

Đầu những năm 2000, điện ảnh Việt bước vào thời kỳ cổ phần hóa, tư nhân hóa, chấm dứt chuỗi thời gian bao cấp kéo dài nhiều thập kỷ. Cũng từ đây, phim Việt giống như anh trai quê bước ra thành phố, đối diện với những cuộc đua phòng vé với bao chuyện dở khóc dở cười.

Việc để một lĩnh vực thuần nghệ thuật là điện ảnh phải bước ra thị trường bươn chải, bon chen, kiếm tiền từng là nỗi đau lòng của cả một thế hệ đạo diễn. Điện ảnh Việt đã bị thế giới bỏ lại quá xa.

Khi việc kiếm tiền ở xứ sở điện ảnh khác đã trở thành một đẳng cấp, việc kiếm tiền của điện ảnh Việt vẫn đầy bi hài với đủ nước mắt, nụ cười.

Chuyện kiếm tiền của ‘anh trai quê’

Như anh trai quê bước ra khỏi lũy tre làng, đã mất đến gần 20 năm, phim Việt vẫn loay hoay với việc kiếm tiền. Phim hài từng trở thành một thứ mốt, một cứu cánh, một phong trào kiếm tiền rầm rộ cho màn ảnh Việt.

Đến mức, một vị đạo diễn già từng cảm thán, “Tôi không thể tưởng tượng nổi, lại đến một ngày, người ta gọi những thứ quái quỷ như Hello cô Ba, Khi đàn ông mang bầu… là phim!?”.

Những cuộc chạy đua kiếm tiền đã biến phim Việt trở nên nhốn nháo, thực dụng và bế tắc. Với muôn cách kiếm tiền khác nhau, nhưng những bộ phim chất lượng, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Sau gần 20 năm, việc kiếm tiền (hay còn gọi là thương mại cho sang) không chỉ là gánh nặng, không chỉ là sự sống còn, mà đã trở thành nỗi ám ảnh lớn với phim Việt.

Các nhà làm phim vẫn đua nhau tìm ra những phương cách mới, những đề tài mới, những cách kết hợp không giống ai (ví như vừa hành động – vừa hài – vừa phiêu lưu như Già gân, mỹ nhân và găng tơ)… để mong muốn khi ra rạp, phim sẽ bán được vé.

Con so 0 trong nhung phim Viet 20 ty dong hinh anh 1
Tấm Cám chuyện chưa kể được tiếp tục sau thắng lợi của Ngày nảy ngày nay. Ảnh: ĐPCC

Lấy đơn cử từ bộ phim đang ầm ĩ nhất là Tấm Cám chuyện chưa kể. Ngô Thanh Vân sản xuất bộ phim này sau thắng lợi từ dự án phim thuộc thể loại kỳ ảo ra mắt dịp Tết 2015 là Ngày nảy ngày nay.

Ngày nảy ngày nay như bao bộ phim hài say sưa kiếm tiền khác, kịch bản đơn giản, câu chuyện phi lý, nhưng lại có được doanh thu cao bất ngờ mùa Tết năm đó. Thậm chí, nhân vật hai cô tiên ngây ngô của Ngày nảy ngày nay còn tạo hiệu ứng cho loạt sản phẩm ăn theo, trong đó có ca khúc Hai cô tiên trở thành hit của nhóm 365 suốt thời gian dài.

Tấm Cám chuyện chưa kể cũng được Ngô Thanh Vân làm truyền thông rất tốt, từ nụ cười trong những ngày tung trailer, teaser, đến nước mắt trong buổi họp báo.

Trong dự án Tấm Cám chuyện chưa kể, Ngô Thanh Vân không được khen ngợi về diễn xuất (khi đóng vai mẹ Cám), không được khen ngợi ở vị trí đạo diễn ( phim còn rời rạc, nhiều sạn), nhưng được ngợi khen về khả năng làm truyền thông cho dự án của mình.

Từ những ngày quay đầu tiên, Tấm Cám được giới thiệu khéo léo qua hình ảnh đạo diễn phim King Kong đến thăm đoàn khi tới Ninh Bình, cho đến giọt nước mắt của ngày họp báo ra mắt phim, có thể nhìn thấy, việc bỏ ra 22 tỷ đồng làm phim và quyết tâm thu hồi vốn là một gánh nặng như thế nào với Ngô Thanh Vân.

Ngô Thanh Vân khóc vì CGV từ chối chiếu Tấm Cám: Theo cô, đây là một tin buồn cho những nỗ lực của người làm phim Việt muốn bộ phim được đến với đông đảo khán giả cả nước.

Những bộ phim có giá bằng 0

Trên dưới 20 tỷ đồng là mức phí sản xuất trung bình dành cho một phim Việt ở thời điểm hiện tại (Tấm Cám 22 tỷ đồng, Fan Cuồng 26 tỷ đồng…). Trừ những khoản ăn chia với các phòng vé, một bộ phim khi ra rạp phải đoạt doanh thu khoảng 40 tỷ đồng mới được cho là hòa vốn, từ 50 tỷ đồng trở lên mới bắt đầu có lãi.

Lịch sử phòng vé từng chứng kiến những dự án phim Việt thu lời ‘đỉnh’ nhất như: Mỹ nhân kế, Để mai tính, Tèo em, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh… Cũng từng chứng kiến sự thua lỗ nặng nề của nhiều bộ phim, trong đó chủ yếu là phim chiến tranh, như Sống cùng lịch sử, Người trở về, Những người viết huyền thoại…

Trong đó, giai thoại về bộ phim Sống cùng lịch sử từng được kể đi kể lại như một nỗi nhức nhối khi phim được nhà nước đầu tư 1 triệu USD (tương đương 22 tỷ đồng) nhưng không bán nổi một vé.

Con so 0 trong nhung phim Viet 20 ty dong hinh anh 2
Nhiều bộ phim lịch sự chịu cùng số phận ế ẩm như Sống cùng lịch sử. Ảnh: ĐPCC

Đã có rất nhiều những phim Việt sản xuất 22 tỷ đồng, nhưng lãi là 0 đồng.

Tuy nhiên, nghịch cảnh đáng nói trong câu chuyện kiếm tiền của “anh trai quê” phim Việt là, những phim lãi 0 đồng – lại có giá trị nghệ thuật, và có nội dung đáng xem hơn nhiều bộ phim giải trí có lãi hàng chục tỷ đồng.

Năm 2015, khi đến Việt Nam, Giám đốc sản xuất của hãng phim Warner Bros. ông Jon Kuyper trong cuộc trao đổi với người viết có nói, “Thương mại là vấn đề chú trọng tất yếu của tất cả các nền điện ảnh.

Chính yếu tố thương mại đã biến Hollywood trở thành một đế chế. Tuy nhiên, chúng tôi xác định được rằng, đế chế ấy có đi được đường dài hay không lại phải nhờ vào chất lượng nội dung của từng bộ phim”.

Ông Jon Kuyper khẳng định chất lượng nội dung của bộ phim không chỉ tạo nên thương hiệu, làm nên đường dài, mà còn mang lại doanh thu đáng tin cho hãng sản xuất.

Ông Jon Kuyper nói, “Khi khán giả đến xem một bộ phim tồi, dù có doanh thu cao đến mấy, giá trị về lòng tin, về sự thưởng thức, về sự ấn tượng để lại của bộ phim đó vẫn bằng 0”.

Nếu hiểu theo đúng ý của ông Jon Kuyper, có rất nhiều bộ phim Việt Nam được sản xuất trên dưới 20 tỷ đồng đang có giá bằng 0 về lòng tin, sự thưởng thức, sự ấn tượng trong lòng khán giả.

Vẫn là chuyện rời khỏi lũy tre làng lên phố kiếm tiền của anh trai quê, việc kiếm tiền nếu chỉ dựa vào sự học đòi, mua vui sẽ mãi mãi là manh mún, chụp giật.

Vì thế, 20 năm qua, những cuộc chạy đua kiếm tiền mải miết chưa thể biến phim Việt thành một đại gia giàu có, lịch lãm, mà chỉ biến anh trai quê thuở xưa trở thành một con buôn thực dụng, nửa mùa.

Theo H.Hương (Zing.vn)