Giải trí

Hành trình đến Oscar của phim về nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

Trên trang Indiewire, nữ đạo diễn Courtney Marsh thuật lại cuộc gặp gỡ Lê Minh Châu và hành trình thực hiện bộ phim tài liệu ngắn “Chau, beyond the Lines” kéo dài 8 năm sau đó.

Trên trang Indiewire, nữ đạo diễn Courtney Marsh thuật lại cuộc gặp gỡ Lê Minh Châu và hành trình thực hiện bộ phim tài liệu ngắn “Chau, beyond the Lines” kéo dài 8 năm sau đó.

Năm 2007, Courtney Marsh còn đang theo học chương trình cử nhân khoa phim tài liệu tại trường điện ảnh trực thuộc Đại học California, Los Angeles (UCLA). Tuy chưa từng thực hiện một tác phẩm nào trước đó, cô luôn mang khao khát ghi lại một điều gì đó thật khác biệt so với những gì mình từng trải qua trong đời.

Nữ đạo diễn chia sẻ: “Tôi luôn luôn muốn khám phá. Một người bạn thân lúc đó của tôi đến từ Việt Nam, và tôi đi đến quyết định thực hiện một bộ phim tài liệu về những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ tại TP HCM. Thực lòng mà nói, khi đó tôi còn chẳng biết đến thể loại phim tài liệu ngắn. Rồi với số tiền đến từ vài khoản quyên góp và tiết kiệm, chúng tôi bay đến Việt Nam để bắt đầu ghi hình”.
 

Nữ đạo diễn Courtney Marsh bên cạnh nhà sản xuất Jerry Franck của Chau, beyond the Lines. Quãng thời gian thực hiện bộ phim tài liệu ngắn 34 phút về Lê Minh Châu là 8 năm. Ảnh: Getty Images

 
Để quay phim tại quốc gia Đông Nam Á, Courtney Marsh phải xin giấy phép chính quyền và tin tức bắt đầu lan ra. Một nhà sản xuất truyền hình tại TP HCM tới gặp cô ở khách sạn. Người đó cho rằng chủ đề mà Marsh muốn theo đuổi khá ổn, “nhưng đã nhàm rồi. Anh ấy đề nghị đưa chúng tôi đến thăm một ‘ngôi làng hòa bình’ khuất phía sau bệnh viện phụ sản. Đó chính là làng Hòa Bình, trung tâm chuyên chăm sóc trẻ em bị dị tật bởi chất độc da cam”.

Tại thời điểm đó, Courtney Marsh mới bước sang tuổi 21, không hề biết đến thứ vũ khí hóa học mà quân đội Mỹ đã rải xuống chiến trường miền Nam Việt Nam hơn bốn thập kỷ trước. Cô nói: “Khi tìm hiểu, tôi mới biết rằng thứ hóa chất đó đã khiến cây rừng rụng sạch lá. Nhiều năm sau, lũ trẻ mắc dị tật chính là vì nó”.

Cô quyết định tham gia hoạt động tình nguyện ở làng Hòa Bình trong hai tuần. Hàng ngày, nhà làm phim trẻ giúp đỡ những em bé hơn tắm rửa, ăn uống, rồi chơi bóng đá với những em lớn hơn - trong đó có Lê Minh Châu. “Các em đều chỉ là những đứa trẻ, không bao giờ cảm thấy mình khác biệt so với chúng bạn. Chính thế giới bên ngoài mới coi các em là dị biệt. Tôi chợt nhận ra đây chính là câu chuyện mà mình muốn khám phá”, Marsh hồi tưởng.
 

Tại làng Hòa Bình, Marsh ban đầu chơi bóng đá với Lê Minh Châu. Sau đó, cô quyết định dành trọn tác phẩm đầu tay của mình cho cậu. Ảnh: Witness

 
Do là phụ nữ, cô gái người Mỹ được trung tâm sắp xếp cho làm việc cùng đội ngũ y tá. Đó là cơ hội giúp Courtney Marsh được trải nghiệm cuộc sống tại làng Hòa Bình. Cô nói: “Ban đầu, tôi muốn làm phim về năm đứa trẻ ở những độ tuổi khác nhau nhưng cùng lớn lên tại trung tâm. Nhưng rốt cuộc, tôi quyết định tập trung vào Lê Minh Châu, bởi em sở hữu niềm đam mê và tính cách sôi nổi. Ở tuổi 15, Châu đã biết mình muốn làm gì, và không chấp nhận câu trả lời không”.

Điều đó tạo ra sự đồng cảm giữa hai người, bởi Marsh đang muốn chứng tỏ mình là một nhà làm phim thực thụ. Nhưng trên hết, cô nhận ra câu chuyện của Châu cần được người ta biết đến, bởi “nó giống như những gì tất cả chúng ta đều phải trải qua: lớn lên, vật lộn với ước mơ và những suy nghĩ tiêu cực, băn khoăn rằng cuộc đời mình rồi sẽ ra sao”.

Khi trở về Mỹ, Courtney Marsh tính toán rằng cô sẽ hoàn thành bộ phim ngay trong cuối năm. Nhưng người bạn của cô không còn muốn theo đuổi dự án, khiến nữ đạo diễn chỉ còn lại một mình. Ngoài ra, Marsh cũng gặp khó khăn và buộc phải trì hoãn tất cả khi không tìm được người phiên dịch ưng ý.

Song, đó dường như lại là điều may mắn, bởi nó giúp cô chứng kiến chặng đường tiếp theo trong cuộc đời Lê Minh Châu. Hẳn Courtney Marsh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ ra tới 7 năm liền sau đó để ghi lại tất cả, từ lúc cậu bé gặp rất nhiều khó khăn cho tới lúc trưởng thành và gặt hái thành công.
 

Dù không biết câu chuyện cuộc đời Lê Minh Châu sẽ đi tới đâu, nữ đạo diễn trẻ vẫn quyết tâm theo đuổi nhân vật của cô tới cùng. Ảnh: Witness

 
Nhà làm phim thổ lộ: “Xây dựng cấu trúc cho một bộ phim mà bạn không biết nó sẽ kết thúc ra sao là công việc đầy khó khăn. Tôi chỉ biết rằng dù câu chuyện của Châu có đi đến đâu, chúng tôi cần phải dành nhiều thời gian ở trung tâm để hiểu được thế giới của em, để nhìn nhận em không chỉ là một người khuyết tật”.

Quy tắc bất di bất dịch của Courtney Marsh khi thực hiện Chau, beyond the Lines ngay từ những ngày đầu tiên là không dàn dựng, tái hiện hay sử dụng bất cứ thứ ánh sáng nào ngoài ánh sáng tự nhiên. Có những khoảnh khắc Lê Minh Châu trải qua khi Marsh không có mặt, cô cũng không bao giờ yêu cầu cậu thể hiện lại.

Chỉ có khi nào Lê Minh Châu muốn nói chuyện, đoàn làm phim của Marsh mới bấm máy, bởi “càng để nhân vật thoải mái, tôi mới lưu lại được càng nhiều khoảnh khắc chân thực”. Rốt cuộc, sau 8 năm ròng rã,Chau, beyond the Lines đã ra đời, chỉ dài đúng 34 phút.

Theo Courtney Marsh, trong quãng thời gian đó, Lê Minh Châu đã dạy cho cô rằng: “Nếu tập trung vào những gì mình đang có, thay vì những gì mình không có, chúng ta có thể sẽ đạt được điều tưởng chừng như bất khả thi. Đức tính kiên trì và lòng kiên định sẽ bù đắp cho những lúc ta phải lui bước.

Trên hết, chất độc da cam không phải là vấn đề của quá khứ. Nó vẫn đang diễn ra và gây ảnh hưởng đến hàng triệu người dân Việt Nam, cũng như nước Mỹ ngày nay. Đó là vấn đề nhân đạo mà chúng ta cần có những tác động tích cực”.

Giờ thì Courtney Marsh đã sẵn sàng để đặt chân tới thảm đỏ Oscar vào ngày 28/2. Bộ phim Chau, beyond the Lines của cô sẽ tranh tài ở hạng mụcPhim tài liệu ngắn xuất sắc.
 
>> Toàn cảnh cuộc đua Oscar 2016 trước giờ G
>> 20 bộ váy đẹp của các diễn viên từng đoạt giải Oscar
 
Theo Tuấn Lương (Zing.vn)