Giải trí

Linh Nga: "Tôi chưa can đảm chấm thi chương trình thực tế"

"Chim công" thấy buồn và xót khi các đồng nghiệp được đào tạo bài bản về nhảy múa thường sớm bị loại tại các gameshow.

"Chim công" thấy buồn và xót khi các đồng nghiệp được đào tạo bài bản về nhảy múa thường sớm bị loại tại các gameshow.


- Trước đây, tôi nhận được lời mời làm giám khảo chương trình truyền hình thực tế. Nhưng lúc đó, do đang mang thai, tôi không thể nhận lời. Giờ khi con cứng cáp rồi, tiếp tục nhận được lời mời, tôi cũng chưa dám gật đầu. Không phải tôi không muốn nhận lời ngồi "ghế nóng", nhưng tôi nghĩ mình chưa đủ can đảm và sẽ rất buồn nếu phải loại đồng nghiệp. Theo dõi các chương trình gần đây, tôi thấy người trong nghề múa, được đào tạo bài bản từ 7 đến 10 năm, đi thi cùng người không chuyên, vậy mà từ vài tập đầu đã sớm bị loại khỏi cuộc chơi. Là dân trong nghề, thấy cảnh đó tôi xót lắm.
 
Tôi biết, truyền hình thực tế có luật chơi riêng, và tùy thuộc vào tin nhắn bình chọn của khán giả nữa. Nếu như tôi đặt địa vị mình là ban giám khảo, chắc chắn tôi sẽ bảo vệ đồng nghiệp. Có lẽ vì vậy mà tôi chưa đủ can đảm để tham gia các sân chơi này. Nhưng nói đi cũng nói lại, nhìn chung những chương trình như Bước nhảy Hoàn vũ, Thử thách cùng bước nhảy... đã khiến khán giả chú ý bộ môn múa. Cũng từ các sàn thi này, nhiều người có cơ hội được tỏa sáng và bộc lộ năng khiếu.
 

Linh Nga gắn bó chặt chẽ với nghệ thuật múa qua các hoạt động trình diễn, tổ chức biểu diễn, giảng dạy...

 
- Vì sao thời gian qua, tần suất biểu diễn của chị không nhiều như trước?

- Trước đây, một tuần 7 ngày tôi đều đi diễn suốt. Hiện giờ, hoạt động chính của tôi vẫn là nghệ sĩ biểu diễn. Nhưng tôi chỉ lên sân khấu diễn ba ngày trong tuần, còn lại tôi dành thời gian lên sàn tập để dàn dựng vở cho các diễn viên. Khoảng một năm qua, tôi thường xuyên cùng đồng nghiệp đi lưu diễn nước ngoài. Những chuyến lưu diễn như thế giúp chúng tôi rất nhiều trong việc giữ "lửa" với nghề.

Tôi còn phải dành nhiều thời gian để tham gia công tác tổ chức biểu diễn với vai trò giám đốc công ty Vương Vũ, trực thuộc Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen. Suốt 6 năm nay, tôi và mọi người luôn tất bật để tìm kiếm show, tạo đất diễn cho thế hệ trẻ trong ngành múa. Chúng tôi cũng đau đáu việc kiếm thêm những suất học bổng đưa các hạt giống trẻ đi du học về múa, để các em cọ xát, trau dồi thêm kinh nghiệm, kiến thức.

- 8 năm trước, vừa du học trở về, chị đầy ắp hoài bão góp phần thay đổi diện mạo ngành múa nước nhà. Hiện giờ, hoài bão ấy trong chị ra sao?

- Trong tôi vẫn luôn đầy ắp những kế hoạch công việc, ước muốn được đóng góp sức lực cho ngành nghề của mình. Nhưng giờ tôi có cái nhìn thực tế hơn để thể hiện tình yêu nghề. Việc một năm có cả trăm diễn viên múa "ra lò" nhưng rồi rơi rụng dần theo thời gian vẫn là tình trạng chung. Giới trẻ ngày nay ít ai kiên nhẫn học 8-10 năm để đi theo ngành múa. Họ vẫn thích học chừng 2-3 năm. Chỉ có ai là con nhà nòi hay cực kỳ yêu múa thì mới chịu tốn nhiều thời gian đầu tư.

Chính vì thế, tôi suy nghĩ, để các bạn trẻ, diễn viên múa yêu nghề thì trước hết phải tạo cơ hội để họ sống được với nghề. Trong khả năng của mình, tôi thường cùng êkíp tìm kiếm thêm show diễn, chương trình để "nuôi" quân. Nghệ sĩ múa không cần phải thật nổi tiếng, mà họ cần được diễn thường xuyên ở các chương trình chất lượng, cần đất diễn để duy trì cuộc sống và đam mê, sống được bằng chính đồng lương từ nghề.
 

Linh Nga bên con gái Luna. Ảnh: Milor Trần

 
- Cảm xúc khi bước lên sân khấu trong chị giờ thay đổi thế nào?

- Bây giờ, khi bước lên sân khấu, tâm thế tôi khác hẳn một Linh Nga của 10 năm về trước. Tôi của thời thực hiện những chương trình như Sen, hay Vũ là một Linh Nga rất trong sáng, không lo toan, vướng bận về bất cứ điều gì. Bây giờ, thỉnh thoảng khi biểu diễn, trong đầu tôi có hàng nghìn thứ để nghĩ, để chuẩn bị cho các kế hoạch sắp tới. Múa là một nghề đề cao tính tập thể, và hiện tại tôi có cả một êkíp với nhiều cộng sự, đàn em trong nghề. Chúng tôi cùng tự thân vận động tìm cách sáng tạo như thế nào, tìm kiếm show diễn ra sao... Bởi, không phải chương trình nào cũng có nhà tài trợ.

Tuy nhiên, tôi luôn nhắc nhở mình, mỗi khi biểu diễn, phải tập gạt bỏ những câu chuyện ở ngoài cuộc sống để nhập tâm trọn vẹn. Khi mình diễn, nhìn xuống sân khấu thấy khán giả bấm điện thoại thì cũng là một phần thất bại rồi. Người nghệ sĩ, nhất là con nhà nòi như tôi, không được lấy lý do gì từ cuộc sống để biện hộ cho việc mình không toàn tâm toàn ý vào phát triển nghệ thuật.

- Nghề của chị luôn đòi hỏi việc giữ vóc dáng, luyện tập hình thể khắc nghiệt, chị duy trì điều này ra sao?

- Bây giờ việc rèn luyện của tôi không khắc nghiệt như thời con gái. Lúc trước, tôi sinh mổ. Sinh xong được hai tháng, tôi lao lên sàn tập để chuẩn bị cho chương trình Sen. Trở lại nghề sớm trong tâm trạng háo hức, tôi không cảm nhận được vết mổ đau. Một hai lần khi tôi leo lên sân khấu, bậc cầu thang cao quá tự dưng bị đau nhói một phát nhưng vẫn chủ quan, nghĩ là không sao. Đến bây giờ, tôi mới cảm nhận được sự ảnh hưởng của điều này. Tôi tiết chế và thận trọng mỗi khi tham gia các show diễn lớn, thực hiện các động tác nhào lộn hay kỹ thuật quá mạnh.

Nhìn ở một góc độ nào đó, có thể nói với nghệ sĩ nữ, việc sinh con là một sự hy sinh. Tuy vậy, đâu phải chỉ có mình tôi, rất nhiều nghệ sĩ múa đều sinh con và sau đó trở lại sàn diễn.

- Bận rộn với công việc, chị dành thời gian cho con gái nhỏ như thế nào?

- Tôi đang sống cùng bố mẹ ở TP HCM nên việc chăm sóc con đỡ vất vả. Tôi cố gắng khi đi lưu diễn trong hay ngoài nước sẽ mang con theo. Bé mới hai tuổi rưỡi nhưng được đi đến rất nhiều nơi cùng đại gia đình. Tháng 9 tới, có chương trình giao lưu văn hóa Việt - Anh tôi cũng đưa bé theo. Tôi quan niệm, đứa trẻ cần đi nhiều, học hỏi nhiều để trở nên bản lĩnh. Thêm nữa, khi con luôn được gắn bó với không khí ấm cúng của cả nhà thì sẽ hình thành ý thức về sự đoàn viên. Với người nghệ sĩ, văn hóa gia đình quan trọng lắm. Gia đình chính là tình yêu, là cội rễ để họ vững tâm làm nghề.
 

Gia đình Linh Nga (từ trái sang) gồm NSƯT Đặng Hùng, em trai Hùng Minh và NSƯT Vương Linh.

 
- Cuộc sống chị thời gian qua trải qua những cung bậc cảm xúc thế nào?

- Cô đơn hay không đều là những cảm nhận xuất phát từ chính bản thân. Có nhiều lúc đứng trên sân khấu, nhìn một không gian nào đó thật đẹp, trong tích tắc, nỗi buồn và sự cô đơn ập đến trong tôi. Nhưng đó chỉ là khoảnh khắc. Khi tôi biểu diễn hay lao vào làm việc, tôi quên hết mọi thứ.

Rất may là sau tất cả mọi chuyện, tình yêu với múa trong tôi không bao giờ thay đổi. Tôi không bao giờ yếu đuối đến mức từ bỏ sự nghiệp của mình chỉ vì chuyện buồn gì đó. Để trưởng thành, người phụ nữ đều trải qua từng giai đoạn của cuộc đời. Ai mà chẳng có lúc buồn, lúc vui. Với tôi, nỗi buồn phải là động lực để mình bước tiếp con đường phía trước, không bao giờ cho phép mình dừng lại.

- Thông tin về hôn nhân của chị thời gian qua gây chú ý, chị nói gì về điều này?

- Từ ngày đám cưới cho đến giờ, những gì liên quan đến gia đình, cuộc sống của mình tôi đều xem đó là chuyện riêng tư. Không phải tôi giấu điều gì nhưng tôi muốn giữ tất cả chuyện đó lại. Tôi không muốn chuyện riêng chi phối cảm nhận của khán giả về bản thân, về tác phẩm của tôi khi xuất hiện trên sân khấu. Một người nghệ sĩ sẽ rất buồn nếu mỗi khi họ trình diễn một tác phẩm nghệ thuật đầy tâm huyết, nhưng khán giả chỉ nhìn thấy và nhớ về họ vì những điều ngoài sàn diễn.
 
>> Chuyện đời tư bí ẩn của 3 mỹ nhân Việt tên Nga
>> Công chúng tiếc nuối cho hôn nhân tan vỡ của Linh Nga

Theo Thất Sơn (VnExpress.net)