Giải trí

Nhạc sĩ Thanh Tùng kiêu hãnh từ giã cuộc đời

Khoanh tay, mỉm cười kiêu hãnh trên di ảnh, nhạc sĩ ra đi trong bản nhạc "Hoa cúc vàng", trong những lời tiễn biệt nhẹ nhàng của người ở lại.

Khoanh tay, mỉm cười kiêu hãnh trên di ảnh, nhạc sĩ ra đi trong bản nhạc "Hoa cúc vàng", trong những lời tiễn biệt nhẹ nhàng của người ở lại.

Tại bàn ghi sổ tang hay bàn tiếp khách, người nhà đặt những bức hình kỷ niệm của Thanh Tùng với vợ con. Con gái út của nhạc sĩ - Bạch Dương - làm hẳn một album kỷ niệm, trong đó có những tấm hình tư liệu của gia đình cùng những dòng lưu bút về cha. Cô nhìn lại toàn bộ cuộc đời bố mình từ lúc đi tập kết ở Hà Nội khi mới lên sáu tuổi, những năm tháng gặp gỡ và yêu "mẹ Minh" - người phụ nữ đẹp bậc nhất phố Thụy Khuê - khi họ học chung trường Bưởi, rồi nhạc sĩ đi học ở Triều Tiên sau đó cưới vợ và chuyển vào TPHCM sống - nơi nhạc sĩ chuyên tâm sự nghiệp âm nhạc còn bà vừa chăm con vừa làm kinh tế. Người con gái cũng kể về những kỷ niệm ngọt ngào khi theo bố đi diễn, hay những lần bố đi làm về muộn vẫn rón rén về qua phòng hôn con.

Những dòng lưu bút của con gái Thanh Tùng viết: "Bố đúng là típ người lãng mạn nhé, lại còn biết nấu ăn rất ngon cho các con. Bố hay hỏi con gái hôm nay thích ăn gì và còn mua hoa cắm... mà bố toàn mua những loại hoa mà 'Mẹ mày thích'". Chị cũng nhớ năm 16 tuổi, bố mua tặng mình 100 bông hồng với dòng chữ "Mừng con gái Ba đã lớn".

"Con nhớ bố quá. Mọi người bảo con đừng khóc nhiều để bố sớm được siêu thoát, nhưng sao con cứ nhớ bố quá không kiềm chế được. Bố an nghỉ bố nhé, đoàn tụ cùng mẹ, mẹ sẽ chăm sóc cho bố, không để bố phải một mình nữa".
 

Cuốn lưu bút nhiều tình cảm của con gái Thanh Tùng.

 
Các con Thanh Tùng được ông đặt tên lần lượt là Bách, Thông, Bạch Dương - những cái tên có lẽ mang kỳ vọng của ông rằng các con sống vững vàng, mạnh mẽ. Trong đám tang Thanh Tùng, các con ông đã thể hiện đúng như thế. Không có quá nhiều nước mắt, cả ba người con đều giữ gương mặt bình thản khi đứng đáp lễ những người tới viếng. Nước mắt họ chỉ rơi khi người con Thanh Thông nói: "Chúng con chào bố nhé", khi gia đình nhìn mặt nhạc sĩ lần cuối và khi quan tài ông được chuyển ra xe đưa tới nghĩa trang.

Thanh Tùng để lại trong ký ức của mọi người những điều tốt đẹp, đẹp như nụ cười trên di ảnh trong ngày đưa tang ông.

Cô Quý - em vợ nhạc sĩ Thanh Tùng - nghẹn ngào trước sự ra đi của ông anh vợ mà theo cô là rất tốt với gia đình. Dù vợ Thanh Tùng qua đời đã 26 năm, ông vẫn ở vậy không đi bước nữa và đối xử rất tốt với nhà bên vợ. "Khi còn sống anh chị tôi rất yêu thương nhau. Chị mất rồi nhưng anh vẫn ở vậy nuôi con. Mặc dù có thể có những tình cảm mây gió nào đó nhưng trái tim anh ấy vẫn chỉ dành cho chị tôi". Em vợ nhạc sĩ Thanh Tùng cười trong nước mắt khi nhớ lại kỷ niệm vui về anh, đó là ông thích gia đình đông con cháu nên lúc nào cũng xúi mọi người đẻ thật nhiều.

Đến viếng nhạc sĩ Thanh Tùng có nhiều người bạn âm nhạc và cuộc sống. Nhà sử học Dương Trung Quốc đến sớm để viếng Thanh Tùng trước khi phải đi họp Quốc hội. Ông chia sẻ: "Anh ấy ra đi ở độ tuổi này, đứng về mặt sinh học thì cũng bình thường, con người ai cũng phải ra đi thôi, nhưng những bài hát của anh ấy còn ở lại. Nói như nhạc sĩ Phạm Duy, chừng nào những bài hát của tôi còn ở trên môi của mọi người thì coi như tôi còn đang sống. Tôi không phải nhà phê bình âm nhạc nhưng với tư cách người hưởng thụ âm nhạc của Thanh Tùng thì tôi nghĩ đó là những giai điệu rất gần với đời sống, ngay cả những bài hát rất buồn, rất cô đơn nhưng nó làm cho con người ta yêu hơn cuộc sống của mình. Nó vượt lên sự ủy mị và muốn đánh thức những sức mạnh của tâm hồn".

Nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ thập niên 1990 xuất hiện một dòng nhạc rất giản dị, gần gũi, trữ tình với những bản phối khí mới lạ, làm mới âm nhạc Việt Nam trong thời kỳ đó. Đó chính là âm nhạc của Thanh Tùng. "Với những tác phẩm của mình, nhạc sĩ Thanh Tùng đã góp phần làm nên sự nghiệp của các ca sĩ Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh... những người đóng góp đầu tiên cho nền nhạc nhẹ Việt Nam". Ngoài việc ghi nhận tài năng của Thanh Tùng, nhạc sĩ Nguyễn Cường còn nhớ đến Thanh Tùng như một người "khẳng khái, tự tin, một người đàn ông thứ thiệt". Còn với nhạc sĩ Phó Đức Phương, người bạn mà ông biết gần 40 năm là một người "rất khác biệt, tài năng, bản lĩnh và ương bướng trong con đường nghệ thuật nhưng nhờ đó mà anh ấy đã rất thành công".

Ca sĩ Thanh Lam - người thành công với những ca khúc Giọt nắng bên thềm, Em và tôi, Lối cũ ta về... - nghẹn lời khi nhớ đến người thầy của mình. Trong cuốn sổ tang, Thanh Lam chỉ ghi đơn giản nhưng gói trọn tình cảm của cô dành cho nhạc sĩ: "Ai vội đi để ai còn đứng đó. Tìm bàn chân ai trong tiếng lá rơi". Nữ ca sĩ xúc động không nói được nhiều: "Tôi rất cảm động khi tiễn đưa nhạc sĩ, tôi nghĩ cuộc đời rất vô thường, Chúng ta nếu làm những điều tốt cho nhau khi còn sống, khi chết đi chỉ còn là tình yêu thương thôi, không làm được gì cụ thể". Với những tác phẩm của Thanh Tùng, cô chia sẻ: "Bài hát của thầy như sợi chỉ đưa tôi đi trên con đường âm nhạc".
 

"Ai vội đi để ai còn đứng đó. Tìm bàn chân ai trong tiếng lá rơi", ca sĩ Thanh Lam viết trong sổ tang.

 
Trong dòng người đến viếng, MC Thảo Vân nói lên tiếng nói chung của nhiều người yêu âm nhạc Thanh Tùng. Cô đến để chào Thanh Tùng lần cuối, cũng là chào tam biệt một thời tuổi trẻ của mình. Thảo Vân cho biết những bài hát của Thanh Tùng đã gắn liền một phần đời tươi đẹp nhất của cô - những năm tháng còn là sinh viên Sư phạm Hà Nội II. Hai ca khúc Hoa tím ngày xưa, Giọt nắng bên thềm được Thảo Vân hát nhiều trong những năm tháng đó.

"Tôi biết đến âm nhạc Thanh Tùng cuối những năm 1980, khi bắt đầu là sinh viên đại học, gần như tất cả chúng tôi ngày đó ai cũng hát những ca khúc của chú Tùng. Nó là những ca khúc có những nỗi buồn, suy tư, trăn trở nhưng cũng có những ca khúc vô cùng lạc quan. Suốt một thời gian dài, chúng tôi đã chìm đắm trong âm nhạc Thanh Tùng. Tôi muốn nói với chú rằng cảm ơn chú, nhờ những ca khúc của chú mà thế hệ chúng tôi, những người bạn của tôi cảm thấy cuộc đời đẹp hơn rất nhiều", Thảo Vân chia sẻ.

Cô Phạm Dung Chinh - một dược sĩ về hưu - đến viếng nhạc sĩ Thanh Tùng với tư cách một khán giả yêu mến nhạc ông. Cô đặc biệt thích ca khúc Một mình của nhạc sĩ, với những câu hát "Thương em lênh đênh chân trời lạ, bơ vơ chốn xa xôi". "Mỗi lần hát lên đều khiến tôi rất chạnh lòng và xúc động trước tình cảm của Thanh Tùng dành cho vợ", cô Dung nói. Đây cũng là lần đầu tiên cô đến viếng một nhạc sĩ, dù không hề thân quen ở ngoài đời.
 

Nhạc sĩ Nguyễn Cường trước di ảnh Thanh Tùng.

 
Lễ tang nhạc sĩ Thanh Tùng kết thúc khi ca khúc Hoa cúc vàng qua giọng hát Mỹ Dung vang lên. Mỹ Dung đứng chờ tiễn biệt người thầy của mình, không cầm được nước mắt. Đây là bài hát nhạc sĩ sáng tác trước khi ông bị tai biến năm 2008. Trong lưu bút, con gái ông chia sẻ ban đầu nhạc sĩ muốn đặt tên là Tình yêu vĩnh cửu hay Tình yêu không chết. Sau đó, ông về nhà và nói với con là đặt tên Hoa cúc vàng cho nhẹ nhàng, không cần đao to búa lớn.

"Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về. Ta lại ngồi bên nhau, nghe gió lay cành khế. Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về. Anh lại ngồi bên em, chờ con nắng ghé qua thềm. Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về. Khi anh tuổi đôi mươi, em mới lên mười tám. Trong tim em ngập nắng, mang theo đóa cúc vàng". (Lời bài hát)

Hoa cúc vàng nhẹ nhàng tiễn biệt Thanh Tùng. Các con cháu Thanh Tùng quyết định không nhận tiền phúng điếu mà chỉ giữ lại tình cảm của mọi người.

Sau những điều đẹp đẽ nhất để lại, ông mỉm cười, kiêu hãnh ra đi.
 
* Lễ tang nhạc sĩ Thanh Tùng
 
>> Đám tang nhạc sĩ Thanh Tùng: "Tiễn bố về với mẹ, chào bố"
>> Nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời
>> Chuyện chưa bao giờ kể về nhạc sĩ Thanh Tùng
>> Tùng Dương: "Nhạc sĩ Thanh Tùng rất cô đơn lúc cuối đời
 
Theo Anh Sa (VnExpress.net)