Giải trí

Nhiều tác phẩm đặc sắc tụ hội tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần 4

Haniff năm nay quy tụ hàng loạt tác phẩm từng gây sốt ở các liên hoan hàng đầu thế giới như "I, Daniel Clake", "Son of Saul" hay "Cemetery of Splendour".

Haniff năm nay quy tụ hàng loạt tác phẩm từng gây sốt ở các liên hoan hàng đầu thế giới như "I, Daniel Clake", "Son of Saul" hay "Cemetery of Splendour".

nhieu-tac-phm-dac-sac-tu-hoi-tai-lien-hoan-phim-quoc-te-ha-noi-lan-4

"I, Daniel Blake" mở màn Liên hoan Haniff lần 4.

Hạng mục tranh giải chính - "Phim hay nhất" - quy tụ 12 tác phẩm từ nhiều nền điện ảnh ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

Bộ phim nổi bật là Cemetery of Splendour của đạo diễn Thái Lan - Apichatpong Weerasethakul. Tác phẩm 16+ này từng tranh giải ở liên hoan Cannes hồi tháng 5, trong hạng mục Un Certain Regard (Nhãn quan độc đáo). Phim chào đón sự trở lại của nhà làm phim hàng đầu châu Á sau khi ông đoạt giải Cành Cọ Vàng cho tác phẩm Uncle Boonme Who Can Recall His Past Lives hồi 2010. Bằng phong cách siêu thực, đạo diễn kể câu chuyện về những binh lính mắc chứng bệnh mộng du ở một bệnh viện mà nền đất bên dưới từng là một thánh địa huyền bí.

Hai ứng viên châu Âu và Bắc Mỹ nổi bật là Remember (Canada) và Marguerite (Pháp). Remember kể về một ông già Canada quyết sang Mỹ để tìm tên phát xít đã giết hại gia đình ông 70 năm trước. Tác phẩm từng giúp đạo diễn Atom Egoyan được đề cử Sư Tử Vàng ở Liên hoan Venice hồi 2015. Trong khi đó, phim hài Pháp - Marguerite - xoay quanh một bà già giàu có nuôi ảo tưởng làm ca sĩ dù chất giọng dở tệ. Marguerite từng mang về cho minh tinh Catherine Frot giải "Nữ diễn viên xuất sắc" ở César 2015.

Những phim tranh giải chính còn lại chủ yếu là tác phẩm Đông Nam Á và Nam Á với các đề tài gai góc. Phim Fundamentally Happy của Singapore kể về một chàng trai vén màn sự lạm dụng tình dục của người hàng xóm 12 năm trước. Ordinary People của Philippines kể về mảnh đời của cặp tình nhân sống lề đường một ngày bỗng bị đánh cắp đứa con sơ sinh. Hai phim Việt Nam từng được giới chuyên môn trong nước đánh giá tích cực - gồm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Trúng số - có cơ hội giành giải thưởng danh giá nhất.

nhieu-tac-phm-dac-sac-tu-hoi-tai-lien-hoan-phim-quoc-te-ha-noi-lan-4-1

"Cemetery of Splendour" tranh giải chính ở Haniff 2016.

Phim chiếu ngoài hạng mục tranh giải chính đa dạng về thể loại và chứa đề tài gai góc hơn. Hai bộ phim đình đám là I, Daniel Blake và Son of Saul góp mặt trong hạng mục Toàn cảnh.

I, Daniel Blake là tác phẩm vừa đoạt giải Cành Cọ Vàng ở Cannes hồi tháng 5. Đây cũng là phim mở màn Haniff lần 4. Kể về hai con người - một ông già đột quỵ tim và một bà mẹ hai con chật vật tìm cách để được hưởng phúc lợi ở Anh, phim được coi là câu chuyện chân thực về bần cùng hóa trong xã hội phương Tây hiện tại. Còn Son of Saul của Hungarytừng đoạt giải Oscar "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc" cuối năm ngoái. Câu chuyện kể về một người đàn ông trong trại tị nạn phát xít tìm mọi cách để được chôn cất đứa con vừa chết một cách tử tế.

Nhiều phim dài trong chương trình Điện ảnh châu Á và Toàn cảnh vẽ ra bức tranh phương Đông giàu màu sắc trên màn bạc. Những chàng trai kẹo ngọt là câu chuyện huyền hoặc về tình yêu đồng tính của hai người đàn ông trong thế giới giả tưởng giữa rừng sâu và sông nước. Tôi là Nojoom, 10 tuổi, đã ly hôn là câu chuyện có màu khắc nghiệt về số phận một cô bé Hồi giáo ở Yemen. Đảo Kim cương kể về cuộc sống nơi phồn hoa ở Campuchia của một nhóm các chàng trai nông thôn bỏ quê lên thành phố. Imbisibol kể về cuộc đời chật vật của bốn người trẻ Philippines khi tìm kế mưu sinh trên đất Nhật đồng thời Paths of The Soul kể về cuộc hành hương lên đỉnh núi Tây Tạng của nhóm 11 người Trung Quốc.

Hạng mục phim ngắn chiếu chung các tác phẩm hoạt hình và người đóng. Ngoài phim ngắn dự tranh giải chính, chùm phim ngắn Berlinale và chùm phim ngắn từ Singapore và chùm phim ngắn toàn cầu giới thiệu hơn 70 tác phẩm tổng cộng. Ở hạng mục tranh giải có hai phim nổi bật - Another City và Love Comes Later. Another City của đạo diễn trẻ Phạm Ngọc Lân. Bộ phim này từng là ứng viên tranh giải Gấu Vàng cho phim ngắn ở Liên hoan Berlin hồi đầu năm. Song song, phim 10 phút là Love Comes Later của đạo diễn Mỹ gốc Ấn - Sonejuhi Sinha - từng được chọn vào Tuần phê bình của Liên hoan Cannes hồi năm ngoái.

nhieu-tac-phm-dac-sac-tu-hoi-tai-lien-hoan-phim-quoc-te-ha-noi-lan-4-2

"Cùng em về phương Nam", kể về chuyện tình vợ chồng Tổng thống Obama, chiếu ở hạng mục Toàn cảnh.

Đạo diễn Ấn Độ kiêm thành viên Ban giám khảo hạng mục Phim dài tranh giải chính - Adoor Gopalakrishman - khẳng định trong họp báo công bố liên hoan chiều 31/10 rằng danh sách phim tham dự cho thấy Haniff không thua kém các liên hoan quốc tế trong khu vực Đông Nam Á. "Khán giả có thể gặp ở Haniff không chỉ những tác phẩm từng đoạt giải ở các liên hoan phim lớn trên thế giới mà còn cả những tác phẩm mới đầy tiềm năng, đưa ra những góc nhìn mới và triết lý nhân văn sâu sắc của các nhà làm phim trẻ", ông Adoor nói.

Ngoài chương trình phim dài, Haniff 2016 giới thiệu nhiều chương trình chiếu phim song song như Điện ảnh châu Á, Tiêu điểm điện ảnh Ấn Độ, Italy và Việt Nam.

Phim được chiếu miễn phí ở các rạp Hà Nội gồm Trung tâm chiếu phim Quốc gia, CGV Nguyễn Chí Thanh, Tháng 8, Kim Đồng, Ngọc Khánh từ 1-5/11.

Trailer Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần 4
 

Theo Thành Long (VnExpress.net)