Giải trí

Tôn vinh các tác phẩm còn mãi với thời gian

Ngày 30/8, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã tổ chức khai mạc triển lãm “Tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2016”.

Triển lãm kéo dài tới ngày 8/9, giới thiệu 20 tác phẩm, cụm tác phẩm được trao giải thưởng của 3 nhà điêu khắc (Tạ Quang Bạo, Phan Thị Gia Hương, Nguyễn Văn Quế), 5 họa sĩ (Nguyễn Bính, Cổ Tấn Long Châu, Bửu Chỉ, Lê Lam, Đỗ Sơn), 5 nhiếp ảnh (Lương Nghĩa Dũng, Nguyễn Hữu Cấy, Hứu Thanh Kiểm, Lâm Tấn Tài, Mầu Hoàng Thiết). Các tác phẩm nhiếp ảnh được in phóng từ file ảnh do tác giả, gia đình tác giả cung cấp. Các tác phẩm điêu khắc là tượng đài được chụp hình, in tấm lớn…

Điểm nhấn của triển lãm là cụm 5 tác phẩm “Những khoảng khắc để lại” được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng. Cụm tác phẩm đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng người xem về cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại của nhân dân ta. Đặc biệt, bức ảnh “Đánh chiếm cứ điểm 365” với ba chiến sĩ lao lên cửa lô cốt trong khói đạn mù mịt mà tác giả đã lấy được khuôn hình chuẩn xác.

Trước cửa lô cốt là xác một người lính đối phương. Đây là thời điểm gay cấn nhất, nguy hiểm nhất, trong bắn ra, ngoài bắn vào, ở ngoài trời trống dễ trúng đạn hơn. Nó là thời điểm bất lợi nhất cho các chiến sĩ công đồn, cũng là đỉnh điểm ngàn cân treo sợi tóc đối với tính mạng phóng viên ảnh. Bức ảnh thể hiện rõ nét sự dũng cảm tuyệt vời của người lính xung kích, đồng thời cũng nói lên sự quả cảm hết mình của người phóng viên. 

Tôn vinh các tác phẩm còn mãi với thời gian
Bức ảnh “Đánh chiếm cứ điểm 365” của NSNA Lương Đình Dũng.

NSNA Chu Chí Thành cho biết: “Đây là bức ảnh tột cùng bi tráng, tột cùng khốc liệt! Từ tấm ảnh ấy, gia đình và đồng nghiệp lấy thêm 4 ảnh khác phù hợp, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tạo thành một cụm tác phẩm hài hòa trải theo không gian từ Bắc vào Nam, theo thời gian từ những ngày đầu anh cầm máy cho tới lúc hy sinh như Lửa thiêu máy bay Mỹ (Hải Dương, 1967), Nữ pháo binh Ngư Thủy (Quảng Bình, 1968), Xốc tới (Đường 9 Nam Lào 1971), và Chống lầy đưa xe tăng vào trận (Quảng Trị, 1972)”.

Cũng theo NSNA Chu Chí Thành, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng (1935 – 1972) trong cuộc đời cầm máy của mình ông để lại hơn 2.200 tấm phim ảnh về cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại của nhân dân ta, số tài sản vô giá đó được lưu giữ tại Phòng Tư liệu, Ban Biên tập ảnh TTXVN. Anh đã lăn lộn những nơi máu lửa, ngẩng cao đầu giữa làn bom đạn của hai phía mà chụp ảnh. 

Còn các phẩm của nghệ sĩ điêu khắc Tạ Quang Bạo với Tượng đài Chiến thắng Quế Sơn (Quảng Nam) và Tượng đài Chiến thắng Sông Lô (Phú Thọ) giành Giải thưởng Hồ Chí Minh đã đưa tác giả vào hàng những cây đại thụ của làng điêu khắc Việt Nam. Nhìn nhận về tác giả, họa sĩ Trần Khánh Chương- Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: “Với số lượng tượng đài đã được xây dựng, Tạ Quang Bạo là tác giả có năng lực sáng tạo trong những đề tài có tính hoành tráng”. 

Cũng theo ông Chương, phần lớn các tác phẩm của tác giả Tạ Quang Bạo là những quần thể với nhiều nhóm tượng và phù điêu có quy mô lớn, hình khối khoẻ khoắn với những mảng khối lớn, phát triển đa chiều, có tính khái quát. Tạo được một phong cách riêng, có giá trị nghệ thuật cao, hài hòa với cảnh quan môi trường. Các tượng đài của ông sáng tác hầu hết có chung đề tài về Chiến tranh Cách mạng và Lực lượng Vũ trang, hình tượng những người chiến sĩ, nhân dân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Các tượng đài đều được giới chuyên môn đánh giá cao, nhiều tượng đài xuất sắc, có tính nhân văn, ý nghĩa giáo dục, có tác động tốt đối với công chúng và cảnh quan môi trường.

“Có thể nói, ông là một trong số ít những nhà điêu khắc sáng tác và xây dựng được nhiều tượng đài nhất ở Việt Nam. Ông là nghệ sĩ tạo hình đầu tiên thuộc thế hệ Kháng chiến chống Mỹ cứu nước được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật”- họa sĩ Trần Khánh Chương cho biết. 

Có thể nói, cùng với các tác phẩm, cụm tác phẩm được trao Giải thưởng Nhà nước được trưng bày đã thực sự mang tới công chúng có cơ hội được tiếp cận, tìm hiểu, thưởng thức trực tiếp các tác phẩm có giá trị cao về thẩm mỹ, có nội dung, tư tưởng sâu sắc. Đó là các tác phẩm nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Cấy được mệnh danh là người viết sử bằng ảnh với cụm tác phẩm tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 9/1969) đã không khỏi làm nhiều người bồi hồi. Hay nhà nhiếp ảnh dân tộc Tày - Hứa Thanh Kiểm với cụm tác phẩm “Đường 20 – Quyết thắng” đã miêu tả một cách chân thực về những tháng năm kháng chiến khốc liệt dân tộc…

Bên cạnh đó, triển lãm cũng là dịp để người xem tưởng nhớ đến các tác giả đã khuất. Đó là, cố họa sĩ Bửu Chỉ với bộ ảnh “Bộ tranh Tiếng thét từ lòng đất” là sự tập hợp những tác phẩm mang tính chiến đấu trực diện bằng vũ khí nghệ thuật vào kẻ thù ngay trước mặt. Trong tranh của ông là những bàn tay ứa máu bị xiềng xích chới với, cố thoát khỏi những sợi kẽm gai, cùng tiếng gào thét đớn đau, những gương mặt, ánh mắt vô vọng sau song sắt nhà tù, những hình thể rã rời, thê thảm trước đòn roi bọn cai ngục... Hay cố họa sĩ Nguyễn Bích với tác phẩm Tranh cổ động về Bác Hồ (1890 - 1975) là tác phẩm sáng tác vào cuối thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã được triển lãm và phổ biến rộng rãi. Đây là bức tranh được giới Mỹ thuật đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Bà Trần Thị Thu Đông- Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm khẳng định: “Các tác phẩm trưng bày có giá trị đặc biệt về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần vào sự nghiệp phát triển mỹ thuật, nhiếp ảnh nói riêng, văn học nghệ thuật nước nhà nói chung”.

Minh Quân (Theo Daidoanket)