Giải trí

Vì sao Hollywood "né" các cuộc xả súng như màn tắm máu Las Vegas?

Sau các vụ xả súng đẫm máu như cuộc bắn giết ở Las Vegas, nhiều ngôi sao điện ảnh Mỹ lên tiếng bày tỏ sự phẫn nộ. Nhưng các bộ phim Hollywood rất ít khi đụng đến đề tài nóng này.

Sau các vụ xả súng đẫm máu như cuộc bắn giết ở Las Vegas, nhiều ngôi sao điện ảnh Mỹ lên tiếng bày tỏ sự phẫn nộ. Nhưng các bộ phim Hollywood rất ít khi đụng đến đề tài nóng này.

Sau vụ xả súng ở Las Vegas, Hollywood như thường lệ lại bày tỏ sự cảm thông. Theo báo Los Angeles Times, các hãng phim hủy bỏ những cuộc công chiếu tác phẩm mới. Hàng loạt ngôi sao cũng gửi thông điệp chia buồn tới các nạn nhân và kêu gọi chính quyền thắt chặt kiểm soát súng đạn.

Trên thực tế, từ nhiều thập niên qua, Hollywood đã chi không biết bao nhiêu trăm triệu USD để mô tả sức mạnh của súng đạn trên màn ảnh lớn. Từ Pulp Fiction cho đến Shoot ‘Em up, series Bourne Identity, Takenhay John Wick, phim hành động Hollywood luôn tràn ngập súng đạn.

Các ngôi sao từng kêu gọi kiểm soát súng đạn tại Mỹ như Matt Damon hay Liam Neeson kiếm bộn tiền từ những vai diễn người hùng hành động bách phát bách trúng. Tương tự là Jamie Foxx, Jeremy Renner, Cameron Diaz và hàng loạt diễn viên nổi tiếng khác.

Vi sao Hollywood ‘ne’ cac cuoc xa sung nhu man tam mau Las Vegas? hinh anh 1

Liam Neeson kêu gọi kiểm soát súng đạn tại Mỹ nhưng kiếm được bộn tiền từ những vai người hùng bắn giết. Ảnh: IMDB

Bạo lực súng đạn tăng vọt trong phim

Theo báo cáo hồi năm 2015 của tạp chí The Economist, bạo lực súng đạn trong phim dán nhãn PG-13 của Hollywood tăng 300% kể từ năm 1985. Một nghiên cứu của báo The Hollywood Reporter cho thấy số khẩu súng xuất hiện trong các bom tấn kinh phí lớn ra mắt từ năm 2010 đến 2015 cao hơn 51% so với một thập kỷ trước.

Nhà sản xuất phim tài liệu Abigail Disney từng khẳng định: “Súng là nhân vật chính quan trọng nhất trong phim bom tấn Hollywood”. Trong số 100 phim Mỹ đạt doanh thu lớn nhất năm 2015, gần 20 phim có poster in hình một khẩu súng.

Năm 2014, hãng phim The Weinstein Company - từng làm ra những bộ phim rất bạo lực như Pulp Fiction hay Reservoir Dogs - hùng hồn tuyên bố sẽ hạn chế sản xuất các tác phẩm tương tự trong tương lai. Tuy nhiên, tháng 12/2015 studio này tung ra một sản phẩm mới của đạo diễn Quentin Tarantino là The Hateful Eight cũng đầy cảnh đọ súng đẫm máu.

Chính vì vậy, không ít người cho rằng Hollywood đã góp phần thổi bùng lửa bạo lực súng đạn trong xã hội Mỹ. Năm 2015, tổ chức giám sát truyền thông MRC Culture chỉ trích: “Ngành công nghiệp giải trí rất đạo đức giả. Phim điện ảnh, truyền hình và video âm nhạc kiếm bộn tiền từ việc mô tả và tô hồng bạo lực súng đạn”.  

Ngược lại với sự thoải mái khi tôn vinh sức mạnh súng đạn, Hollywood rất ít khi sản xuất các bộ phim với chủ đề về những vụ xả súng hàng loạt dù những cuộc tắm máu vẫn liên tục xảy ra. Thi thoảng có một vài tác phẩm độc lập đụng đến đề tài nóng bỏng này, nhưng con số chỉ đếm trên đầu ngón tay, ví dụ như Elephant của Gus Van Sant hoặc We Need to Talk About Kevin của Lynne Ramsay.  

Hollywood chưa bao giờ ngần ngại khi đụng đến những bi kịch lớn, từ Chiến tranh Việt Nam cho đến những vụ thảm sát hàng loạt. Ví dụ vụ tấn công khủng bố 11/9 từng bị coi là đề tài nhạy cảm, một bi kịch quốc gia, nhưng chủ đề này cũng đã được đưa lên màn ảnh lớn, với đại diện tiêu biểu là World Trade Center của đạo diễn lừng danh Oliver Stone và United 93 của Paul Greengrass.

Vi sao Hollywood ‘ne’ cac cuoc xa sung nhu man tam mau Las Vegas? hinh anh 2

Poster phim 007 của Daniel Craig. Súng luôn hiện diện trên các poster phim hành động Hollywood. Ảnh: IMDB

Và với những vụ xả súng hàng loạt, Hollywood chắc chắn có thừa mứa chất liệu để thực hiện một vài tác phẩm để đời. Theo thống kê của Vox, kể từ cuộc tắm máu tại Orlando ngày 12/6/2016 khiến 49 người chết đến nay, ở nước Mỹ đã xảy ra tới 521 vụ xả súng khiến gần 600 người thiệt mạng. Bạo lực súng đạn đã trở thành câu chuyện thường ngày tại đất nước nơi người dân sở hữu hơn 300 triệu khẩu súng.

Nhưng đến nay, Hollywood vẫn ngại ngùng, chủ động né tránh đề tài rất nóng bỏng này, chẳng khác gì việc Quốc hội Mỹ ngó lơ việc thắt chặt các biện pháp kiểm soát súng đạn khi mà bi kịch cứ nối tiếp bi kịch. Theo The Hollywood Reporter, nguyên nhân có lẽ là bởi ngành công nghiệp súng đạn và Hollywood dù cãi nhau chan chát trên mặt báo nhưng thực tế lại có mối quan hệ làm ăn vô cùng thân cận và béo bở.

Mối hợp tác đôi bên cùng có lợi lớn

Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA) có hẳn một triển lãm “súng Hollywood” ở Fairfax, Virginia. Các khẩu súng được trưng bày tại đây đều là những biểu tượng màn ảnh, từ khẩu Smith & Wesson Model 29 do “Dirty Harry” Callahan (Clint Eastwood) sử dụng trong Magnum Force (1973) cho đến khẩu Beretta 92F của thanh tra John McClane (Bruce Willis) trong Die Hard (1988).

Những khẩu súng có mặt trong các tác phẩm hành động đầy bạo lực như The Bourne Identity, Pulp Fiction, The Wild Bunch… đều được trưng bày tại đây. Các quan chức NRA đã rất nhiều lần bày tỏ sự tự hào với triển lãm “súng Hollywood” này. Và triển lãm này là biểu tượng của mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Hollywood và ngành công nghiệp súng đạn.

Trung gian giữa Hollywood và ngành công nghiệp súng đạn là các “armorer” (người phụ trách đạo cụ vũ khí). “Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc của mình cho đến khi Hollywood ngừng sản xuất phim và chính phủ cấm hoàn toàn vũ khí”, ông Gregg Bilson, chủ tịch Hiệp hội Đạo cụ Vũ khí Giải trí Mỹ (AEAA) kiêm tổng giám đốc hãng Independent Studio Services (ISS), khẳng định.

ISS là công ty cung cấp đạo cụ vũ khí lớn nhất Hollywood với hơn 16.000 khẩu súng trong kho chứa. Chuyên viên của ISS hỗ trợ vô số đạo diễn ở Hollywood, từ Michael Mann đến Oliver Stone, đưa súng đạn lên màn ảnh, hướng dẫn các ngôi sao hạng A như Bradley Cooper, Mark Wahlberg hay Johnny Depp cách sử dụng súng. Phóng viên The Hollywood Reporter từng đến kho chứa của ISS và khẳng định ở đó có tất cả mọi loại súng trên đời.

Theo thống kê, hàng ngày có khoảng 5.000 - 7.000 khẩu súng của ISS được sử dụng ở các phim trường, từ điện ảnh cho đến truyền hình. Điều đáng nói là ISS hợp tác rất chặt chẽ với các tập đoàn sản xuất súng để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm và phụ kiện mới.

Vi sao Hollywood ‘ne’ cac cuoc xa sung nhu man tam mau Las Vegas? hinh anh 3

Súng trong kho vũ khí của công ty Independent Studio Services. Ảnh: The Hollywood Reporter.  

Với các nhà sản xuất súng, không có cách nào quảng bá và bán súng hiệu quả hơn việc để súng xuất hiện trong các bom tấn Hollywood. The Hollywood Reporter dẫn lời ông Frank Harris, phó chủ tịch hãng Kahn Firearms Group (nhà sản xuất súng bán tự động Thompson): “Chúng tôi chẳng cần quảng bá sản phẩm của mình. Bởi chúng đã được quảng bá hàng ngày trên phim”.

Và các công ty sản xuất súng luôn biết rõ Hollywood cần gì. “Họ luôn tìm hiểu về các diễn viên, đạo diễn, công tác phát hành…”, nhà cố vấn Rolfe Auerbach tiết lộ. Ông chính là người đàm phán hợp đồng trị giá 250.000 USD để đưa khẩu súng 92FS của hãng Beretta vào phim Lone Survivor, có các ngôi sao như Wahlberg và Taylor Kitsch.

Hiệu quả của sự hợp tác này là rất lớn. Hollywood kiếm hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD từ các bộ phim hành động có những màn bắn giết nghẹt thở. Và các nhà sản xuất súng cũng thu lợi lớn.

Theo cuốn Glock: The Rise of American’s Gun của nhà nghiên cứu Paul M. Barrett, doanh số súng đạn tại Mỹ tăng vọt sau thành công của loạt phim Dirty Harry. Đặc biệt, khẩu súng Glock bán rất chạy khi series The Equalizer tung hoành trên màn ảnh nhỏ và Die Hard đạt thành công lớn tại các rạp chiếu phim toàn cầu.

Vậy thì Hollywood còn có lý do gì để làm các bộ phim lên án bạo lực súng đạn? 

Theo Nhật Minh (Tri Thức Trực Tuyến)