Sức khỏe

Mụn rộp sinh dục, bệnh lây qua nụ hôn của người lạ

Mụn rộm sinh dục là bệnh nhiễm trùng do virus Herpes Simplex (HSV), có thể lây qua đường tình dục, tiếp xúc và mẹ truyền sang con khi sinh.

Mụn rộm sinh dục là bệnh nhiễm trùng do virus Herpes Simplex (HSV), có thể lây qua đường tình dục, tiếp xúc và mẹ truyền sang con khi sinh.

HSV được phân loại thành 2 chủng riêng biệt là HSV-1 và HSV-2. Ở thập niên 1960 người ta cho rằng bệnh Herpes sinh dục chủ yếu do HSV-2 và ảnh hưởng ở vùng phía dưới thắt lưng, còn HSV-1 ảnh hưởng từ eo trở lên. Tuy nhiên hiện nay các ca nhiễm HSV-1 ở bộ phận sinh dục đang gia tăng và đã vượt quá 50% số ca nhiễm, do vậy nhận định trên không còn đúng nữa.
 

Mụn rộp sinh dục ở trẻ nhỏ. Ảnh: Kidshealth.

Người nhiễm HSV thường không có các triệu chứng điển hình nên gây trở ngại trong việc ngăn chặn lây lan. Virus này dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua những lỗ hổng trên da hoặc dịch nhầy, một khi đã nhiễm thì khả năng lây nhiễm qua đường tình dục rất cao. Biểu hiện điển hình khi bị HSV ở bộ phận sinh dục là cụm vết loét bị viêm và mụn mủ trên bề mặt. Tình trạng này thường xuất hiện sau 4 đến 7 ngày từ khi tiếp xúc với nguồn lây nhiễm HSV qua quan hệ tình dục.

Ở nam giới, các thương tổn xảy ra trên quy đầu dương vật, thân dương vật hoặc mặt trong của đùi, mông, hậu môn. Ở phụ nữ, thương tổn xuất hiện trên hoặc gần xương mu, môi nhỏ, âm vật, âm hộ, mông, hậu môn. Bệnh nhân thường cảm thấy đau, ngứa và nóng như bị đốt. Các triệu chứng ít gặp hơn ở cả 2 phái như chảy mủ (ở dương vật hoặc âm đạo), sốt, nhức đầu, đau cơ, các hạch bạch huyết sưng lên. Phụ nữ thường có những triệu chứng khác như tiểu đau, viêm cổ tử cung.

Ở nhóm đồng tính nam nhiễm bệnh này thường bị viêm hậu môn và trực tràng do đặc thù giao hợp qua ngả hậu môn. Thông thường sau 2-3 tuần, các thương tổn tiến triển thành viêm loét, sau đó đóng vảy cứng và lành.

Thông thường người trưởng thành nhiễm Herpes sinh dục sẽ có các vết loét trên da và không bị biến chứng nặng nề khác. Tuy nhiên phụ nữ mang thai bị mụn rộp sinh dục với các vết loét da có thể lây cho con khi sinh qua đường âm đạo khiến đứa bé bị tổn thương não, mờ mắt hoặc tử vong vì sức đề kháng của trẻ rất yếu. Nhiễm Herpes sinh dục từ mẹ sang con thường gặp hơn nếu người phụ nữ đó bị nhiễm và bộc phát lần đầu khi mang thai hoặc đang ở trong giai đoạn hoạt động của bệnh.

Hiện nay chưa có giải pháp nào điều trị dứt điểm bệnh mụn rộp sinh dục và tiêu diệt hoàn toàn virus Herpes. Để điều trị bệnh, có thể dùng thuốc ức chế virus như acyclovir dạng thoa và dạng uống nhằm giúp vết loét lành nhanh hơn, hạn chế tái phát. Có thể dùng trong đợt bộc phát hoặc sau khi bộc phát để phòng ngừa đợt kế tiếp. Lưu ý thuốc này ảnh hưởng đến chức năng gan và thận các bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc mà phải khám ở các bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn và theo dõi.

Mụn rộp sinh dục cũng giống như các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, phòng bệnh là quan trọng hơn cả. Mấu chốt là tránh sự lây lan của HSV, nhất là trong giai đoạn có tổn thương loét cần chờ đến khi các vết loét hoàn toàn lành lặn mới quan hệ tình dục trở lại. Trường hợp người đang bị mụn rộp sinh dục cần tránh lây lan cho bạn tình bằng cách tránh quan hệ tình dục, tránh đụng chạm để giữ cho vết loét sạch sẽ và khô ráo, rửa tay kỹ sau khi lỡ tiếp xúc với vết loét.

Khi bị mụn rộp sinh dục, người bệnh có nguy cơ cao mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác kể cả HIV, viêm gan siêu vi B và C. Để phòng tránh các bệnh này, tốt nhất nên quan hệ tình dục lành mạnh, một vợ một chồng và dùng bao cao su như biện pháp bảo vệ an toàn.

Gần đây y văn thế giới ghi nhận nhiều trường hợp trẻ sơ sinh tử vong do nhiễm mụn rộp sinh dục từ nụ hôn của người lạ. Các bác sĩ khuyên phụ huynh không nên để cho người khác hôn hay tiếp xúc da với trẻ nhỏ trong 3 tháng đầu đời.

Theo Minh Đức - Thi Trân (VnExpress.net)