Giới trẻ

Dịch vụ yêu thuê, học hộ

Muốn có tấm bằng đại học nhưng lại lười, thích “lấy le” với bạn bè trong khi chưa có người yêu... nhiều người tìm đến các dịch vụ trên mạng.

Muốn có tấm bằng đại học nhưng lại lười, thích “lấy le” với bạn bè trong khi chưa có người yêu... nhiều người tìm đến các dịch vụ trên mạng.

Có lực học khá nên sau thời gian học trên lớp, Minh Đ. (sinh viên trường cao đẳng nghề ở Đắk Lắk) khá rảnh rỗi. Vì thế, Đ. muốn tìm công việc làm thêm để giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Tình cờ trong lần tìm kiếm thông tin trên mạng, Đ. thấy một sinh viên đăng “tìm kiếm người học thuê” với chi phí là 100.000 đồng cho một buổi học. Công việc chính là ghi chép lại bài giảng và điểm danh nếu có.

Thấy công việc nhàn, nam sinh này chấp nhận học thuê. Từ đó hễ ai có nhu cầu thuê người đi học hộ, Đ. đều nhận lời, bất kể giờ làm thêm trùng với giờ học chính của mình.

Thông tin “tuyển” người học thuê, yêu thuê tràn lan trên mạng xã hội.

 
Thu A. (cựu sinh viên Đại học Kinh tế) cũng làm việc tương tự vì cần tiền trang trải cuộc sống. A. tâm sự: “Tốt nghiệp gần năm nhưng mình xin việc mãi không được. Lên mạng đọc thấy thông tin nhiều sinh viên cần, mình đành chấp nhận làm công việc này để lấy ngắn nuôi dài, hy vọng sớm có công việc ổn định. Bởi nhiều lúc đi học thuê gặp người quen mình ngại lắm”.

Bên cạnh học thuê, không ít sinh viên làm “người yêu thuê” cho những ai có nhu cầu. Lướt qua một số trang web rao vặt, không khó để bắt gặp những thông tin “tìm người yêu đi chơi lễ, đi dự tiệc”. Dưới những thông báo này có rất nhiều bình luận hỏi giá cả, giờ giấc và hình ảnh để người thuê có thể lựa chọn.

Thậm chí khi vấp phải những ý kiến phản bác việc làm người yêu thuê có thể bị lợi dụng nếu chẳng may gặp người xấu, một số bạn trẻ vẫn không ngần ngại cho rằng: “Làm người yêu thuê không gì, vừa được đi chơi, đi ăn miễn phí lại vừa có tiền” và “công việc này chỉ dành cho người đẹp, người xấu không ai thuê”.

Mặc dù nhiều sinh viên lường trước hậu quả nếu bị phát hiện, nhưng vì thu nhập tương đối cao nên không ít bạn vẫn tặc lưỡi chấp nhận, khi tai họa ập xuống mới hối hận thì đã muộn.

Nghe bạn cùng lớp rỉ tai việc bí mật làm người yêu thuê một ngày, H.A (sinh viên Cao đẳng Du lịch) sốc. Nhưng khi được bạn tỉ tê về mức lương bằng một tháng đi dạy thêm, A. lung lay.

Đúng giờ hẹn, A. có mặt tại quán cà phê như đã trao đổi với khách hàng. Công việc khá đơn giản. Theo người này, anh bị người yêu cũ quấy phá nên muốn tìm một cô gái đóng giả làm người yêu để né tránh. Tưởng sau vài lần hẹn hò, cô gái nọ sẽ từ bỏ ý định, không ngờ A. bị cô ta cùng bạn giang hồ đánh một trận thừa sống thiếu chết vì tội “giật bồ”.

Chính vì ham “chạy sô”, nhiều lúc Đ. không còn thời gian học. Kết quả từ một sinh viên có học lực khá, cậu bị cấm thi vì nợ quá nhiều môn. Ân hận đã muộn, Đ. đành dùng tiền đi học thuê để chờ học lại, trong sự thất vọng của gia đình và thầy cô.

Nhiều sinh viên còn bị đình chỉ học và hủy kết quả khi bị phát hiện thi thuê, học hộ cho người khác. Đây là một trong những hậu quả các bạn phải chấp nhận, khi dấn thân vào con đường làm thêm không chính đáng. Bước chân vào giảng đường đại học có rất nhiều cạm bẫy và cám dỗ, nếu không tỉnh táo lựa chọn sẽ có không ít sinh viên đánh mất chính mình vì ham kiếm tiền.
 
Theo Phan Vi (Công An TP HCM)