Giới trẻ

Giới trẻ Hàn Quốc hy vọng đổi đời tại nước ngoài

Các bạn trẻ Hàn Quốc hiện coi mình là “thế hệ N-po”. Họ phải hy sinh chuyện hẹn hò, các mối quan hệ cá nhân và cả niềm hy vọng khi làm việc ở quê nhà.

Các bạn trẻ Hàn Quốc hiện coi mình là “thế hệ N-po”. Họ phải hy sinh chuyện hẹn hò, các mối quan hệ cá nhân và cả niềm hy vọng khi làm việc ở quê nhà.

Theo Bernama, số liệu chính phủ Hàn Quốc công bố hồi đầu tháng cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm người ở độ tuổi 15-29 tăng mạnh từ 8,4% (tháng 12) lên 9,5%, mức cao nhất trong 7 tháng qua.

Mặc dù chính phủ đã nỗ lực để nâng cao tỷ lệ việc làm, không ít bạn trẻ vẫn có xu hướng tìm kiếm “những thảm cỏ xanh” ở nước ngoài. Đa số họ tìm việc tại Trung Quốc, trong khi một số khác sang Australia hoặc Canada.

Jo (26 tuổi) là ví dụ điển hình. Sau khi tốt nghiệp đại học, do không có nhiều sự lựa chọn khi thị trường lao động tại địa phương đóng băng và điều kiện làm việc nghèo nàn, Jo quyết định học chương trình thạc sĩ thay vì ở nhà nhàn rỗi.

Sáu tháng trước khi kết thúc chương trình học, anh đã tới tham gia ngày hội việc làm ở Daejeon (phía Nam Seoul) với mong muốn tìm được việc tại nước ngoài.

Một bạn trẻ người Hàn Quốc đang nằm trên tấm nhựa gắn liền với xe kéo để nhổ cỏ ở một trang trại trồng dâu tại Stanthorpe, Australia.


Anh chia sẻ: “Mọi người cố gắng nhiều năm để có việc rồi sau đó, họ nhận ra, mình dần trở thành những cỗ máy”.

Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), so với các nước thành viên, số giờ lao động của người Hàn Quốc lớn thứ hai, chỉ sau Mexico.

Năm 2014, trung bình, một người Hàn phải làm việc 2.124 giờ, tăng 45 giờ so với năm trước đó và cao gấp 1,2 lần so với mức trung bình của 34 nước thành viên thuộc OECD.

“Bạn bè của tôi, những người làm việc cho doanh nghiệp nhỏ lo sợ công ty họ đóng cửa. Còn những người làm việc tại các tập đoàn lớn phải vật lộn giữa môi trường cạnh tranh khắc nghiệt. Một điểm chung là họ phàn nàn vì không có thời gian cho chính mình” - Jo cho hay.

Anh không phải người duy nhất tìm kiếm cơ hội làm việc ở nước ngoài. Ngay trong ngày đầu tiên của hội chợ việc làm kéo dài 2 ngày, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã đón tiếp khoảng 1.000 người tới tham gia.

Trong số đó, một nhóm học sinh trung học đã tìm mọi cách để đi từ Jeju (hòn đảo du lịch ở phía Nam Hàn Quốc) tới hội chợ này.
 
Kim Young-jo (giáo viên trường trung học Hamdeok) cho hay: “Tôi muốn các em học sinh nhận ra, mình có nhiều sự lựa chọn hơn việc chỉ phấn đấu để được nhận vào một công ty tại Hàn Quốc”.

Trong số hàng chục địa điểm, Cơ quan Phát triển Nguồn nhân lực quản lý có số người ghé thăm lớn nhất.

Lee Woo-jin (một quan chức) cho biết: “Tôi rất bất ngờ bởi số lượng người tham gia quá lớn. Chúng tôi phải phát số thứ tự để tránh tình trạng mọi người phải chờ đợi quá lâu.

Nhìn dòng người tới xin tư vấn, tôi biết, họ rất muốn có cơ hội làm việc tại nước ngoài bởi tình hình lao động trong nước hiện tại rất tồi tệ”.

Lee Jin-sook (đồng tổ chức hội chợ, người đứng đầu chi nhánh của đài truyền hình MBC tại Daejeon) phát biểu trong lễ khai mạc: “Cả nước đang bàn về hoàn cảnh bi đát của các bạn trẻ hiện nay. Họ nhận được nền giáo dục tốt hơn bất kỳ thế hệ nào khác trong lịch sử đất nước. Nhưng họ lại được gọi là thế hệ bỏ cuộc”.

Rất nhiều người trẻ Hàn Quốc tham gia hội chợ việc làm với mong muốn tìm kiếm cơ hội đổi đời tại nước ngoài. 


Giới trẻ Hàn Quốc tự gọi họ là “thế hệ Sampo” - những người phải từ bỏ công việc, hôn nhân và sinh con đẻ cái. Áp lực từ xã hội, nền kinh tế khiến họ có ít cơ hội việc làm, không đủ tiền để trang trải chi phí thuê nhà và chăm sóc con trẻ.

Khi các yếu tố khác như hẹn hò, các mối quan hệ cá nhân và cả niềm hy vọng xuất hiện trong “danh sách hy sinh”, họ tự coi mình là “thế hệ N-po”. Điều đó có nghĩa, những gì họ phải từ bỏ khi sống tại đất nước này là vô hạn.

Song (23 tuổi) từng tốt nghiệp đại học ở phía Nam Hàn Quốc và hiện làm việc trong một công ty nhỏ tại Italia. Cô chia sẻ, cô chưa bao giờ hối tiếc về quyết định làm việc ở nước ngoài.

“So với những nỗ lực mọi người dồn vào để tìm kiếm công việc ở đây, những gì họ phải làm không đáng kể” - cô nói.

Hiện tại, Song làm việc cho một ông chủ người Mỹ - người luôn đánh giá cao ý kiến và tôn trọng cuộc sống cá nhân của cô.

Gần đây, một số tập đoàn lớn trong nước yêu cầu nhân viên trong độ tuổi 20-30 nghỉ hưu tự nguyện. Đó là dấu hiệu phản ánh một nền kinh tế xấu.

“Trong hệ thống thứ bậc chặt chẽ của các công ty Hàn Quốc, một trong số ít lợi ích tôi thấy được là sự ổn định trong công việc, đảm bảo cho mọi người làm cho đến khi họ đạt độ tuổi nhất định. Nhưng bây giờ tôi hoài nghi về điều đó” - Song cho hay.

>> Giới trẻ Hàn Quốc: Có tiền mới dám hẹn hò
>> Giới trẻ Hàn Quốc ngày càng muốn thoát ly khỏi đất nước

Theo Hường Vũ (Zing.vn)