Công nghệ

Cá mập có cắn đứt được cáp quang hay không?

Mạng Internet tại Việt Nam liên tục gặp sự cố đứt cáp quang trong thời gian qua, và có một số thông tin cho rằng nguyên nhân xuất phát từ việc cá mập cắn cáp. Vậy cấu tạo cáp quang như thế nào, và liệu cá mập có thể thực sự cắn đứt sợi cáp quốc tế được hay không?

Mạng Internet tại Việt Nam liên tục gặp sự cố đứt cáp quang trong thời gian qua, và có một số thông tin cho rằng nguyên nhân xuất phát từ việc cá mập cắn cáp. Vậy cấu tạo cáp quang như thế nào, và liệu cá mập có thể thực sự cắn đứt sợi cáp quốc tế được hay không?

Một sợi cáp viễn thông quốc tế hiện nay được cấu tạo 8 lớp (xem hình dưới):

- Lớp thứ nhất làm bằng nhựa Polyetylen, một loại nhựa dẻo.

- Lớp thứ hai là một lớp bọc nylon có tác dụng đệm sợi cáp.

- Lớp số 3 là lõi dây thép kép bao quanh một ống chắn (số 4) làm bằng nhôm.

- Lớp số 5 là ống nhựa dẻo Polycacbonat, bọc quanh một ống kim loại (số 6) làm bằng nhôm hoặc đồng.
 
- Lớp số 7 là một loại dầu nhớt bảo vệ lõi cáp quang (số 8) trong cùng.

Cấu tạo sợi cáp viễn thông quốc tế (Ảnh: Oona Raisanen)


Những loại cáp quang sử dụng ngày nay có đường kính 6,9cm và nặng trung bình 10kg/mét, nhỏ và nhẹ hơn so với những loại cáp quang xuyên đại dương truyền thống trước kia.

Những nguyên nhân gây ra đứt cáp quang dưới biển có thể bao gồm việc va chạm với lưới đánh cá, mỏ neo tàu biển, hoặc chịu ảnh hưởng động đất, sóng ngầm và thậm chí là cả cá mập cắn.

Những nghiên cứu đầu tiên chỉ ra việc cá mập có thể cắn đứt cáp viễn thông lần đầu được đề cập đến vào khoảng năm 1987 bởi tờ New York Times, theo đó các công ty cung cấp dịch vụ điện thoại nói họ từng gặp phải vấn đề chất lượng đường truyền có nguyên nhân do cá mập cắn và gặm dây cáp.

Họ cũng bổ sung chỉ cần cá mập gặm một vết nhỏ cũng có thể mất tới 250.000USD (thời điểm năm 1987) để sửa chữa đường truyền. Những loại cáp quang hiện đại lại nhỏ và nhẹ hơn nhiều so với cáp đồng trước kia, nên càng dễ bị sự cố hơn.

Khó khăn nằm ở việc nghiên cứu cá mập cắn cáp là chúng có những hành vi "không thể đoán trước" và "sở thích không thể lý giải", theo như nhiều nhà nghiên cứu hải dương học nhận định.
 
Video cá mập cắn cáp dưới đáy biển (Nguồn: sudmike/YouTube)
 
Bên cạnh đó các nhà khoa học cho rằng cá mập cắn chỉ là một trong nhiều yếu tố kết hợp với nhau làm đứt cáp quang, ví dụ như dây cáp quang được kéo quá căng.

Về lý do cá mập muốn cắn cáp quang, một số nhà hải dương học giải thích rằng tần số sóng rung từ dây cáp có thể khiến cá mập nhầm tưởng đó là thức ăn.

Họ cũng giả thiết có tín hiệu khác thường từ dòng từ trường trong dây cáp quang khiến cá mập bị thu hút và có phản xạ cắn cáp vô điều kiện, bởi đây là loài vật vô cùng nhạy cảm với từ trường. Cá mập có thể cảm nhận được điện áp chỉ ở mức một phần triệu vôn dưới nước.

Bên cạnh đó, lý do có thể là vì loài vật này tò mò trước một "vật thể lạ" dưới nước.

"Chúng chỉ cố gắng ăn dây cáp mà không cần biết có thể tiêu hoá được hay không", một nhà khoa học nói. "Dù là dây cáp quang hay một vỏ lon nước ngọt, cá mập cũng sẽ ăn nếu chúng cảm thấy đó là thức ăn".
Trên thực tế, đường truyền cáp quang tại Mỹ đã 4 lần gặp phải sự cố do cá mập và những loài cá khác cắn đứt hồi thập niên 80. Các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận trên sau khi họ tìm thấy một vài chiếc răng cá mập cắm trên đoạn dây cáp.

Tại khu vực Đông Nam Á, tuyến cáp quang biển AAG mới đưa vào sử dụng năm 2009, song đã đứt tổng cộng 5 lần trong 10 tháng trở lại đây - 2 lần tại Hong Kong và 3 lần tại Việt Nam. Những người giám sát tuyến cáp quang AAG tin rằng nguyên nhân 2 lần đứt cáp gần nhất tại Việt Nam (tháng 1/2015 và hiện tại) là do cá mập cắn.
 
>> Dân mạng chế ảnh rần rần vụ cáp quang gặp sự cố
>> Cáp quang lại đứt, dân mạng đổ lỗi cho... cá mập
>> Mẹo tăng tốc Facebook, YouTube, Gmail khi đứt cáp quang
 
Theo P.Yến (MASK Online)