Công nghệ

Các thiết bị thông minh thực chất rất "ngu" về bảo mật

Bảo mật chưa bao giờ là một vấn đề "hết nóng", nhất là trong thời đại ngày nay, khi các thiết bị IoT đang ngày càng phổ biến, nhưng tính bảo mật lại rất yếu.

Bảo mật chưa bao giờ là một vấn đề "hết nóng", nhất là trong thời đại ngày nay, khi các thiết bị IoT đang ngày càng phổ biến, nhưng tính bảo mật lại rất yếu.

Nhưng những tiết lộ của WikiLeaks về việc CIA có thể thâm nhập vào một số TV thông minh của Samsung là một lời nhắc nhở về việc “Internet of Things” đang mời gọi hacker vào nhà của bạn.

Vậy, các thiết bị kết nối của bạn thông minh đến mức nào, an toàn đến mức nào?

IOT: Ngành công nghiệp đang lên

Không nghi ngờ gì nữa, các thiết bị kết nối hiện rất phổ biến. Hãng nghiên cứu Gartner dự đoán có 8,4 tỷ thiết bị kết nối được sử dụng trong năm 2017, tăng 31% so với năm 2016. Đến năm 2020, con số này có thể đạt 20,4 tỷ, với smart TV, set-top box kỹ thuật số là những thiết bị tiêu dùng phổ biến nhất.

Trong khi đó, với các doanh nghiệp, thiết bị đo điện thông minh và camera an ninh thương mại được xem là các sản phẩm “Internet of things” phổ biến nhất.

Những thiết bị như thế rất thuận tiện, tuy nhiên chúng có thể là mục tiêu dễ dàng cho hacker. Tháng 10/2016, hacker đã theo dõi và chiếm quyền sử dụng webcam và máy quay video kỹ thuật số, biến chúng thành các “botnet” internet và tung ra các cuộc tấn công từ chối dịch vụ với các trang web như Netflix và Twitter, khiến một số người dùng không truy cập được.

Không thể đợi chính phủ bảo vệ

Rất nhiều người đang kêu gọi phải có sự kiểm soát để đảm bảo an toàn với các thiết bị kết nối, tuy nhiên vẫn chưa rõ khi nào điều này mới thành hiện thực. Năm ngoái, Bộ An ninh Nội vụ Mỹ đã ra một báo cáo miêu tả những vấn đề về bảo mật với những thiết bị có khả năng kết nối internet, trong đó có các thiết bị y tế, camera giám sát, thiết bị gia dụng và thiết bị chăm sóc, theo dõi trẻ em.

“Sự phụ thuộc  ngày càng lớn vào các công nghệ kết nối mạng lưới có nghĩa là cần phải nâng cao tính bảo mật”, Bộ trưởng Bộ An ninh Nội vụ Jeh Johnson nói vào lúc đó. Báo cáo này được đưa ra khi Tổng thống Mỹ vẫn là Barack Obama, tuy nhiên, vấn đề bảo mật chưa được chú trọng nhiều dưới thời Donald Trump.

Nhà phân tích của Forrester Research là Josh Zelonis nói rằng người tiêu dùng không thể đợi chính phủ. Thay vào đó, mọi người phải yêu cầu nhà sản xuất đảm bảo an ninh bảo mật cho các sản phẩm mà họ dùng, trong suốt thời gian tuổi thọ của sản phẩm, chứ không phải vào thời điểm bán.

Tất nhiên, nói thì vẫn dễ hơn là làm!

Đừng mua thiết bị thông minh của nhà cung cấp nhỏ

Một khó khăn hiện nay là nhiều người không nhận ra họ phải bảo mật các thiết bị kết nối bằng mật khẩu như họ vẫn làm với máy tính. “Mọi người không nghĩ một chiếc TV hay camera giống với máy tính, và đó chính là lỗ hổng”, nhà phân tích Avivah Litan của Gartner nói.

Nếu một thiết bị vẫn dùng mật khẩu mặc định, người dùng phải thay đổi mật khẩu mới, bởi vì nó rất dễ bị hack.

Ngoài ra, còn một tồn tại nữa là các thiết bị giá rẻ đến từ những công ty “no-name” cũng đặt ra nhiều rủi ro về bảo mật. Trong khi những công ty như Apple, Amazon hay Samsung có thể vá lỗ hổng bảo mật ngay khi phát hiện ra chỗ yếu kém, những công ty nhỏ hơn lại không có nguồn lực để làm điều đó, hoặc đơn giản là họ không có năng lực và không muốn làm điều đó.

“Đừng mua những thiết bị thông minh của các nhà cung cấp nhỏ”, chuyên gia của Gartner nói. “Cũng đừng mua những thiết bị không mã hóa dữ liệu, và hãy thay đổi mật khẩu ngay lập tức”.

Theo Hải An (xahoithongtin.com.vn)