Hỏi - Đáp

Làm cách nào để điều khiển giấc mơ?

Giấc mơ là những câu chuyện và hình ảnh mà tâm trí của chúng ta tạo ra khi đang ngủ về rất nhiều chủ đề như vui chơi, lãng mạn, kinh dị và đôi khi rất kì lạ. Vậy có khi nào bạn chèn ý thức và thay đổi giấc mơ chưa?

Giấc ngủ là một chu kỳ có 5 giai đoạn:

Giai đoạn 1: được gọi là giấc ngủ nhẹ, nơi bạn chuyển động mắt chậm lại và thả lỏng cơ.

Giai đoạn 2: chuyển động của mắt dừng lại và sóng não trở nên chậm hơn. Giai đoạn này tạo thành chiếm một nửa thời gian ngủ.

Giai đoạn 3: sóng não rất chậm và sóng delta bắt đầu xuất hiện.

Giai đoạn 4: đây là giai đoạn giấc ngủ sâu, não tạo ra khá nhiều sóng delta. Không có chuyển động mắt và cơ thể rơi vào trạng thái tê liệt. Nếu bạn đánh thức một người ở giai đoạn này họ có thể cảm thấy choáng váng cho đến khi ý thức của họ phục hồi.

Giai đoạn 5: được gọi là chuyển động mắt nhanh hoặc REM. Hít thở nhanh hơn và mắt giật nhanh theo nhiều hướng khác nhau, nhịp tim và huyết áp tăng lên. Giai đoạn này là lúc bạn sắp tỉnh, bắt đầu ý thức được phục hồi và cũng là lúc giấc mơ xuất hiện. Vì vậy, đây là lúc bạn có thể điều khiển giấc mơ theo ý bạn.

Làm cách nào để điều khiển giấc mơ?

Cách đạt được trạng thái Lucid Dreaming

Việc giấc mơ diễn ra theo ý bạn được gọi là Lucid Dreaming (giấc mơ sáng suốt). Đó là khả năng bạn biết bạn mơ trong khi đang mơ, một khi nhận thức được mình đang mơ, bạn có thể khám phá và thậm chí thay đổi các yếu tố của giấc mơ. Hầu hết hiếm khi chúng ta có thể đạt được trạng thái này nhưng khi một người vào được trạng thái Lucid Dreaming, họ có quyền kiểm soát giấc mơ của mình.

Một nghiên cứu tại Đại học Adelaide, Úc đã phát hiện ra rằng một số kỹ thuật cụ thể có thể làm tăng cơ hội một người vào được Lucid Dreaming. Trong số đó, kỹ thuật MILD mang lại tỷ lệ thành công cao nhất. Ở kỹ thuật này bạn sẽ đi ngủ và bị đánh thức sau 5 giờ ở giai đoạn REM, sau đó bạn đi ngủ lại với việc lặp lại suy nghĩ trong đầu "Lần sau tôi mơ, tôi sẽ biết tôi đang mơ".

Có 47 người tham gia vào nghiên cứu và họ đạt được tỷ lệ thành công 17% đạt được Lucid Dreaming. Trong số đó, những người ngủ lại liền trong vòng 5 phút sau khi bị đánh thức có tỷ lệ thành công lên đến gần 46%.

Theo một nguồn khác về Lucid Dreaming của Huffington Post, mấu chốt để đưa bạn vào trạng thái này chính là hãy để ý các sự vật xung quanh trong giấc mơ có logic không. Khi nhận thức “À, mình đang mơ” thì đó chính là lúc bạn có thể chèn suy nghĩ ra giấc mơ.

Kinh nghiệm bản thân để đạt được trạng thái Lucid Dreaming

Không biết có đặc biệt không nhưng mình có thể vào trạng thái này khá thường xuyên, mấu chốt của trạng thái này là bạn phải biết được bạn đang mơ, khi đó tâm lý bạn sẽ thoải mái và không bị giật mình thoát khỏi giấc mơ kể cả có bị zombie dí đi chăng nữa. Có 2 cách để đạt được trạng thái này theo kinh nghiệm bản thân:

Cách 1: Trường hợp mơ trong lúc ngủ sâu, trường hợp này khó thực hiện hơn vì dễ giật mình thức dậy. Mình thường xác tính logic các hiện tượng trong giấc mơ hoặc cố nhìn thật chi tiết một vật thể, nếu vật đó vẫn mờ ảo hoặc gặp những hiện tượng phi logic như đi tới tòa nhà trước mặt mà đi hoài không tới hay gặp zombie chẳng hạn. Thì xác định là đang mơ luôn. Lúc này khi đã có ý thức, bạn đừng tỉnh vội, hãy từ từ từng chút tưởng tượng ra một viễn cảnh khác như biến thành siêu nhân để diệt zombie chẳng hạn.

Cách 2: Trường hợp này dễ đạt được Lucid Dreaming hơn nếu bạn đã thành công vào trạng thái này một vài lần trước đây, khi mơ một giấc mơ dang dở nhưng lại thức giấc, hãy cố nhớ lại chi tiết điều vừa mơ và đi ngủ lại, kèm theo việc tưởng tượng viễn cảnh tiếp theo của câu chuyện. Do vừa mới thức giấc và chủ động ý thức nên khi vào lại giấc mơ bạn sẽ dễ biết được mình đang mơ hơn bằng cách xem các hiện tượng có giống như mình đang nghĩ không và cứ thế tưởng tượng các viễn cảnh tiếp theo thôi.

Dung (Nguoiduatin.vn)