Hỏi - Đáp

Tại sao mặt trời buổi trưa lại có màu trắng rồi biến thành màu đỏ lúc bình minh và hoàng hôn?

Mới lúc bình minh, ta còn thấy Mặt trời mang trên mình màu hồng cam ngọt ngào, nhưng chỉ vài tiếng sau đã chuyển thành màu trắng đến lóa mắt và cuối cùng là màu đỏ rực rỡ khi chiều tà.

Thực chất, mặt trời có màu đỏ khi mọc và lặn là do hiện tượng tán xạ của ánh sáng trong khí quyển. Ánh sáng mặt trời hoàn toàn có màu trắng bởi đó là sự kết hợp của tất cả bảy màu sắc của cầu vồng, tất cả đều có bước sóng khác nhau.

Khi ánh sáng mặt trời đến Trái đất và qua bầu khí quyển, ánh sáng có bước sóng ngắn hơn sẽ có xu hướng bị tán xạ, ngược lại các màu có bước sóng dài hơn ít bị tán xạ và dễ dàng đi xuyên qua hơn.

Tại sao mặt trời buổi trưa lại có màu trắng rồi biến thành màu đỏ lúc bình minh và hoàng hôn?

Bên cạnh đó, vào thời điểm hoàng hôn hoặc bình minh, ánh sáng mặt trời phải đi xuyên qua lượng khí quyển dày nhất trước khi đến mắt người quan sát, cũng là lúc những ánh sáng thiên về màu xanh bị tán xạ nhiều nhất. Do đó, vào những thời điểm này, ta sẽ thấy mặt trời và bầu trời có màu đỏ cam rực rỡ.

Nguyên tắc tương tự cũng được áp dụng trong trường hợp này. Khi mặt trời đi gần lên thiên đỉnh, ánh sáng mặt trời sẽ xuyên qua lượng khí quyển ít nhất để đến được mắt người quan sát trên bề mặt Trái đất. Điều này có nghĩa là những tia sáng này không có cơ hội va vào nhiều hạt cấu thành của khí quyển.

Do đó, tất cả các màu của ánh sáng mặt trời đến mắt người quan sát với cường độ gần như bằng nhau. Sự kết hợp của tất cả các bước sóng này tạo cho mặt trời một màu trắng chói mắt.

Như vậy, mặt trời có màu đỏ vì ánh sáng đỏ xuyên qua bầu khí quyển tốt hơn các màu khác, đó chính là lý do những thiên thể có thể nhìn thấy từ Trái đất sẽ có màu đỏ hoặc cam, tùy thuộc vào thời gian trong ngày và vị trí của chúng trên bầu trời.

Dung (Nguoiduatin.vn)