Kinh tế

Áp triệt để nồng độ cồn, vì sao doanh nghiệp bia vẫn lãi cao ngất ngưởng?

Nhiều người dân đã thay đổi hành vi. Các doanh nghiệp kinh doanh thức uống có cồn đang tự trở mình.

Trong nhiều tháng kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, người dân cơ bản đã chấp hành không uống bia rượu trước khi lưu thông trên đường.

Theo báo cáo của Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB), quý 2/2024, Sabeco ghi nhận doanh thu đạt 8.086,3 tỷ đồng, bằng 97,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1.318,9 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 29,9%, lên 30,2%.

Theo đó, từ quý 4/2022 tới nay, mức lãi 1.318,9 tỷ đồng trong quý 2/2024 là mức lãi cao nhất trong 7 quý liên tiếp gần đây nhất mà Sabeco ghi nhận.

Trong kỳ quý 2/2024, lợi nhuận gộp của Sabeco giảm nhẹ 1,9% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 47,5 tỷ đồng về 2.440,4 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 24,8%, tương ứng giảm 88,06 tỷ đồng về 266,34 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 52,2%, tương ứng giảm 8,98 tỷ đồng về 8,22 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm tới 21,1%, tương ứng giảm 288,3 tỷ đồng về 1.078,8 tỷ đồng.

Áp triệt để nồng độ cồn, vì sao doanh nghiệp bia vẫn lãi cao ngất ngưởng?
Bia Sài Gòn có doanh thu thuần quý 2/2024 cao hơn cùng kỳ chủ yếu nhờ tác động tích cực của việc tăng giá.

Lợi nhuận tăng 9% chủ yếu do cải thiện biên lợi nhuận gộp, đồng thời tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.

Luỹ kế trong nửa đầu năm 2024, Sabeco ghi nhận doanh thu đạt 15.269,8 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 2.342,6 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải về việc doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng trong nửa đầu năm 2024, Sabeco cho biết với việc nền kinh tế được cải thiện trong nửa đầu năm 2024, cùng với thực thi nghiêm ngặt Nghị định 100 và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, doanh thu thuần vẫn cao hơn cùng kỳ chủ yếu nhờ tác động tích cực của việc tăng giá.

Tương tự, lợi nhuận ròng cũng cao hơn do chi phí bán hàng thấp hơn, giúp giảm nhẹ một phần thu nhập từ lãi tiền gửi và phần lợi nhuận từ các công ty liên doanh, liên kết thấp hơn.

Năm 2024, Sabeco đặt kế hoạch doanh thu 34.397 tỷ đồng, tăng trưởng 12,9%; lợi nhuận sau thuế dự kiến 4.580 tỷ đồng, tăng 7,6% so với thực hiện trong năm 2023.

Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2024 với lãi sau thuế đạt 2.342,6 tỷ đồng, Sabeco đã hoàn thành 51,1% so với kế hoạch năm.

Áp triệt để nồng độ cồn, vì sao doanh nghiệp bia vẫn lãi cao ngất ngưởng? - 1
Cả Sabeco và Habeco đều ghi nhận tăng trưởng tích cực tại quý 2/2024.

Bia Hà Nội lãi đậm quý 2, sau cú lỗ quý 1

Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước Giải khát Hà Nội (Habeco, mã: BHN) cũng đã có báo cáo kinh doanh quý 2/2024. Habeco cho biết doanh thu thuần quý 2/2024 tăng khoảng 11% so với cùng kỳ lên 2.306 tỷ đồng.

Khấu trừ các chi phí khác, Habeco lãi trước thuế 221 tỷ đồng trong quý 2/2024, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ nhưng cải thiện đáng kể so với mức lỗ 13 tỷ trong quý 1. Điều này giúp Bia Hà Nội ngắt mạch 3 quý liên tiếp lợi nhuận sụt giảm so với quý liền trước.

Giai đoạn quý 2 trùng với thời điểm bắt đầu mùa hè nắng nóng tại miền Bắc, đặc biệt năm nay có thêm sự kiện thể thao lớn Giải vô địch bóng đá châu Âu EURO. Không loại trừ đây chính là một trong những cú hích giúp Bia Hà Nội hồi phục mạnh trở lại.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Habeco đạt 3.614 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 151 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.

Áp triệt để nồng độ cồn, vì sao doanh nghiệp bia vẫn lãi cao ngất ngưởng? - 2
Habeco ghi nhận doanh thu tích cực có thể do thời tiết và giải bóng đá.

Tính tới thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản hợp nhất của Habeco đạt 7.275 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền và các khoản tương đương tiền giảm 42% so với đầu năm xuống 671 tỷ đồng, hàng tồn kho của doanh nghiệp này giảm 3% xuống 695 tỷ đồng.

Năm 2024, Bia Hà Nội đặt kế hoạch doanh thu năm nay đạt khoảng 6.543 tỷ đồng và lãi sau thuế 202 tỷ đồng, đều thấp hơn mức thực hiện năm 2023. Với kết quả nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành 75% mục tiêu lợi nhuận kể trên.

Năm 2024, theo đánh giá của Ban lãnh đạo Habeco, vấn đề sức mua yếu và những ảnh hưởng từ sự hồi phục chậm của nền kinh tế vẫn ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp bán lẻ; Rủi ro lạm phát, chi phí vận hành cao, lượng hàng tồn kho lớn tiếp tục là những áp lực đối với các doanh nghiệp. Những yếu tố này sẽ tạo nên thách thức không nhỏ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Habeco.

Theo Dy Khoa (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/ap-triet-e-nong-o-con-vi-sao-doanh-nghiep-bia-van-lai-cao-ngat-nguong-a455453.html