Kinh tế

Cơn bĩ cực đồng euro: Tiền đang chảy về nước Mỹ

Chỉ trong một thời gian ngắn, đồng euro đã mất giá nhanh và mạnh so với đồng USD. Dòng vốn đang chảy khỏi khu vực eurozone sang Mỹ...

Chỉ trong một thời gian ngắn, đồng euro đã mất giá nhanh và mạnh so với đồng USD. Dòng vốn đang chảy khỏi khu vực eurozone sang Mỹ...

Có nhiều lý do khiến giá đồng euro giảm sâu. Đã 5 năm trôi qua kể từ khi cuộc khủng hoảng ở eurozone bắt đầu, châu Âu vẫn ở trong trạng thái ngổn ngang. Nền kinh tế của các nước sử dụng đồng tiền chung hồi phục quá chậm, tăng trưởng cả năm 2014 của khối này chỉ khoảng 0,8%.

Hồi đầu tháng 3/2015, tại hội nghị “Động lực cho châu Âu: Đổi mới và Cạnh tranh" tổ chức tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thẳng thắn cho rằng, châu Âu chưa hoàn toàn thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính và khủng hoảng nợ, và đó vẫn là "con đường dài" phía trước.

Đồng Euro đang mất giá mạnh so với đồng USD

 
Trong bối cảnh đó, từ tháng 6/2014 đến nay, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thực hiện lãi suất âm đối với tiền gửi của ngân hàng thương mại. Về hình thức, khách hàng - bao gồm chính phủ , các công ty và thậm chí cả hộ gia đình, sẽ hưởng lợi nhiều hơn khi vay vốn; người vay gần như không phải trả lãi mà thậm chí còn được "trả công" để vay tiền!

Tuy nhiên, lãi suất âm dường như không phải là liều thuốc tiên đối với eurozone, thậm chí ngay từ đầu các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhìn toàn diện, công cuộc thúc ép các ngân hàng tiêu dự trữ là vô vọng. Lượng nợ tại các công ty phi tài chính khu vực eurozone vẫn giảm 0,5% trong 6 tháng đầu sau khi ECB hạ lãi suất dưới 0.

Ngược lại, tác động tiêu cực của chính sách này lại lấn át trên thị trường tiền tệ. Lãi suất âm đánh tụt lợi nhuận của các khoản đầu tư nội địa, khiến giới đầu tư thoái vốn, kéo đồng nội tệ tuột giá.

Hồi cuối tháng 1/2015, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã buộc phải đưa ra một chương trình nới lỏng tiền tệ (QE) khổng lồ lên tới 1.100 tỷ euro để mua trái phiếu của các chính phủ thành viên. Bằng cách mua một lượng lớn trái phiếu chính phủ với mức lãi suất thấp, ECB muốn hướng các nhà đầu tư sang các loại hình trái phiếu có mức sinh lời cao hơn như trái phiếu doanh nghiệp chẳng hạn, từ đó kích thích sản xuất.

Tuy vậy, khi lãi suất trái phiếu chính phủ giảm thì lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cũng phải giảm theo. Trong khi đó, các nhà đầu tư thì luôn có xu hướng tìm kiếm các trái phiếu có chất lượng tốt với hiệu quả cao, do đó dường như kế hoạch này chưa đem lại thành công như mong đợi.

Một biểu hiện rõ nét nhất chính là có một dòng vốn đang chảy khỏi khu vực eurozone để mua cổ phiếu, trái phiếu của nước ngoài. Theo số liệu của ECB, gần đây, dòng vốn chảy ra đều đặn phát triển thành dòng chảy quy mô lớn. Trong quí IV/2014, chênh lệch giữa dòng vốn chảy ra và dòng vốn chảy vào là 124,4 triệu euro (tkhoảng 134,35 triệu đô la Mỹ).

Các nhà đầu tư lớn có xu hướng bán tài sản bằng euro. Sự khác biệt trong chính sách tiền tệ của châu Âu và Mỹ khiến những người gửi tiết kiệm và đầu tư tại châu Âu chuyển tiền từ châu Âu đến Mỹ để tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn.

Không chỉ những người gửi tiết kiệm hay nhà đầu tư mà các ngân hàng trung ương lớn dường như cũng đang di chuyển dòng vốn để tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn.

Trung Quốc và các nước giàu dầu mỏ ở Trung Đông từng có những người dự trữ đồng euro nhưng giờ đang thay đổi trong chiến lược.

Trong khi ECB duy trì mức lãi suất cơ bản không đổi gần bằng không, trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang tìm cách tăng lãi suất cơ bản. Sức ép hồi phục của USD khiến các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ mất giá, kể cả euro.

Eurozone rõ ràng đang phải đối mặt với bài toán khó khi vừa phải phục hồi nền kinh tế sau khủng hoảng, vừa phải làm đồng euro không bị rớt giá thêm. Chủ tịch ECB Mario Draghi trong lần trả lời truyền thông Đức hồi đầu năm nay đã nhấn mạnh, nếu các nước thành viên của eurozone không đẩy mạnh việc cải cách cơ cấu, linh động hóa thị trường lao động hay giảm bớt quan liêu và cắt giảm thuế thì kinh tế của khu vực cũng sẽ khó có thể phục hồi.
 
Theo Minh Thái (Đất Việt)