Kinh tế

Giá xăng sắp tăng hay giảm lần thứ 3 liên tiếp?

Chuyên gia dự báo giá xăng có thể tăng nhẹ nếu cơ quan quản lý không tác động đến quỹ bình ổn.

Theo quy định tại Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, 11/3 là ngày điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, do rơi vào ngày nghỉ nên nhiều khả năng kỳ điều hành giá mới có thể sẽ được dời sang đầu tuần sau là ngày 13/3.

Dữ liệu cập nhật từ Bộ Công Thương đến ngày 6/3 cho thấy giá xăng trên thị trường Singapore tăng tương đối mạnh so với kỳ điều hành ngày 1/3. Theo đó, bình quân mỗi thùng xăng RON 92 có giá là 96,2 USD, xăng RON 95 là 100 USD/thùng. Tương tự, giá dầu hỏa và dầu diesel cũng cùng xu hướng đi lên.

Trong khi đó, ở kỳ điều hành ngày 1/3, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trước điều chỉnh là 94,182 USD/thùng xăng RON92 và 97,928 USD/thùng xăng RON95.

Giá xăng sắp tăng hay giảm lần thứ 3 liên tiếp?
Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên, lúc 6h ngày 10/3, giá dầu Brent trên thị trường thế giới được giao dịch ở mức 81,59 USD/thùng, giảm 1,07 USD, tương ứng giảm 1,29%; dầu WTI giao dịch mức 75,45 USD/thùng, giảm 0,27 USD, tương đương giảm 1,29%.

Chia sẻ với VTC News, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu cho biết giá dầu thế giới gần đây diễn biến thất thường, nhưng xu hướng chung vẫn là tăng nhẹ. Do đó, vị này dự báo giá xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 11/3 có thể tăng nhẹ theo xu hướng giá thế giới. Tuy vậy, giá bán lẻ trong nước còn phụ thuộc nhiều yếu tố như diễn biến giá của thị trường thế giới trong phiên cuối tuần, điều hành quỹ bình ổn giá xăng dầu...

"Trường hợp nếu cơ quan quản lý không trích lập hoặc chi quỹ bình ổn và giá dầu thế giới tiếp đà giảm sâu, giá xăng có thể tiếp tục giảm hoặc đi ngang", vị này nói.

Tại kỳ điều chỉnh gần nhất ngày 1/3, giá xăng E5 RON 92 giảm 120 đồng, xuống 22.420 đồng/lít; RON 95 giảm 120 đồng, xuống 23.320 đồng/lít. Tính từ đầu năm, mặt hàng này đã trải qua 7 lần điều chỉnh giá, trong đó có 4 lần tăng, 2 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.

Theo Bộ Tài chính, trong quý IV/2022, các doanh nghiệp đầu mối đã trích thêm 2.155 tỷ đồng vào quỹ bình ổn giá mặt hàng và chỉ sử dụng hơn 79 tỷ đồng từ quỹ, giúp số dư đến cuối năm đạt 4.617 tỷ đồng.

Trong 31 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là đơn vị có số dư quỹ đến cuối năm 2022 cao nhất với 1.986 tỷ đồng, chiếm tới 43% tổng số dư quỹ bình ổn giá toàn ngành.

Ở chiều ngược lại, còn 7 doanh nghiệp đầu mối có số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu âm, gồm Tổng công ty Dầu Việt Nam - PV Oil (âm 513 tỷ đồng); Công ty TNHH Petro Bình Minh (âm 60 tỷ đồng); Công ty cổ phần Xăng dầu Tân Nhật Minh (âm 38 tỷ đồng); Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng (âm 36 tỷ đồng); Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư phát triển Trường An (âm 26 tỷ đồng); Công ty TNHH Hải Linh (-12 tỷ đồng) và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (âm 11 tỷ đồng), thông tin trên Dân Trí.

PN (Nguoiduatin.vn)