Kinh tế

'Không quốc gia nào mỗi tỉnh, thành phố có một dự án như Việt Nam'

Các đại biểu Quốc hội cho rằng trong bối cảnh nợ công, bội chi lớn, bắt buộc Việt Nam phải chọn đầu tư tập trung, không dàn trải.

Góp ý kiến tại phiên thảo luận sáng 28/10 về một số nội dung liên quan tới ngân sách và đầu tư công, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội nhắc tới 2 bất cập, thách thức trong thực hiện đầu tư công. Trước tiên là đầu tư công vẫn dàn trải và đã trở nên quen thuộc, là hạn chế lớn nhất theo nữ đại biểu này, Việt Nam cần vượt qua.

Theo bà Mai, tổng mức đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 là 2 triệu tỷ đồng cho 9.620 dự án, nhưng hiện ở các địa phương lượng dự án dở dang rất lớn.

Dẫn kinh nghiệm một số quốc gia, nữ đại biểu thành phố Hà Nội cho rằng, hầu hết dự án đầu tư công sẽ được tập trung vào các dự án có tính lan toả, còn Việt Nam ngược lại.

"Hiếm có quốc gia nào phân bổ đầu tư công như Việt Nam, đó là mỗi tỉnh, thành phố có một dự án. Mong muốn của các địa phương là chính đáng, cần thiết, nhưng nợ công, bội chi lớn, bắt buộc chúng ta phải chọn tập trung, không dàn trải. Công bằng không có nghĩa là cào bằng, có trọng tâm không có nghĩa là chỉ một số địa phương được đầu tư", bà Mai nhấn mạnh, đồng thời dẫn chứng, tại Australia các dự án dùng vốn Nhà nước đều là dự án lớn, như đầu tư vào sân bay; còn ở Hàn Quốc trong số hơn 20 dự án lớn thì 2/3 là vốn từ tư nhân.

Bà Vũ Thị Lưu Mai - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội. 

Bất cập thứ 2 được nữ đại biểu này đề cập, là hiện chưa có đánh giá nào về hiệu quả đầu ra dự án dù đến hết năm 2018 đã có 6.290 dự án hoàn thành. Nếu xét kết quả đầu ra, bà cho rằng không phải dự án nào cũng hiệu quả. "Gần như chúng ta không có câu trả lời về sự hiệu quả cao, thấp hay không hiệu quả của số dự án này", bà Mai nói và đề xuất cần sớm hoàn thành tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu ra; ngay khi lựa chọn dự án cần làm rõ kết quả đầu ra gắn với nguồn lực đầu tư...

Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác quy hoạch bởi khi quy hoạch kém sẽ cho ra kế hoạch đầu tư dàn trải.

Chung mối quan tâm với Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình cũng cho rằng, báo cáo Chính phủ cần thống kê vừa qua bao nhiêu dự án đầu tư công hiệu quả, dự án nào thua lỗ... Như vậy mới xác định được trách nhiệm tổ chức, cá nhân và xử lý nghiêm, tránh thất thoát vốn Nhà nước.

"Chính phủ phải bổ sung báo cáo, thanh tra xử lý sai phạm thời gian qua đến đâu, bao nhiêu dự án phá sản, được phục hồi và mức độ xử lý", ông đề nghị.

Ông Phương cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ phải rà soát lại quy định pháp luật. Nếu Luật có điểm nào chưa hợp lý làm chậm tiến độ thực hiện dự án thì cần nghiên cứu sửa. Chẳng hạn, phân giao dự án đất thuộc nông, lâm trường thì không nên đấu thầu; phân định rõ dự án nào phân giao cho tỉnh, phần nào là Chính phủ quyết...

"Tình trạng lò đang nóng, văn bản pháp luật chồng chéo thì sửa ngay để tạo nguồn thu quốc gia, đẩy nhanh tiến độ dự án, tránh ứ đọng vốn, có tiền mà không tiêu được", ông Phương chốt lại. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhìn nhận, giải ngân đầu tư công vừa qua vẫn "chậm dần đều". Nguyên nhân là hiện vẫn chưa có tiêu chí xác định, phân loại dự án nào được đưa vào lĩnh vực ưu tiên, hay dự án nào được ưu tiên đưa vào danh mục đầu tư...

"Chính phủ cần công bố tiêu chí xếp hạng ưu tiên, như vậy mới tránh tình trạng phân bổ vốn đầu tư tràn lan, sẽ không còn tranh luận nên rót vốn vào nhà hát 1.500 tỷ hay bệnh viện như vừa qua", ông nhấn mạnh.

Theo Anh Minh (VnExpress.net)