Kinh tế

Lời kêu cứu của nhà thầu Việt Nam và cơn 'lên đồng' của giá hàng hóa toàn cầu

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài Chính) nói: "Cả thế giới như đang trong cơn "lên đồng" vì giá cả các mặt hàng đều tăng, từ nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi, đến nguyên liệu đầu vào loạt các ngành sản xuất "

Nhà thầu Việt kêu cứu, nhà buôn thép Trung Quốc cũng kêu cứu

Ngày 19/4/2021, Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam gửi văn bản "kêu cứu" lên văn phòng Chính phủ, kiến nghị đưa ra những biện pháp bảo vệ các nhà thầu Việt Nam trước nguy cơ vỡ trận, phá sản vì tình hình giá thép tăng đột biến một cách phi mã trong quý I/2021, đặc biệt là những ngày tháng 4.

Theo con số mà Hiệp hội này đưa ra, tất cả thương hiệu thép đã đồng loạt tăng giá từ 30-40% so với giá cuối quý IV/2020. Không chỉ thép mà cát, gạch, xi măng... cũng đều tăng khiến cho chi phí xây dựng tăng vọt so với dự toán.

Ông Phạm Quang Anh – Giám đốc Trung tâm Tin tức Việt Nam giải thích, giá thép Việt Nam tăng theo giá thép thế giới, với nguyên nhân chủ yếu từ việc nguyên liệu sản xuất là quặng sắt đã tăng mạnh (tính theo giá tham chiếu tại sàn giao dịch Thượng Hải và Singapore).

Lời kêu cứu của nhà thầu Việt Nam và cơn 'lên đồng' của giá hàng hóa toàn cầu
Biến động giá quặng sắt từ đầu năm 2020 đến nay. Nguồn: Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam

Thực tế, trong lúc các DN xây dựng Việt kêu cứu vì giá thép tăng thì tại Trung Quốc, vào ngày 27/4, Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc cũng kêu gọi Chính phủ mạnh tay xử lý khi thị trường quặng sắt ở tình trạng tăng giá lên cao ngất ngưởng, không loại trừ nguyên nhân từ hoạt động đầu cơ.

Hiện tượng xảy ra đối với quặng sắt và thép được các chuyên gia lý giải do lĩnh vực chế tạo và xây dựng trên toàn cầu sau Covid-19 đang khởi sắc trở lại, đặc biệt là Trung Quốc. Chính phủ các nước như Mỹ cũng đã cam kết đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào cơ sở hạ tầng.

Việt Nam không nằm ngoài làn sóng phục hồi khi theo số liệu từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép thô cả nước quý I đạt hơn 5 triệu tấn, tăng 29%; Bán hàng đạt 4,95 triệu tấn, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng sản xuất và bán hàng thép xây dựng tháng 3/2021 đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Trong khi cầu có dấu hiệu tăng rõ nét thì cung được dự báo giảm trước thông tin Đường Sơn (Trung Quốc) sẽ tiếp tục hạn chế sản xuất luyện kim và thép vì vấn đề môi trường. Sau thành phố Đường Sơn, chính quyền thành phố Hàm Đan ở tỉnh Hà Bắc - trung tâm luyện thép của Trung Quốc, cũng dự kiến sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát sản lượng thép và than cốc cho đến ngày 30/6.

Mới nhất, chính phủ Trung Quốc thông báo sẽ áp dụng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thép thô, thép tái chế, sắt thép bằng 0 từ ngày 01/05/2021. Ngoài ra, 146 mặt hàng gồm thép không gỉ, thép mạ kém, thép cuộn cán nóng, cán nguội cũng sẽ được loại bỏ thuế nhập khẩu. Đây được đánh giá là động thái giảm chi phí nhập khẩu, hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước cắt giảm sản lượng thép thô.

Tuy nhiên, không chỉ có thép, giá của hàng loạt loại hàng hóa trên thế giới đã tăng rất mạnh trong giai đoạn vừa qua. Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài Chính) nói: "Cả thế giới như đang trong cơn "lên đồng" vì giá cả các mặt hàng đều tăng, từ nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi, đến nguyên liệu đầu vào loạt các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, giày dép..."

Giá hàng hóa "lên đồng"

Báo cáo tháng 4/2021 của McKinsey nhận xét: Giá cả hàng hóa đang tăng do nhu cầu mạnh mẽ từ Hoa Kỳ và Trung Quốc. Có thể thấy, giá kim loại công nghiệp đã tăng đáng kể trong năm 2021. Chỉ số giá lương thực của FAO, vốn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khí hậu cũng như thị trường, đã tăng trong 9 tháng liên tiếp và vào tháng 2, đạt mức cao nhất kể từ tháng 7 năm 2014. Giá dầu, vốn cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, đã phục hồi. Giá dầu Brent đạt 64 – 68 USD/thùng, mức chưa từng thấy kể từ trước đại dịch.

Lời kêu cứu của nhà thầu Việt Nam và cơn 'lên đồng' của giá hàng hóa toàn cầu - 1

Ông Phạm Quang Anh đánh giá: "Thực tế, mỗi mặt hàng sẽ bị tác động bởi các yếu tố nội tại của nó. Tình cờ, tất cả đều lên trong giai đoạn vừa rồi".

Ví dụ, là mặt hàng thiết yếu không bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng giá nông sản đã tăng mạnh do hạn hán ở Mỹ và Brazil. Từ năm ngoái, Opec+ giảm sản lượng dầu để hỗ trợ giá và biện pháp này sang 2021 mới phát huy tác dụng, kết hợp với kỳ vọng nhu cầu dầu cao hơn sau khi có vaccine. Cùng lúc, giá kim loại tăng khi Trung Quốc khôi phục sản xuất.

Trả lời về hiện tượng lên giá của hầu hết các loại hàng hóa trên toàn cầu, chuyên gia Ngô Trí Long đánh giá, bên cạnh việc cung đang tạm thời thiếu hụt so với cầu và chính sách nới lỏng tiền tệ ở nhiều quốc gia khiến tiền trở nên "rẻ" đi, thì giá hàng hóa lên còn do các yếu tố như thiếu hụt container rỗng, chi phí vận chuyển tăng…

Hiện tượng giá tăng có thể đem lại "niềm vui" cho bên bán, "nỗi buồn" cho bên mua, nhưng theo ông Ngô Trí Long, đối với nền kinh tế chung, tăng giá là điều không tốt.

Trong báo cáo của mình, McKinsey đã cảnh báo về nguy cơ lạm phát cao gây nguy hiểm cho sự phục hồi của các nền kinh tế.

"Lạm phát hiện đang tăng cao, có thể gây nguy hiểm cho sự phục hồi ở Ấn Độ. Ngay cả trong khu vực EU, tỷ lệ lạm phát dương hàng năm là 0,9% đã được ghi nhận trong tháng Giêng và tháng Hai. Các ngân hàng trung ương của Nga và Brazil, nơi lạm phát đã tăng cao hơn mức mục tiêu, đã tăng lãi suất chính sách để đáp ứng, lần lượt lên 4,5% (+ 0,25%) và 2,75% (+ 0,75%)" - Báo cáo cho biết.

Ông Ngô Trí Long nhấn mạnh, vai trò của Nhà nước là điều hành khi tình hình giá bất ổn, tùy thuộc loại hàng hóa mà có giải pháp khác nhau. Với giá thép và giá xăng dầu - là những mặt hàng phụ thuộc giá thế giới, nhà nước chỉ có thể dùng quỹ bình ổn, can thiệp bằng van thuế hay van tín dụng, để giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp.

Trên báo Thanh niên, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiền đồng ý tình trạng nhiều nước đang đẩy đầu tư hạ tầng để vực dậy kinh tế, khắc phục suy thoái hậu Covid-19 nhưng không phải một sớm một chiều mà các nước có thể ồ ạt đầu tư xây dựng đến nỗi khan hiếm thép kinh khủng như hiện nay. Theo đó, chuyên gia cho rằng giá thép Việt Nam tăng mạnh chủ yếu do thiếu cân đối trong vấn đề sản xuất, đối ứng cung - cầu thép của Việt Nam.

Nếu nhìn lại giai đoạn 6 tháng đầu năm 2020, giá thép suy giảm rất mạnh do nhu cầu xây dựng giảm mạnh. Hàng ế tồn kho lớn, các nhà máy sản xuất thép giảm công suất, giảm kế hoạch nhập phôi. Đến cuối năm 2020, khi có những hạ tầng xây dựng trở lại và tăng trưởng thì bị khan hiếm ngắn hạn.

"Giá thép tăng phi mã sẽ chỉ trong giai đoạn ngắn hạn, tối đa là trong 6 tháng thì cung - cầu sẽ điều tiết lại. Ngành thép nói chung công suất vẫn dư và vẫn sẵn sàng nhận thép về" – Chuyên gia Đinh Thế Hiển nói.

Theo N.M (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/loi-keu-cuu-cua-nha-thau-viet-nam-va-con-len-dong-cua-gia-hang-hoa-toan-cau-161212904100210885.htm