Kinh tế

Ùn ứ nông sản ở cửa khẩu: Có nguyên nhân từ sự bị động, lúng túng

Trong vấn đề ùn ứ nông sản ở cửa khẩu, ngoài nguyên khách quan do phía nước bạn siết chặt kiểm dịch, còn có những nguyên nhân đến từ việc Bộ Công Thương chưa có chiến lược xuất khẩu cho các mặt hàng, dẫn đến hậu quả bị động, lúng túng khi xảy ra sự cố.

Ùn ứ nông sản ở cửa khẩu: Có nguyên nhân từ sự bị động, lúng túng
Ùn ứ hàng hoá nông sản ở cửa khẩu có trách nhiệm lớn của Bộ Công Thương. Ảnh: Hữu Chánh

“Mù mờ” cung - cầu

Tình trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu với Trung Quốc vẫn tiếp diễn khiến các xe hàng buộc phải “quay đầu” về tiêu thụ trong nước. Trên nhiều đường phố của Hà Nội, không khó để bắt gặp những xe hàng nông sản như gồm mít Thái, dưa hấu, dừa xiêm được bày bán trên lề đường.

Tuy nhiên, trái với cảnh đông đúc “giải cứu” hồi cuối năm 2021, những mặt hàng nông sản này hiện đang rơi vào cảnh đìu hiu ế ẩm. Giá bán lẻ các nông sản giảm xuống 2 - 3 lần nhưng vẫn ế khách. Theo các tiểu thương, đây là mặt hàng bị ùn ứ tại biên giới nên phải dồn về đây, thậm chí là toả lại đi các tỉnh phía Bắc để tiêu thụ.

Trong khi đó, ở cửa khẩu Lạng Sơn vẫn có hàng nghìn xe hàng nông sản đang chờ được thông quan, tình hình dự báo sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. “Cho đến ngày 15.3, chúng tôi đang tạm dừng tiếp nhận hoa quả tươi đến các cửa khẩu Lạng Sơn. Dự kiến từ 15.3 đến 20.4, lượng xe hoa quả nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn lên tới 2.000 xe, bởi xung quanh địa bàn cửa khẩu có 500 xe lên và chờ hết thời gian tạm dừng tiếp nhận nông sản để vào các cửa khẩu Lạng Sơn. Lượng xe vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nông sản đang vào chính vụ”, bà Đoàn Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay.

Trong khi đó, khi chỉ ra căn nguyên của việc ùn ứ hàng hóa nông sản ở các cửa khẩu, Bộ trưởng Bộ NNPTNT - ông Lê Minh Hoan cho rằng, đó chính là do tư duy sản xuất mới chỉ chú ý đến việc tạo ra sản lượng, mà chưa có tư duy kinh tế,

“Mù mờ” đầu cung và cầu, không đi vào quỹ đạo, đôi khi giống như đi buôn chuyến nhiều hơn là hợp tác bài bản, kết nối cung cầu,...

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là do chúng ta bị động, đặc biệt là “hay quên”. Vì khi giải phóng ùn tắc được tại cửa khẩu thì những câu chuyện lại trôi đi mà không kiên trì tìm nguyên nhân căn bản, chỉ ra giải pháp lâu dài để giải quyết tận gốc việc đứt gãy.

"Để tháo gỡ tình trạng ùn ứ hiện nay, quan trọng nhất là tổ chức lại sản xuất, ngành hàng, để đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa của từng thị trường như Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… thậm chí là cả thị trường trong nước. Đây là giải pháp căn cơ và phải chấp nhận làm lại gần như từ đầu" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

"Đá" quả bóng trách nhiệm

Quản lý thị trường, xúc tiến thương mại, thương mại trong nước và xuất nhập khẩu, thương mại biên giới... là những chức năng quản lý nhà nước được quy định rõ ràng thuộc Bộ Công Thương. Tuy nhiên, khi hàng nghìn xe nông sản nằm dài ở cửa khẩu, Bộ Công Thương đã không có những biện pháp quyết liệt, thậm chí có động thái gần như "đá" quả bóng trách nhiệm sang cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi đề nghị bộ này phải phối hợp để triển khai kết nối cung cầu, đẩy mạnh thu mua tiêu thụ trong nước.

Theo ý kiến chuyên gia, với những nhiệm vụ như thiết lập cơ sở hạ tầng thượng mại như logicstic và trung tâm giao dịch nông sản, Bộ Công Thương đã không làm hàng chục năm nay dẫn tới ách tắc cửa khẩu lớn như thời gian qua và đang phải giải quyết hậu quả.

Ngày 11.3, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia kinh tế thương mại cho rằng, thực trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu đã cho thấy sự bị động, lúng túng của cơ quan chức năng, trong đó có trách nhiệm lớn thuộc về Bộ Công Thương.

Cụ thể, theo chuyên gia này, Bộ Công Thương đã không đưa ra được những giải pháp căn cơ mà chỉ có các chỉ đạo mang tính sự vụ. "Thứ nhất tôi cho rằng cần phải có một chiến lược về xuất khẩu nông sản, cần phải bỏ trứng vào nhiều giỏ, tìm kiếm thêm các thị trường mới chứ không để bị phục thuộc vào thị trường Trung Quốc, đồng thời phải quy hoạch sản xuất gắn liền với thị trường; có những hợp đồng chính ngạch giữa các bên chứ không làm tiểu ngạch như hiện nay.

Về cơ sở hạ tầng logistics, Bộ Công Thương cần có quy hoạch xây dựng các khu ngoại quan ở cửa khẩu, nơi đó sẽ có cả khu vực hậu cần, sửa chữa, nhà ăn, kho đông lạnh chứ không thể để tình trạng xe nông sản rồng rắn chờ đợi, phải ăn cơm đứng như chúng ta đã thấy. Cái này nước ngoài họ đã làm từ rất lâu rồi" - ông Vũ Vinh Phú nói.

Điều bất ngờ là hiện vấn đề xây dựng hạ tầng logistics lại đang phải do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thúc đẩy. Mới đây nhất đại diện bộ này cho hay đã trình Thủ tướng về chủ trương đồng ý cho tỉnh Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trở thành trung tâm kết nối nông sản xuất khẩu do tỉnh quản lý, doanh nghiệp tư nhân xã hội hóa đầu tư. Sau Quảng Ninh sẽ là tỉnh Lạng Sơn.

Tại trung tâm này, phía bạn có thể đưa bộ phận thông quan, kiểm dịch sang, nghĩa là kiểm một lần bên này rồi xe chạy suốt, có thể đi sâu vào nội địa tùy theo mối quan hệ của thương nhân hai bên. Nếu có trường hợp ùn ứ, chúng ta đóng gói, sơ chế, tạm trữ được một thời gian để tránh nông sản nằm ở container với nhiều rủi ro. Khi xảy ra dịch bệnh thì đó là một "vùng xanh" để chứng tỏ nông sản của chúng ta bảo đảm tiêu chuẩn quy định phòng dịch của phía bạn.

Theo Đình Trường (Lao Động)




https://laodong.vn/kinh-te/un-u-nong-san-o-cua-khau-co-nguyen-nhan-tu-su-bi-dong-lung-tung-1022528.ldo