Lối Sống

Bánh su kem nguy hiểm như thế nào nếu không được bảo quản đúng cách?

Bánh su kem được không ít người yêu thích, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tuy nhiên, gần đây việc bé gái 6 tuổi tại TP Thủ Đức (TP.HCM) tử vong nghi do ngộ độc bánh su kem đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn thực phẩm.

Sự việc hàng chục người có triệu chứng ngộ độc, đặc biệt 1 trẻ tử vong sau ăn bánh su kem được phát trong tiệc Trung thu tối 29/9 tại chung cư Palm Heights (TP.Thủ Đức, TP.HCM) khiến nhiều người quan tâm. 

Ngày 4/10, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm sau đêm tiệc Trung thu tại chung cư Palm Heights là do bánh su kem bị nhiễm khuẩn.

Các chuyên gia y tế đã thống nhất và nhận định đây là trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt, có diễn biến có phức tạp và khó nhận biết hơn so với các trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt thường xảy ra tại các trường học trước đây.

Về nguyên nhân gây ra ngộ độc sau ăn bánh su kem, các chuyên gia nhận định khả năng cao là bánh đã bị nhiễm khuẩn do tất cả trường hợp ngộ độc đều có có triệu chứng giống nhau như sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, bạch cầu máu tăng cao, CRP tăng cao (xét nghiệm máu giúp nhận biết cơ thể bị nhiễm vi khuẩn).

Các chuyên gia cũng nhận định, bánh su kem bị nhiễm khuẩn không chỉ tại nơi tổ chức tiệc trung thu mà đã bị nhiễm khuẩn trước đó. Còn về tác nhân gây ra nhiễm khuẩn, các chuyên gia khẳng định cần chờ kết quả phân lập vi khuẩn, hiện đang được Viện Vệ sinh y tế công cộng TP Hồ Chí Minh xử lý.

Bánh su kem nguy hiểm như thế nào nếu không được bảo quản đúng cách?
Ảnh minh họa: Internet

Vì sao bánh su kem dễ nhiễm khuẩn?

Bánh su kem là loại bánh ăn vặt được nhiều người yêu thích, đặc biệt là trẻ nhỏ. Đây là loại bánh có nguồn gốc từ Pháp, là bánh ngọt ở dạng kem sữa được làm từ các nguyên liệu bột mì, trứng, sữa, bơ... đánh đều tạo thành một hỗn hợp, định hình dạng miếng nhỏ và nướng chín.

Vì nhân bánh được làm từ trứng, sữa tạo thành hỗn hợp như kem nên bánh cần bảo quản ở nhiệt độ lạnh để tránh làm nhân bánh bị chảy và bị chua.

Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, quá trình bánh su kem tới người tiêu dùng gồm: Chế biến, bảo quản tại cửa hàng, vận chuyển, cất trữ khi mua về rồi ăn.

"Bất kỳ khâu nào cũng có khả năng khiến vi sinh vật hay độc tố xâm nhập, phát triển, ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng”, TS Thịnh nói. Trong đó, bảo quản sản phẩm với số lượng lớn, thời gian lâu là khâu dễ khiến bánh nhiễm khuẩn nhất.

Theo vị chuyên gia, vi sinh vật có thể xâm nhập vào bánh bằng nhiều con đường khác nhau như vệ sinh môi trường, con người, hoặc do chất liệu, nguyên liệu khi sản xuất chế biến. Ban đầu vi sinh vật nhiễm vào với mức độ, số lượng ít rồi phát triển dần lên.

“Vi sinh vật dễ nhiễm nhất là khuẩn E.Coli, Coliform và C. botulinum. Trong đó độc tố C. botulium nguy hiểm nhất, gây ngộ độc ngay, chỉ một lượng nhỏ có thể dẫn tới tử vong nhanh, trong khi 2 khuẩn trước thường gây tiêu chảy”, TS Thịnh cho hay.

Việc một người tử vong sau khi ăn thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc trong khi người khác cũng dùng sản phẩm đó nhưng mức độ nhẹ hơn (nôn, đau bụng, tiêu chảy, sốt…) có thể do số lượng ăn, nhưng cũng phụ thuộc vào thể trạng, nền sức khỏe của mỗi người.

Bánh su kem nguy hiểm như thế nào nếu không được bảo quản đúng cách? - 1
Ảnh minh họa: Internet

Theo TS Thịnh, với bánh su kem, sau khi bơm đẩy kem vào trong vỏ, bánh sẽ được xếp vào khay/hộp hở để bảo quản chờ bán mà không cần nướng hay thanh trùng lại.

“Điều này đồng nghĩa nguy cơ vi sinh vật xâm nhập vẫn còn, có thể phát triển và sinh ra độc tố trong bánh. Người dùng có thể nhiễm cả độc tố và vi sinh vật. Thông thường nếu nhiễm khuẩn nặng, chủ yếu do độc tố”, Tiến sĩ Thịnh phân tích.

Không chỉ riêng bánh su kem, theo Tiến sĩ Thịnh, những loại thực phẩm tươi, có hạn sử dụng ngắn chỉ 1-2 ngày, ngoài kiểm soát chất lượng sản phẩm, nên rút ngắn thời gian bảo quản, tốt nhất là ăn ngay, bảo quản với số lượng ít.

Đặc biệt không ăn thực phẩm quá hạn sử dụng, bảo quản đúng khuyến cáo (như trong môi trường tủ mát thay vì để ở ngoài môi trường bình thường). Các nhà sản xuất cần thông báo rõ thời hạn và cách thức bảo quản. Ví dụ bánh đã được để tại cửa hàng ở nhiệt độ và thời gian này, người mua cần bảo quản và sử dụng ra sao để bánh đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

Bé gái tử vong khả năng cao do bánh su kem nhiễm khuẩn

Sáng 4-10, Sở Y tế TP.HCM đã triệu tập họp khẩn hội đồng chuyên gia để đánh giá nguyên nhân vụ việc bé gái 6 tuổi tại TP Thủ Đức (TP.HCM) tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh su kem.

Các chuyên gia của ngành y tế thành phố nhận định đây là trường hợp ngộ độc hàng loạt, diễn biến phức tạp, khó nhận biết hơn so với ngộ độc thực phẩm hàng loạt trước đây.

Khả năng cao nguyên nhân gây ngộ độc là từ bánh su kem bị nhiễm khuẩn, do tất cả các bé đều có triệu chứng nhiễm khuẩn như sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy…

Đến sáng 4-10, hiện còn 17 trẻ vẫn đang nằm điều trị tại bốn bệnh viện: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Lê Văn Thịnh và Nhân dân Gia Định. Tất cả các bệnh nhi đều có sức khỏe ổn định.

Trước đó, 17h30 ngày 29-9, ban quản lý chung cư Palm Heights tổ chức vui Trung thu cho các cháu là con của cư dân chung cư và nhân viên làm việc tại chung cư. Bà Đ.T.T.T. (40 tuổi, chủ quán cà phê tại chung cư) tài trợ 210 phần bánh su kem hiệu G. cho các cháu. Tổng số bánh su kem phát ra khoảng 200 cái (khoảng 150 trẻ em và 50 người lớn), còn dư khoảng 10 bánh cũng phát cho nhân viên.

- Theo chứng từ giao nhận, bánh su được giao đến quán cà phê vào lúc 10h sáng ngày 29-9 (phiếu ghi bà T. nhận 230 bánh su kem, bánh vô ni lông từng cái).

- Chị Phan Thị Út (39 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) - mẹ bé Q., 6 tuổi, tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh - cho biết khoảng 22h ngày 29-9, sau khi hết ca làm việc, ban quản lý chung cư Palm Heights (phường An Phú, TP Thủ Đức) có cho chị ba cái bánh su kem mang về phòng trọ tại đường Nguyễn Tư Nghiêm (TP Thủ Đức). Lúc này, bé Q. đã ngủ nên chị để bánh trên bàn.

- Khoảng 8h sáng ngày 30-9, bé Q. ngủ dậy và ăn hai cái bánh, trong đó chị Út ăn chung nửa cái bánh, còn một cái cháu chia cho T. (19 tuổi, anh của Q.). Đến khoảng 22h cùng ngày cả ba người gồm chị Út, bé Q. và cháu T. bắt đầu có biểu hiện nôn ói, đau bụng, đi ngoài nhiều... Ba mẹ bé Q. cho biết trong tối 30-9 bé Q. nôn ói nhiều lần kèm tiêu chảy ba lần, ở nhà không xử trí gì.

- 7h45 ngày 1-10, chồng chị Út đưa hai con đi khám tại phòng khám 315 trên đường Nguyễn Duy Trinh, được chẩn đoán "theo dõi nhiễm siêu vi, rối loạn tiêu hóa" và được kê đơn thuốc về điều trị tại nhà, nhưng tình trạng của bé Q. không thuyên giảm.

- Chiều 1-10, bé được đưa tới Bệnh viện Lê Văn Thịnh khám với chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, bác sĩ kê đơn thuốc ra về (kháng sinh, giảm đau, men tiêu hóa). Đến 23h cùng ngày, gọi bé không phản ứng, người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu. Lúc này bé đã hôn mê, nhịp tim và huyết áp không đo được, da lạnh, tím tái toàn thân, không nghe được nhịp thở. Tại khoa cấp cứu, bé được hồi sinh tim phổi nhưng không thành công rồi tử vong.

Tuổi Trẻ

PN (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/banh-su-kem-nguy-hiem-nhu-the-nao-neu-khong-duoc-bao-quan-dung-cach-d186720.html