Lối Sống

Lễ quan soái - rút chân hương chỉ được làm duy nhất trong ngày ông Công ông Táo

Tỉa chân nhang và dọn dẹp bàn thờ là việc quan trọng của các gia đình Việt được thực hiện vào đúng ngày cúng ông Công ông Táo.

Làm lễ quan soái tốt nhất trong ngày 23 tháng Chạp

Bát hương là biểu hiện tâm linh trên ban thờ của mỗi gia đình. Các gia chủ thường làm lễ quan soái - sửa bát hương trong ngày cúng ông Công ông Táo.

Điều đặc biệt là nghi lễ này một năm chỉ thực hiện 1 lần vào ngày 23 tháng Chạp, chứ không phải này nào cũng làm được việc này. Sau khi làm lễ quan soái xong, các gia đình chuẩn bị đồ lễ cúng ông Công ông Táo.

Lễ quan soái - rút chân hương chỉ được làm duy nhất trong ngày ông Công ông Táo
Khi tỉa chân hương, không được lấy hết chân hương mà phải để lại 3, 5 hoặc 7 chân. Ảnh: Tuổi trẻ thủ đô

Theo GS-TS Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam chia sẻ trên báo Lao động, theo dân gian, việc dọn bát hương thường tiến hành vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm.

Trước khi tiến hành, gia chủ sẽ thắp hương xin phép. Tất cả chân hương cả một năm nên được rút bớt, sau đó hóa cùng với tiền vàng.

Trước khi thực hiện công việc này, theo quan niệm dân gian, con cháu thường thắp hương, đọc văn khấn để xin phép các cụ, tổ tiên.

Ai là người thực hiện nghi lễ bốc bát hương?

Theo quan niệm cổ truyền, đây là việc của đàn ông trong nhà. Thực tế, ai cũng có thể bốc được bát hương, song đích thân gia chủ bốc là tốt nhất. 

Người được lựa chọn làm công việc dọn dẹp ban thờ, rút chân hương cũng phải tắm rửa sạch sẽ, thực hiện nghi lễ với sự thành tâm.

Lễ quan soái - rút chân hương chỉ được làm duy nhất trong ngày ông Công ông Táo - 1
Nghi lễ bốc bát hương cần được thực hiện rất cẩn trọng, chỉn chu. Ảnh: báo Đăk Nông.

Sau khi thắp một nén hương xin phép trên bàn thờ, gia chủ sẽ rút từng chân hương một, cho đến khi còn lại một vài chân hương đẹp nhất (thường là ở số lẻ: 3, 5, 7, 9).

Quan niệm của người Việt cũng cho rằng, việc tỉa chân hương hay lau chùi ban thờ nên tuyệt đối giữ sự yên tĩnh cho bát hương, không được làm xê dịch, di chuyển.

Nhà nghiên cứu phong thủy Bùi Quang Minh chia sẻ với Vietnamnet, chân nhang đã rút nên được mang đi hóa thành tro rồi vùi vào gốc cây.

Nếu được, gia chủ nên vùi vào gốc cây chuối bởi đây là loài cây mang ý nghĩa “lá rụng về cội” rất cao đẹp. Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu cũng lưu ý, tuyệt đối không được vứt chân nhang vào thùng rác hoặc các nơi ô uế. Việc mang tro thả sông cũng không nên bởi sẽ làm sông ô nhiễm.

Gợi ý bài văn khấn xin phép quan sái, tỉa chân hương (trích từ Văn khấn cổ truyền - Nhà xuất bản Văn hóa thông tin):

Con nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

Con xin tấu lạy Chín phương Trời, Mười phương chư Phật, chư Phật Mười phương

Con xin tấu lạy vua cha Ngọc Hoàng thượng đế, Hoàng thiên hậu thổ, ngũ phương ngũ thổ, long mạch thổ, thần Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ tên là:

Cư ngụ tại địa chỉ:

Hôm nay ngày .. tháng .. năm... xét thấy bản thân mình chưa chu toàn nên để hương án bị bụi, xin thành tâm sám hối.

Tín chủ xin kính cáo với các chư vị (tùy theo bàn thờ đó thờ thần linh, hộ pháp, hay gia tiên…), chọn được ngày lành tháng tốt hôm nay xin cho phép tín chủ được sái tịnh để cho bàn thờ được trang nghiêm thanh tịnh, kính mong các chư vị chứng minh giám hộ.

Mong các vị độ cho con lau dọn được khang trang mỹ hảo, cho hương án được an chính vị, cho âm phần được an yên, cho gia cư được lạc thổ.

Chúng con người trần mắt thịt, tội lỗi đầy thân, chỉ biết kính cẩn tâm thành nếu có gì si mê lầm lỡ kính xin được tha thứ bỏ quá đại xá cho.

(Xong vái 3 vái).

Theo Duy Anh (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/le-quan-soai-rut-chan-huong-chi-uoc-lam-duy-nhat-trong-ngay-ong-cong-ong-tao-a401815.html