Lối Sống

Nhổ 1 sợi lông ở ngón chân cái, cô gái 19 tuổi ở Hà Nội phải nằm viện cả tuần

Vô tình thấy một sợi lông mọc ngược trên ngón chân cái, cô gái 19 tuổi, đã tiện tay nhổ bỏ. Bất ngờ là chỉ vài tiếng sau, chân cô xuất hiện viêm, sưng. Sau một ngày, tình trạng trở nặng khiến cô gái trẻ phải tức tốc vào viện.

Theo thông tin trên Dân Trí, tại thời điểm nhập viện, chân bệnh nhân bị tấy đỏ, đầu ngón chân cái mưng mủ. Không chỉ vậy, từ cổ chân đến bàn chân của cô gái đều sưng nề.

Sưng và mưng mủ chỉ là triệu chứng tại chỗ. Bệnh nhân còn có dấu hiệu sốt cao khoảng 39 độ. "Tôi cảm thấy toàn thân rét run dù bây giờ là mùa hè", cô gái chia sẻ.

Điều trị cho ca bệnh, BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết: "Chính việc nhổ bỏ sợi lông vì "ngứa mắt" đã tạo đường xâm nhập cho vi khuẩn, đặc biệt là tụ cầu vàng".

Theo chuyên gia này, nhiễm khuẩn tụ cầu là một loại nhiễm khuẩn do vi khuẩn thuộc họ Streptococcus gây ra. Có nhiều loại vi khuẩn thuộc họ Streptococcus có thể gây nhiễm khuẩn ở con người.

"Phổ biến nhất là vi khuẩn A beta-hemolytic gây viêm họng, viêm tai giữa, viêm da", BS Thiệu cho biết.

Nhiễm khuẩn tụ cầu thường lây lan qua việc tiếp xúc với các giọt bắn, hắt hơi hoặc tiếp xúc với đồ dùng cá nhân của người bệnh. Tuy nhiên, các vết thương hở cũng là "cánh cửa mời gọi vi khuẩn".

Nhổ 1 sợi lông ở ngón chân cái, cô gái 19 tuổi ở Hà Nội phải nằm viện cả tuần
Từ cổ chân đến bàn chân của cô gái 19 tuổi đều sưng nề. Ảnh BSCC/Dân Trí.

Việc nhổ bỏ sợi lông được BS Thiệu so sánh giống như việc gây tổn thương lớp bảo vệ tự nhiên của cơ thể. Qua đó, vi khuẩn tụ cầu sẽ xâm nhập và gây viêm mô bào toàn bộ bàn chân trái của bệnh nhân.

"Đây là một dạng của nhiễm trùng cơ hội. Dạng này hay gặp ở những người bị chấn thương, lở loét bởi nó tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh", BS Thiệu thông tin trên Dân Trí.

Thời gian điều trị của bệnh nhân có thể kéo dài trong khoảng 7-14 ngày tùy theo mức độ phục hồi của bệnh trạng. "Dựa theo hướng chẩn đoán là viêm mô bào bàn chân trái, bệnh nhân sẽ được điều trị kháng sinh cho viêm cầu, liên cầu và tụ cầu", BS Thiệu nói thêm.

Nhiễm trùng tụ cầu có nguy hiểm?

Theo thông tin trên VinMec, tụ cầu có thể xâm nhập trực tiếp vào mô cơ thể hoặc sản xuất ngoại độc tố có tác động kích hoạt cytokine phóng thích từ tế bào T nhất định gây ra ảnh hưởng hệ thống nghiêm trọng như tổn thương da, sốc, suy tạng, tử vong. Những bệnh lý gây ra bởi tụ cầu gồm có:

Nhiễm khuẩn huyết tụ cầu: Là tình trạng nhiễm khuẩn liên quan đến ống thông nội mạch hoặc các mô ngoại lai thường do nhiễm trùng khu trú tiên phát. Đây là nguyên nhân quan trọng có thể dẫn đến tử vong ở bệnh nhân suy nhược.

Nhiễm trùng da do tụ cầu: Là tình trạng bệnh lý phổ biến nhất do tụ cầu gây nên. Bề mặt da nhiễm trùng có thể có mụn mủ và chốc lở lan rộng, viêm mô tế bào, nặng nề hơn có thể hình thành áp xe và hoại tử da.

Nhổ 1 sợi lông ở ngón chân cái, cô gái 19 tuổi ở Hà Nội phải nằm viện cả tuần - 1

Nhiễm trùng sơ sinh do tụ cầu: Thường xuất hiện trong vòng 6 tuần sau sinh, gây tổn thương da có hoặc không bong vảy da ở trẻ và có thể dẫn tới viêm màng não.

Viêm phổi do tụ cầu: Có thể bắt nguồn từ một nhiễm trùng tiểu ban đầu hoặc từ vị trí nhiễm trùng S. aureus khác trong cơ thể hoặc do tiêm chích ma túy. Bệnh thường đặc trưng bởi sự hình thành áp xe phổi tiến triển nhanh chóng thành túi khí hoặc mủ màng phổi CA-MRSA thường gây viêm phổi hoại tử nghiêm trọng.

Viêm xương tủy xương do tụ cầu: Xảy ra phổ biến hơn ở trẻ em với các triệu chứng sốt, rét run, đau xương, các mô mềm sau đó trở nên đỏ và sưng. Hầu hết các nhiễm trùng đốt sống và đĩa đệm ở người lớn thường liên quan đến tụ cầu.

Cách phòng tránh nhiễm vi khuẩn tụ cầu

Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa có vắc-xin đặc hiệu để phòng các bệnh do vi khuẩn tụ cầu gây ra. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể phòng bệnh này bằng những cách sau:

- Giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, nhất là vào mùa nắng nóng như mùa hè. Thường xuyên tắm rửa hàng ngày, rửa tay và giữ vệ sinh tay đúng cách, đánh răng, súc miệng và giữ vệ sinh họng bằng cách súc nước muối sinh lý. Chú ý khi tắm cho trẻ nhỏ cần tắm kỹ ở những nếp gấp da, kẽ da vì ở đây thường tích tụ nhiều chất bẩn.

- Không dùng chung các dụng cụ cá nhân như dao cạo râu, khăn tắm, áo quần,...Vì vi khuẩn có thể lây từ người này sang người khác khi dùng chung các vật dụng cá nhân.

Nhổ 1 sợi lông ở ngón chân cái, cô gái 19 tuổi ở Hà Nội phải nằm viện cả tuần - 2

- Cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi, sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, uy tín. Hạn chế ăn những thực phẩm chưa được nấu chín như thịt tái, gỏi, nem chua, tiết canh,...Chú ý bảo quản thực phẩm đúng cách.

- Tại các cơ sở y tế, cần tuân thủ những biện pháp nhằm đảm bảo môi trường vô khuẩn ở các phòng mổ, tiệt trùng dụng cụ y tế đúng cách, giữ gìn môi trường trong và xung quanh bệnh viện, hạn chế tối đa sự lây lan vi khuẩn.

- Trong trường hợp bệnh nhân bị nhiễm khuẩn da, cần dùng băng gạc sạch bao phủ các vết loét, tránh để vi khuẩn tụ cầu có trong dịch mủ lan sang các vị trí khác.

- Đối với phụ nữ, khi đến kỳ kinh nguyệt cần chú ý giữ vệ sinh vùng kín, không dùng băng vệ sinh có độ thấm hút quá cao vì chúng gây khô âm đạo, từ đó làm pH âm đạo thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho tụ cầu phát triển. Thay băng vệ sinh thường xuyên, khoảng 4 tiếng 1 lần.

- Duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học nhằm nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

PN (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/nho-1-soi-long-o-ngon-chan-cai-co-gai-19-tuoi-o-ha-noi-phai-nam-vien-ca-tuan-d171855.html