Ôtô - Xe máy
29/07/2022 13:54Chủ xe Volvo 'ngại' đến đại lý chính hãng sau tai nạn Ferrari 488 GTB
Volvo Hà Nội làm dịch vụ không có giấy xác nhận giao nhận xe
Vụ tai nạn Ferrari 488 GTB tông gốc cây vào sáng ngày 21/7/2022 tại đường Nguyễn Văn Linh, phường Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội do thợ sửa xe của đại lý Volvo Hà Nội cầm lái, gây tranh luận trong suốt tuần qua.
Chiếc Ferrari 488 GTB không có bảo hiểm, thiệt hại được ước tính lên đến khoảng 4-6 tỷ đồng. Chủ xe đòi Ferrari Việt Nam và Volvo Hà Nội phải bồi thường nhưng đến nay vẫn chưa xác định được trách nhiệm của các bên.

Trong khi, Ferrari Việt Nam đang chưa có động thái đáp trả thì phía Volvo Việt Nam (Công ty TNHH Ô tô Bắc Âu Hà Nội) cho hay đã ra quyết định tạm đình chỉ làm việc 1 tháng đối với 1 kỹ sư và 1 kỹ thuật viên để giải quyết sự việc.
Theo phía Volvo Hà Nội, xưởng dịch vụ không có bất kỳ thỏa thuận hợp tác nào về việc sửa chữa, bảo dưỡng xe Ferrari. Đồng thời, hãng cũng không làm dịch vụ với xe ngoài thương hiệu Volvo.

Phía Volvo cho rằng, sự việc diễn ra là quan hệ nội bộ, cá nhân giữa Ferrari nhờ hỗ trợ, chủ nhân của chiếc xe Ferrari 488 GTB và cá nhân nhân viên của Volvo Hà Nội.
Trên thực tế, việc đưa xe Ferrari vào xưởng Volvo Hà Nội không có hề có biên bản giao nhận xe và chào giá dịch vụ.
Tuy nhiên, sau những lời lẽ lý giải của Volvo, nhiều khách hàng của hãng xe này tại Hà Nội cũng vỡ lẽ chuyện từ trước đến nay khi họ đến hãng làm dịch vụ đều không hề nhận được giấy tờ nào xác nhận phía Volvo Hà Nội đã nhận xe. Tất cả các giao dịch đều bằng miệng, và đến giờ nhiều khách hàng không khỏi hoang mang lo lắng.

“Sau vụ việc này, tôi cũng khá bất ngờ và nhớ lại từ trước đến nay đưa xe vào Volvo bảo dưỡng mà không có biên bản giao nhận gì. Thiết nghĩ, nếu xe mình cũng gặp nạn tương tự thì hãng liệu có phủi trách nhiệm như vậy không", anh H. (Hà Nội) chủ nhân chiếc Volvo XC60 tỏ vẻ lo lắng.
Theo anh H. khi anh mang xe đến bảo dưỡng chính hãng là giao nhận xe bằng miệng, không có bất kỳ tờ giấy nào là "biên bản nhận giao xe" như Volvo Hà Nội nói. Hầu hết mọi người đều mang xe đến giao cho kỹ thuật viên kiểm tra, trao đổi bằng miệng rồi khách rời đi. "Khi hoàn thành, họ sẽ gọi mình ra lấy xe, lúc này có giấy thanh toán bao gồm các hạng mục sửa chữa, kiểm tra và đưa tiền rồi về."
Cũng như anh H., anh T., cũng nhiều lần mang chiếc Volvo S90 đến đây bảo dưỡng xe định kỳ cũng cho biết, sau khi đọc các bài báo Volvo nói rằng họ không liên quan và không có trách nhiệm, do xe được đưa vào Volvo mà không có biên bản giao nhận gì anh cũng hoang mang và rút kinh nghiệm cho bản thân.

"Xưa nay mình dễ tính, vào đó làm có khi nào thấy kí tá giấy tờ xác nhận giao nhận xe gì đâu. Chỉ mỗi việc hỏi bao nhiêu tiền, bao lâu thì xong. Đây có lẽ là bài học cho không riêng tôi mà nhiều khách hàng khác thường xuyên làm dịch vụ tại Volvo Hà Nội", anh T nói.
Nhiều siêu xe Việt không có xưởng dịch vụ chính hãng
Cũng từ vụ siêu xe Ferrari làm dịch vụ không chính hãng cho thấy tại Việt Nam tình trạng này vẫn còn bất cập. Nhiều dân chơi đau đầu chuyện đi sửa siêu xe do quy mô thị trường nhưng mạng lưới dịch vụ của nhiều hãng siêu xe khá mỏng, dẫn đến tình huống khách hàng khó tiếp cận dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa.
Trong khi đó, bảo dưỡng sửa chữa luôn là vấn đề đau đầu của các chủ nhân sở hữu siêu xe tại Việt Nam. Vì đây là loại phương tiện khá “đỏng đảnh”, nếu không được bảo dưỡng đúng cách bởi các kỹ sư lành nghề, hay thay thế phụ tùng không rõ nguồn gốc sẽ khiến xe nhanh xuống cấp hoặc không đạt được hiệu năng vận hành tối ưu sau một khoảng thời gian sử dụng.

Nhiều chủ nhân của những chiếc siêu xe buộc phải lựa chọn các garage siêu xe không chính hãng để bảo dưỡng và sửa chữa. Và… khi xảy ra sự cố thì rất khó quy trách nhiệm cho chính hãng mà chỉ biết “nắm thóp” thợ sửa.
Theo khảo sát, tại Việt Nam, Mercedes-Benz có cơ sở lắp ráp trong nước với số đại lý chính thức nhiều nhất trong các thương hiệu hạng sang (17 đại lý). Còn các thương hiệu xe sang khác được nhập khẩu và phân phối chính hãng gồm: Audi (Công ty CP Liên Á quốc tế), BMW (Thaco), Lexus (Toyota Việt Nam), Jaguar Land Rover (Phú Thái Mobility), Porsche (Porsche Việt Nam), Rolls-Royce, McLaren và Lamborghini (S&S Automotive), Ferrari (Công ty TNHH Vina ASC Automotive)… có số lượng đại lý ít hơn, hầu như tập trung ở Hà Nội và TP.HCM. Số lượng xưởng dịch vụ của những thương hiệu này cũng rất ít. Như Land Rover chỉ có 2 xưởng dịch vụ tại Hà Nội và TP.HCM, Porsche chỉ có 1 xưởng tại TP.HCM, Lamborghini và Bentley dường như không có xưởng dịch vụ riêng.

Trong khi đó, theo Nghị định 116, doanh nghiệp muốn sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu ôtô phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đáp ứng quy định của Nghị định này nhưng không quy định rõ về số lượng và phân bố như thế nào.
Với quy định như vậy, một số doanh nghiệp chỉ cần có một hoặc hai cơ sở bảo hành, bảo dưỡng được cấp giấy chứng nhận là đã có thể có giấy phép nhập khẩu hoặc sản xuất, lắp ráp.
Theo Thảo Nguyễn (Kienthuc.net.vn)
Tin cùng chuyên mục








-
HLV Vũ Hồng Việt cưới BTV xinh đẹp giỏi giang của VTV, cô dâu lộ diện trên lễ đường visual sáng bừng (01/07)
-
Sau sáp nhập địa phương, thông tin quê quán của bạn thay đổi thế nào: Kiểm tra ngay trên VNeID! (01/07)
-
Nắng nóng thiêu đốt châu Âu, Pháp ra cảnh báo chưa từng có (01/07)
-
Triệt phá đường dây sản xuất, mua bán 70.000 chai dầu 'Con Ó' giả trị giá hàng tỷ đồng (01/07)
-
Á hậu sinh năm 2000 vướng tin tình ái với bác sĩ thẩm mỹ nay lên tiếng cảnh báo (01/07)
-
Al Hilal gây địa chấn khi quật ngã Man City sau 120 phút nghẹt thở (01/07)
-
Loạt ô tô che chắn xe máy qua cầu lúc mưa to gió lớn ở Hà Nội ‘gây sốt’ mạng (01/07)
-
Mặt nữ mukbang biến dạng nghiêm trọng sau 2 năm hành nghề (01/07)
-
Thị trường xe hatchback: Lối thoát nào giữa 'cơn bão' xe gầm cao? (01/07)
-
Tạm hoãn chuyến tàu hỏa ra trung tâm tỉnh Quảng Trị vì chỉ có 2 hành khách (01/07)
Bài đọc nhiều




