Pháp luật

Khách rủ nhau 'bùng tiền', doạ đánh nhân viên thu nợ

Ông Lê Quốc Ninh, Tổng giám đốc Mcredit, cho rằng gần đây còn xảy ra hiện tượng rủ nhau "bùng" nợ hoặc đe doạ ngược nhân viên thu hồi nợ, ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu nợ của các công ty tài chính

Sáng 25-4, Tạp chí Nhà Đầu tư đã tổ chức tọa đàm "Thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam" nhằm mục đích đánh giá đúng thực trạng và tìm kiếm các giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính.

Khách rủ nhau 'bùng tiền', doạ đánh nhân viên thu nợ
Toàn cảnh buổi toạ đàm do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức

Tại toạ đàm, ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit), cho biết hiện nay, Việt Nam mới có 16 công ty tài chính (CTTC) được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cấp phép hoạt động cho vay tiêu dùng. 

Tuy nhiên, theo ông Ninh, gần đây nhiều công ty không phải do NHNN cấp phép đã lợi dụng tên CTTC mở rộng mạng lưới vào các địa bàn khó khăn tiếp cận người dân cho vay vốn lãi suất rất cao dưới nhiều hình thức… Không những thế, khi đòi nợ đã dùng mọi hành vi thủ đoạn manh động để ép người dân trả tiền. 

Đồng tình với việc đòi nợ sai luật là hành vi cần lên án, song Tổng giám đốc Mcredit cho rằng gần đây xảy ra hiện tượng "rủ nhau" bùng nợ từ một bộ phận khách hàng sau những thông tin cơ quan điều tra khởi tố một số đối tượng đòi nợ "khủng bố", đòi nợ phản cảm nở rộ, gây những tác động xấu tới thị trường, ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu nợ của các CTTC. 

Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Đức, Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH HD SAISON, cho rằng thu nợ có hành vi trái pháp luật bị cả xã hội lên án và xử lý. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng sự cần thiết phải có hành lang pháp lý với người đi vay.

Để giải quyết vấn đề "bùng nợ", ông Lê Xuân Đồng, chuyên gia Fiingroup, cho rằng cần cân nhắc đưa dịch vụ đòi nợ thuê trở lại thành hoạt động kinh doanh có điều kiện, hợp pháp để hỗ trợ cho hoạt động tài chính tiêu dùng, hoạt động mua bán nợ vay tiêu dùng và có cơ sở để xây dựng khuôn khổ pháp lý kiểm soát chặt chẽ. Cùng với đó, cần xây dựng khung pháp lý đầy đủ, chi tiết cho hoạt động thu hồi nợ đối với các hoạt động tài chính tiêu dùng chính thức và phi chính thức, cũng như của các công ty mua bán nợ, các công ty dịch vụ đòi nợ thuê (nếu được cho hoạt động trở lại).

Về phía Bộ Công an, thiếu tá Đào Đình Nam, Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cho biết Bộ đã có nhiều giải pháp phối hợp với NHNN, hệ thống các công ty tài chính về vấn đề tài chính tiêu dùng. Trong đó, một giải pháp quan trọng được đưa ra là việc kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngoài ra, theo ông Nam, Bộ Công an đang phối hợp NHNN triển khai cung cấp xác minh danh tính, phối hợp hoạt động thu hồi nợ.

Theo Nguyễn Hưởng (Nld.com.vn)




https://nld.com.vn/phap-luat/khach-ru-nhau-bung-tien-doa-danh-nhan-vien-thu-no-20230425155157153.htm