Pháp luật

Ông Trầm Bê: 'Nhiều người muốn đi tù thay tôi'

Ông Trầm Bê phản đối VKS nhận định "bị cáo nguy hiểm cho xã hội", cho biết từng được tặng 100 giấy khen và nhiều người muốn đi tù thay ông.

Ngày 29/7, phiên xử Trầm Bê (61 tuổi, nguyên Phó chủ tịch Ngân hàng Phương Nam - đã sáp nhập Sacombank) về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng; Dương Thanh Cường (54 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP thương mại và xây dựng Bình Phát, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH SXXD và TM Thanh Phát) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục với phần tranh tụng giữa luật sư, bị cáo và đại diện VKS.

Tranh luận lại quan điểm của VKS, ông Bê trình bày: "Thưa tòa, lúc trả hồ sơ điều tra bổ sung, không ai làm việc với tui hết, nay ra tòa VKS nói tui gây nguy hiểm cho xã hội, cần cách ly là sao?".

Khựng lại vài giây, ông Bê nghẹn giọng: "Một số người dân nghe tui đi tù họ muốn ở tù thay tui lắm. Tui mua đất cất nhà cho họ, sợ họ gặp khó khăn tui xin giấy phép làm thủ tục luôn. Sợ lúc khó khăn họ bán không có chỗ ở, tui giữ lại 1.000 sổ hồng của họ để họ khỏi cầm cố, bán đi...".

Bị cáo cho biết, từng được các cơ quan cấp 100 bằng khen, giấy khen các loại về những việc đã làm cho xã hội. "Nếu VKS nói tui cần cách ly khỏi xã hội để không gây nguy hiểm thì tui xin tòa hủy giùm 100 cái giấy khen đi. Với lại từ nay tui không làm điều gì có ích cho xã hội nữa", ông Bê nói.

Ông Trầm Bê: 'Nhiều người muốn đi tù thay tôi'
Ông Trầm Bê trong phiên tòa năm 2018. Ảnh: Thành Nguyễn.

Là người đầu tiên thực hiện phần tự bào chữa, ông Trầm Bê phản bác ý kiến của đại diện Agribank - đề nghị tòa giao 23 sổ đỏ của Cường (10,3 ha đất ở huyện Bình Chánh, trị giá 1.000 tỷ đồng) cho ngân hàng để xử lý nợ.

Ông Bê nhận là người "hạn chế kiến thức pháp luật" nhưng cũng biết, theo quy định, ngân hàng không được mang các tài sản thế chấp, như quyền sử dụng đất, ra khỏi ngân hàng. Đằng này, Agribank lại cho Cường mượn 23 sổ đỏ (thế chấp vay tiền trước đó) mà không có biện pháp giám sát, để Cường mang sang Ngân hàng Phương Nam thế chấp vay tiếp.

"3 năm sau Agribank mới lên tiếng là quá bất hợp lý. Để xảy ra vụ án này, khiến các bị cáo phải ngồi đây, đều bắt nguồn từ việc Agribank cho Cường mượn 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu không cho mượn, hoặc cho mượn chừng một tháng rồi thu hồi thì làm sao Cường thế chấp bên ngân hàng tui được", ông Bê nói.

Khẳng định Ngân hàng Phương Nam mới bị lừa, là nạn nhân, ông Bê cho biết: "Chúng tôi cho Cường vay nắm đằng cán, có trong tay 23 sổ đỏ, có kiểm tra tài sản. Còn Agribank đưa tài sản thế chấp lại cho Cường, để Cường lừa chúng tôi".

Nguyên Phó chủ tịch Ngân hàng Phương Nam lặp lại mong muốn khắc phục hậu quả thay cho Cường 171 tỷ đồng, nhằm lấy lại 23 sổ đỏ, giải quyết dứt điểm các thiệt hại cho cả hai ngân hàng. "Chứ bản thân tui không gây thiệt hại", ông Bê nói.

Bị cáo Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Nam) cùng các cựu cán bộ ngân hàng này đề nghị tòa xem xét về khoản thiệt hại mà VKS nói họ phải liên đới với Cường bồi thường gần 320 tỷ đồng. Các bị cáo đề nghị tòa giao 23 sổ đỏ cho Sacombank để khắc phục thiệt hại cũng như xem xét các tình giết giảm nhẹ để có phán quyết hợp tình hợp lý.

Riêng bị cáo Trầm Viết Trung (cựu Giám đốc Trung tâm xét duyệt tín dụng) cho rằng mình bị truy tố oan, bởi chỉ tham gia Hội đồng tín dụng xét duyệt cho công ty của Cường vay 130 tỷ đồng trong thời hạn 6 tháng, tài sản thế chấp là 23 sổ đỏ. Việc cho vay có kèm theo các yêu cầu quản lý rủi ro chặt chẽ buộc Cường phải làm các thủ tục sang tên tài sản... trong vòng 90 ngày nếu không sẽ thu hồi nợ.

Sau khi tham gia xét duyệt khoản vay này 12 ngày sau ông làm đơn xin nghỉ việc do áp lực và bất đồng quan điểm với cấp trên. Hợp đồng ông tham gia xét duyệt được Cường tất toán cho Ngân hàng Phương Nam trước thời hạn (một tháng sau khi giải ngân) có phiếu thu và nguồn tiền do Cường dùng một tài sản khác thế chấp cho ngân hàng để trả nợ. Thiệt hại vụ án chỉ xảy ra khi lãnh đạo và nhân viên Ngân hàng Phương Nam cho Cường vay 2 hợp đồng sau bằng tiền và vàng với giá trị lớn hơn hợp đồng đầu.

Bị cáo cho rằng, quá trình điều tra Bộ Công an xác định hành vi của ông không gây thiệt hại vì hợp đồng đã tất toán nên không khởi tố. Tuy nhiên, sau nhiều lần VKS trả hồ sơ, ông lại bị khởi tố bổ sung. Bị cáo và luật sư đều đề nghị HĐXX tuyên vô tội.

Phát biểu quan điểm bảo vệ quyền lợi ích cho mình, phía Sacombank khẳng định số tiền thiệt hại 505 tỷ đồng là có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, ngân hàng này cho rằng, Dương Thanh Cường là người lừa đảo chiếm đoạt số tiền nên buộc bị cáo này phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại chứ các cán bộ ngân hàng không phải liên đới. Việc ngân hàng này cho Cường vay có tài sản thế chấp và hiện vẫn giữ 23 sổ đỏ. Nếu có sai thì chỉ là một số thiếu sót về thủ tục, chưa tới mức xử lý hình sự 9 cựu cán bộ ngân hàng này.

Người đại diện của Sacombank cũng xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho ông Bê và các cựu cán bộ của nhà băng.

Theo cáo trạng, năm 2007, Dương Thanh Cường dùng 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp vay Agribank Chi nhánh 6 khoản tiền 171 tỷ đồng. Đến năm 2008, Cường lấy cớ cần hoàn tất thủ tục sang tên khu đất, mượn lại các sổ đỏ đem sang Ngân hàng Phương Nam đề nghị Trầm Bê cho vay, chiếm đoạt 185 tỷ đồng.

Ông Bê cùng Phan Huy Khang và 7 đồng phạm biết rõ Công ty Bình Phát của Dương Thanh Cường không đủ điều kiện được cấp tín dụng nhưng vẫn đề xuất, phê duyệt cho vay. Tài sản đảm bảo (23 sổ đỏ) là đất nông nghiệp, nằm trong quy hoạch, không thể sang tên cho Công ty Thanh Phát (công ty khác của Cường), không đủ điều kiện nhận thế chấp; hợp đồng thế chấp không công chứng, không đăng ký giao dịch đảm bảo. Đến tháng 4/2010, do không có khả năng trả nợ nên Cường gán 23 sổ đỏ cho Ngân hàng Phương Nam. Thiệt hại của vụ án được xác định là 505 tỷ đồng.

VKS nhận định sai phạm của ông Bê và đồng phạm là nguy hiểm cho xã hội, cần cách ly một thời gian mới đảm bảo tính răn đe và đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Bê 6-7 năm tù.

Theo Hải Duyên (Vnexpress.net)




https://vnexpress.net/ong-tram-be-nhieu-nguoi-muon-di-tu-thay-toi-4138069.html