Tâm sự

Bố tôi yêu tiền đến bệnh hoạn

Đi đường đói bụng cũng không dám vào quán ăn bát phở, cố gắng về đến nhà vét bát cơm nguội, bảo như vậy mà an toàn.

Đi đường đói bụng cũng không dám vào quán ăn bát phở, cố gắng về đến nhà vét bát cơm nguội, bảo như vậy mà an toàn. 

Bố gần như là người chồng người cha hoàn hảo. Mẹ cũng là người phụ nữ hiểu biết, hiền lành, chịu thương chịu khó, yêu chồng, thương con. Chúng tôi đều ngoan ngoãn, học giỏi, tự lập. Với nền tảng như vậy, gia đình tôi đáng lẽ phải rất hạnh phúc. Tuy nhiên, một vài điểm yếu của bố đã làm cho cuộc sống gia đình luôn ngột ngạt, nhà tôi thuộc dạng ồn ào nhất xóm vì bố mẹ thường xuyên to tiếng bởi những chuyện "nhỏ như con thỏ". Cuộc sống của bố mẹ luôn nặng nề, trong nhà ít khi có tiếng cười và bố lúc nào cũng mang vẻ mặt u ám.

Điểm yếu lớn nhất của bố là hay nghĩ xấu về người khác, ông gần như không tin trên đời này có người tốt, kể cả những người gần ông nhất là vợ con, anh em. Tôi mời đi du lịch nước ngoài, ông bảo để suy nghĩ, sau đó từ chối vì "Sợ mẹ con mày có âm mưu gì khi tao đi vắng”. Bạn cho ông mượn tiền mua nhà, ông nói với mẹ tôi: “Phải lo thu xếp mà trả sớm cho nó, trả đủ cả gốc lẫn lãi chứ nó chẳng tốt đẹp gì đâu” (thực tế bác ấy rất tốt, cho mượn và từ chối không lấy lãi).

Bố rất thương ông bà nội, nhưng không bao giờ cho ông bà nội tiền vì sợ ông bà lại đem tiền đó cho chú út. Bố cho rằng ông bà nội không thương bố, chỉ thương chú út. Bố nói chú út chẳng thương gì ông bà, chỉ lo bòn mót thôi. Đặc biệt bố hay suy diễn ra cái xấu của người khác. Có lần một người bà con của mẹ mượn tiền đã lâu chưa trả (một khoản nhỏ), khi bố hỏi thì mẹ sợ bố giận người đó nên nói đại là họ trả rồi. Sau đó bố phát hiện ra người đó chưa trả, thế là từ đó bố cho rằng mẹ là người dối trá, không thể tin được (thực tế mẹ là người rất thật thà).

Điểm yếu thứ hai của bố là quá yêu tiền, yêu đến bệnh hoạn. Bố kiếm được nhiều tiền hơn mẹ rất nhiều, nhưng tiền làm ra bố giữ, mẹ không biết là bao nhiêu. Chi tiêu trong gia đình sử dụng lương của mẹ, khi nào thiếu mẹ mới nói bố đưa thêm, nhưng cũng rất khó khăn để bố đưa thêm vì mẹ phải giải trình tại sao thiếu và khi bố đưa tiền thường mắng mẹ không biết tiết kiệm. Mà quả thật trên đời này chắc khó có ai có thể tiết kiệm được như bố. Đi đường đói bụng cũng không dám vào quán ăn bát phở, cố gắng về đến nhà vét bát cơm nguội, bảo như vậy mà an toàn.

Bố bảo mẹ mua cái gì cũng đắt (thịt, cá, rau,…) bố mua rẻ hơn vì mẹ không biết đi chợ vào lúc chập tối, người ta bán rẻ. Bố bảo mẹ hay mua những thứ không cần thiết: cây lau nhà mua làm gì, lấy giẻ rách lau cũng được; thùng rác mua làm gì, đựng rác vào túi nilông được rồi; ca múc nước mua làm gì, lấy cái chai pet cắt ra mà múc,… Những thứ nhỏ nhặt còn như vậy thì việc sửa sang nhà cửa cho khang trang đẹp đẽ là việc xa hoa không thể tưởng tượng được. Cứ như vậy, từ xưa đến giờ bố chỉ lo tích lũy tiền, không dám chi tiêu cho bản thân và gia đình, càng không dám cho ai. Tôi không biết bố giữ tiền để làm gì. Vì yêu tiền đến thế nên các con không bao giờ dám quan tâm đến tiền của bố, chúng tôi không biết bố có bao nhiêu tiền.

Điểm yếu thứ ba của bố là khó tính, hay nhăn nhó và chẳng bao giờ hài lòng với việc gì. Bố hầu như không bao giờ khen ai. Ở nơi làm việc, bố thấy ai cũng dở hơn mình (quả thật là bố rất giỏi chuyên môn) nên vô cùng bức xúc khi thấy họ được đề bạt hay nhận lương cao hơn. Ở nhà, bố không hài lòng với thành tích học tập của các con dù chúng tôi học cũng giỏi, thi đâu đậu đấy. Bố rất dễ nổi cáu, con gà nhà hàng xóm cục tác khiến ông không ngủ được cũng có thể là lý do ông gây sự với vợ con. Vì tính hay cáu gắt của ông mà suốt mấy chục năm qua gia đình tôi chưa bao giờ có một cái tết vui vẻ.

Năm nào cũng như năm nào, 30 tết là bố mẹ cãi nhau (liên quan đến chuyện dọn nhà cửa đón tết), không khí bữa ăn trong gia đình tôi cũng hiếm khi nào vui vẻ. Bữa ăn nào bố cũng thấy có những chuyện không hài lòng và bắt đầu cằn nhằn, khi thì cơm khô quá, canh nhiều quá/ít quá, khi thì rau xào chín quá, thịt kho trắng quá (ít nước hàng quá),… thậm chí ăn sớm quá hay muộn quá cũng là vấn đề. Trong bữa ăn bố thường im lặng, mặt hằm hằm, nếu mẹ con tôi có nói chuyện gì đó thì bố bảo: “Im đi, không nói không chịu được à”. Bố cũng rất bảo thủ, luôn thấy mình giỏi và chưa bao giờ nhận ra những sai sót của bản thân.

Tính bố như vậy nên khi còn sống với bố mẹ, tôi đã mong muốn thoát ly càng sớm càng tốt. Tôi tốt nghiệp đại học và chọn làm việc xa nhà, sau đó lấy chồng và sống xa bố mẹ 15 năm nay. Em tôi cũng lập gia đình và sống cùng bố mẹ, tính bố vẫn vậy, thậm chí còn khó hơn kể từ khi nghỉ hưu. Tôi thấy thương mẹ phải chịu đựng tính khí kỳ cục của bố suốt cuộc đời, nếu là tôi thì tôi đã bỏ chạy từ lâu. Nhưng mẹ là người lạc quan, vui vẻ, thường chịu đựng bố, khi nào không chịu nổi nữa mẹ vùng lên, cãi lại bố cho bõ tức, cãi xong rồi thôi, không để bụng suy nghĩ gì. Mẹ có nhiều bạn bè, tham gia nhiều hoạt động xã hội nên thấy đời vẫn vui; người đáng thương hơn lại chính là bố.

Do tính cách của bố nên ở ngoài xã hội bố không có bạn, cũng chẳng giao lưu với hàng xóm láng giềng; các chú bác bên nội cũng không ưa bố. Bố hay than thở là đời cô độc, không ai hiểu bố, vợ con thì hùa nhau thành một phe để chống lại. Tôi thường cố gắng làm chỗ để cho bố xả stress; mỗi khi bố cãi nhau với mẹ hay không hài lòng với em, bố tâm sự với tôi. Nhiều khi bố khóc bảo số phận của mình khổ thế. Tôi thấy thương bố vô cùng nhưng chẳng biết làm sao vì chính bố tự làm khổ mình.

Khi bố tâm sự với tôi, chủ yếu là nói xấu mẹ và em, nếu tôi đồng tình với ông thì ông sẽ rất vui, thấy rằng cũng có người ủng hộ. Nhưng nếu tôi không nói gì (chỉ ậm ừ nghe) hoặc phân tích, khuyên giải là ông sẽ giận, nói tôi lại đứng về phe kia. Tôi nhiều lần khuyên bố: suy nghĩ tích cực hơn, đừng tiết kiệm nữa, cứ mỗi lần như vậy ông không những không nghe mà còn nói: “Chị còn đòi khuyên tôi nữa à, chị tưởng chị là ai”. Nhiều khi tôi nghĩ bố mắc căn bệnh tâm lý nào đó nhưng không thể thuyết phục bố đi gặp bác sĩ tâm lý được. Mong các bạn cho tôi những lời khuyên để giúp bố sống vui vẻ, hạnh phúc hơn. Xin chân thành cảm ơn.

Theo Vương Kim (VnExpress.net)