Tâm sự

Hết yêu nhưng chẳng thể bỏ vì chồng là ân nhân của cả nhà tôi

Anh bây giờ giống như đang đứng trên bờ vực thẳm, chỉ cần một cú hích nhẹ thôi là sẽ tan nát hoàn toàn.

Hết yêu nhưng chẳng thể bỏ vì chồng là ân nhân của cả nhà tôi
Ảnh minh họa

Tôi biết độc giả đã ngán ngẩm điệp khúc “tôi không nỡ bỏ chồng vì thương con” nhưng xin anh chị cho tôi những lời khuyên chân thành. Gia đình tôi từng rất nghèo, đông anh chị em, chỉ có tôi được đi học và đã tốt nghiệp đại học Mỹ thuật. Sau đó tôi kiếm được việc làm đúng ngành, nhưng anh chị em tôi thì cuộc sống rất cực nhọc mà không đủ sống do không được học hành. Em gái tôi làm công nhân may ở Bình Dương, một ngày làm 12 tiếng có khi hơn, nhưng lương chưa tới 5 triệu, quanh năm chôn vùi tuổi xuân trong xưởng may, tối mịt mới về đến căn trọ chật chội.

Tôi biết mình là hy vọng đổi đời duy nhất của gia đình vì xinh xắn lại có học, cho nên khi được một người quen giới thiệu lấy Việt kiều Mỹ tôi đã đồng ý. Phần cũng vì tôi bị bạn trai quen nhiều năm bỏ rơi khi nhà anh chê tôi nghèo, quê mùa. Trong khi đa số Việt kiều Mỹ về cưới vợ thường là những người bị vợ bỏ, già cả, hoặc không ai lấy thì chồng tôi sáng sủa, còn độc thân, có nghề nghiệp. Anh không khoe khoang mà nói rất thật hoàn cảnh bên Mỹ. Anh bảo nếu cưới tôi sang cơ hội làm nghề của tôi là hoàn toàn không vì anh sẽ không thể cho tôi đi học lại. Thứ nhất tôi đã gần 30, rất khó khăn về ngôn ngữ, cách học rất khác ở Việt Nam. Thứ hai anh không lo nổi về kinh tế cho tôi đi học. Chính phủ chỉ giúp tôi tiền học phí và mỗi học kỳ cho thêm vài ngàn đô hỗ trợ nếu thuộc diện nghèo, nhưng sẽ không đủ để anh cưu mang thêm một người lâu dài, rồi còn con cái và gia đình tôi nữa.

Tôi quyết định theo anh và giờ đã ở Mỹ được 7 năm, có 2 con trai, mở được một tiệm làm nail rất đông khách vì tôi khéo tay lại chiều khách. Tôi mua được nhà trả góp, cuộc sống vật chất không phàn nàn gì. Tôi đã vào quốc tịch Mỹ, bảo lãnh được cha mẹ sang được nửa năm, giờ bảo lãnh gia đình anh trai chị em, diện này thì phải chờ lâu khoảng hơn 13 năm. Chồng tôi cũng giúp nhờ người về cưới hộ để đưa em gái út tôi sang. Em tôi kiếm được việc làm ở một hãng điện tử gần nhà, dù chỉ làm công nhân nhưng cuộc sống rất thoải mái, làm cực nhưng đồng lương xứng đáng, lại được nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống không thiếu, muốn mua sắm gì là có thể mua, mỗi năm còn có thể đi du lịch 1-2 lần. Cha mẹ tôi từ lúc chỉ dám chạy chữa qua loa vì không có tiền khi còn ở Việt Nam, giờ sang đây được bảo hiểm chính phủ chi trả 100% và sắp tới sẽ xin được tiền già. Đôi lần tôi phải gọi cấp cứu cho cha mẹ, dù ấp úng nói tiếng Mỹ không rành, họ vẫn định vị được chỗ tôi ở và có mặt trong vòng dưới 5 phút để đưa vào nhà thương. Đến nơi thì đội ngũ y tế đã sẵn sàng chờ, nói chung họ làm việc rất bài bản và khoa học.

Nhìn những gì đã làm được cho gia đình mình là điều tôi an ủi nhất, thấy sự hy sinh của mình là đáng. Hai con trai tôi không phải lo cảnh chạy trường hay phải lấy lòng thầy cô giáo. Từ 5-6 tuổi đã được dạy phát biểu trước đám đông nên rất lanh lẹ. Hai lần sinh nở tôi được đội ngũ y tế săn sóc tận tình, họ ân cần còn hơn cả cha mẹ, anh chị ruột thịt. Như những người mới định cư khác, tôi phải nỗ lực rất nhiều, nhớ nghề, nhớ nhà, nhất là ở Mỹ đất rộng người thưa. Họ có đến 50 tiểu bang, mà mỗi tiểu bang quá rộng, đi đâu cũng phải có xe hơi hoặc phương tiện công cộng. Khi chưa biết tiếng và lái xe tôi như người câm điếc mỗi khi không có chồng bên cạnh, nhưng sau 6 tháng học lấy bằng nail thì tôi dần dần hội nhập, dù ngôn ngữ vẫn còn nhiều rào cản. Nói thật có nhiều người ảo tưởng, cho rằng vài năm sang sinh sống hay học tập ở đây là lưu loát tiếng Mỹ. Tôi chứng kiến mấy em du học sinh Việt Nam sắp ra trường đến tiệm tôi làm nail, nói bập bẹ những câu rất đơn giản với người bản xứ mà họ cũng không hiểu. Tôi kể tất cả ra đây không phải để khoe, mà để thấy rằng tôi và gia đình đã mang ơn chồng tôi đến mức nào, vì thế giờ tôi giờ lâm vào cảnh “bỏ thì thương mà vương thì tội”.

Chồng tôi từ 4 năm nay vướng vào nạn cờ bạc, anh đánh từ sáng đến tối, có khi 3 ngày liền không cần về nhà, khỏi ăn ngủ. Đến khi thua cháy túi thì tóc tai rũ rượi, người không ra người, ma không ra ma. Vì mê đỏ đen, công việc trễ nải, anh đã mấy lần mất việc, giờ cơ hội tìm lại việc càng khó hơn vì lý lịch cứ vài tháng là bị đuổi. Anh đã nhiều lần rút sạch tiền trong thẻ tín dụng để chơi, giờ anh đã khai phá sản nên luật pháp bảo vệ anh, không ai đụng đến anh được, vì thế anh không biết sợ. Những khi anh không đến sòng bạc thì là người chồng rất lãng mạn, người cha ấm áp, hai con rất quấn anh. Nhưng anh lại thua nhiều hơn thắng và rồi không khí trong nhà như ma ám.

Đỉnh điểm cách đây một tháng, con trai lớn của tôi rất hiếu động, khi thấy anh nằm trên ghế đã đến leo lên đầu cổ anh để chơi, vì mới thua bạc anh đã tát cháu một cái trời giáng. Sáng hôm sau cháu đến trường với vết bầm trên má trái đã bị cô giáo hỏi và nhà trường gọi cảnh sát đến. Không thể kể hết nỗi nhục nhã, ê chề, sợ hãi của tôi vì lần đầu dính với nhà chức trách. Tôi cảm giác như mình là một người mẹ tồi tệ đã bạo hành con khi 4 người cảnh sát đã thẩm vấn riêng rẽ tôi và chồng tôi ngay trưa hôm đó, rồi họ còn gọi thêm người tư vấn tâm lý con nít đến tách riêng con trai tôi ra để hỏi. Họ hỏi đi hỏi lại tôi đây là lần thứ mấy anh đánh con? Anh có bao giờ đánh tôi? Tôi đã làm gì để bảo vệ con mình?

Thật ra đã mấy lần anh xô tôi ngã khi không đưa tiền anh đánh bạc, nhưng tôi phải nói dối là anh không hề bạo hành tôi hay con vì sợ anh bị bỏ tù. Nghe đâu bên Mỹ có tội “quá tam ba bận”, bất kể tội nặng hay nhẹ, chỉ cần vào tù lần thứ ba sẽ bị án chung thân. Sau một hồi họ cho chúng tôi về cùng với lời cảnh cáo nếu còn có lần sau thì không phải chỉ chồng tôi mà cả tôi cũng phải ra tòa và sẽ mất quyền nuôi con, đại khái là như thế (qua một chị thông dịch lại cho tôi). Tôi đối với chồng từ bắt đầu đã không có tình cảm sâu sắc, lại thêm những gì anh làm trong những năm qua khiến tôi hoàn toàn không còn tình yêu gì cả mà chỉ là lòng thương hại. Anh bây giờ giống như đang đứng trên bờ vực thẳm, chỉ cần một cú hích nhẹ thôi là sẽ tan nát hoàn toàn.

Tôi muốn ly dị nhưng lại sợ đẩy anh vào đường cùng, một người không chỉ là chồng, là cha các con tôi, mà còn là ân nhân đối với gia đình tôi. Thật ra nếu không vì cờ bạc thì anh là người đàn ông tốt. Tôi đã nhìn thấy nhiều người vô gia cư gần góc đường nơi tiệm nail tôi mở. Tất cả họ đều là vì tệ nạn mà ra cảnh đó, chứ bên đây không chết đói được. Từ bê tha đến mất việc, mất chỗ ở, không gia đình và trở thành vô gia cư, cứ ai cho họ tiền xong, là họ giãn ra chỗ khác mua rượu, thuốc lá, bài bạc, hay thuốc phiện. Mùa đông tới, chính phủ lại cho người đi gom họ vào những nhà nuôi người vô gia cư, nhưng họ cứ sống như vậy vì không bỏ được tệ nạn. Tôi không muốn chồng mình biến thành như thế.

Chồng tôi là trẻ mô côi, cha mẹ anh em đã chết trên biển từ nhiều năm trước, anh đến Mỹ được là nhờ một gia đình Mỹ nhận nuôi, nhưng giờ cha mẹ nuôi đã rất già và mất liên lạc. Cũng nói thêm từ khi sang Mỹ, tôi có 2 lần về Việt Nam và gặp lại người yêu cũ, anh có vợ con nhưng đã ly dị, anh nói là vì tôi nên không thể toàn tâm với vợ. Tôi tưởng sẽ rất hận anh nhưng khi gặp lại mới nhận thấy tình cảm chưa hề thay đổi. Tôi đã, đang và luôn yêu anh rất nhiều. Mẹ anh cũng gặp tôi và nói lời xin lỗi, bà nói khi xưa vì không hiểu hết con người tôi nên mới ngăn cấm, giờ thấy anh vẫn luôn yêu tôi như vậy, tôi lại giỏi giang nên không cản nữa.

Gia đình anh giờ rất chào đón tôi, anh cũng nói sẵn sàng theo tôi sang Mỹ làm lại và mang theo con riêng anh nữa. Xin đừng hiểu lầm tôi không phải vì người cũ mà muốn bỏ chồng, vì nếu chỉ cần đàn ông thì ở Mỹ dù tuổi nào cũng có thể kiếm một người đàn ông chăm sóc cho mình, nhưng tôi không phải là người “tham phú phụ bần”. Tôi phải làm sao để trọn đạo nghĩa với chồng khi không còn tình yêu thương gì nữa? Tôi có nên cho người cũ một cơ hội khi anh đã ly dị và tôi vẫn còn yêu? Tôi cũng lo việc con chung con riêng. Xin cám ơn.

Theo Nga (VnExpress.net)