Thế giới

5 điều nổi bật về lễ Duyệt binh Chiến thắng Nga

Tranh cãi về tên lửa thật hay giả và lễ duyệt binh đầu tiên không diễn ra vào tháng 5 là những thông tin thú vị về sự kiện kỷ niệm chiến thắng phát xít của Nga.

Lễ duyệt binh đầu tiên không diễn ra vào tháng 5

5 điều nổi bật về lễ Duyệt binh Chiến thắng Nga
Lễ Duyệt binh Chiến thắng đầu tiên diễn ra vào ngày 24/6/1945. Ảnh: TASS.

Mặc dù ngày 9/5 hàng năm được Nga và nhiều nước thuộc Cộng đồng Các quốc gia Độc lập (SNG) xem là ngày chiến thắng phát xít Đức, nhưng lễ Duyệt binh Chiến thắng đầu tiên lại diễn ra vào ngày 24/6/1945. 

Lễ Duyệt binh Chiến thắng bị hủy bỏ trong giai đoạn 1949-1964 và chỉ được nối lại vào năm 1965, khi lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev tuyên bố ngày 9/5 là quốc lễ và ra lệnh tổ chức một cuộc duyệt binh.

Sau khi Liên Xô tan rã, các cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng không được tổ chức. Đến năm 1995, truyền thống duyệt binh được khôi phục nhưng không có sự tham gia của các phương tiện quân sự. Chỉ đến năm 2008, các phương tiện cơ giới và khí tài quân sự mới tiếp tục tham gia duyệt binh, trong đó có chiến đấu cơ.

Cờ chiến thắng chỉ được treo một lần ở Quảng trường Đỏ

5 điều nổi bật về lễ Duyệt binh Chiến thắng Nga - 1
Quốc kỳ Nga và cờ Chiến thắng tại lễ duyệt binh 2018. Ảnh: TASS.

Lá cờ chiến thắng nổi tiếng từng được Hồng quân Liên Xô treo trên nóc tòa nhà quốc hội Đức Reichstag ở Berlin năm 1945 chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong cuộc duyệt binh ở Quảng trường Đỏ và không phải vào năm 1945.

Ban đầu, 4 người lính treo cờ chiến thắng trên tòa nhà Reichstag được giao nhiệm vụ mang cờ đến cuộc duyệt binh năm 1945. Tuy nhiên, 4 binh sĩ này chỉ quen chiến đấu, không được huấn luyện về diễu duyệt đội ngũ. Các lãnh đạo Liên Xô cho rằng ngoài những người này, không còn ai khác phù hợp mang lá cờ đến cuộc diễu binh nên lá cờ nổi tiếng đã không xuất hiện trong sự kiện năm 1945.

Đến năm 1965, 4 người lính nói trên đã mang bản gốc cờ chiến thắng tới duyệt binh. Kể từ đó, cờ chiến thắng được bảo quản đặc biệt và không được đưa tới lễ duyệt binh thêm lần nào nữa. Cờ chiến thắng tham gia duyệt binh hiện nay đều là các bản sao.

Tranh cãi về tên lửa hạt nhân tham gia duyệt binh

Có nhiều tranh cãi liên quan đến việc các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) tham gia duyệt binh là thật hay giả. Nhiều người cho rằng tên lửa Topol-M và các ICBM được đưa tới tham gia duyệt binh đều là mẫu khí tài thật, có thể được phóng ngay từ Quảng trường Đỏ trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp.

5 điều nổi bật về lễ Duyệt binh Chiến thắng Nga - 2
Mô hình ICBM trong lễ duyệt binh năm 1965. Ảnh: TASS.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc đưa tên lửa thật đến Moskva là rất nguy hiểm. Trong cuộc duyệt binh năm 1965, lần đầu tiên lãnh đạo Liên Xô Khrushchev đưa các ICBM tới tham gia duyệt binh, nhưng chúng chỉ xuất hiện một lần duy nhất và không bao giờ được đưa vào sử dụng. Khrushchev có thể đã sử dụng mô hình tên lửa để gây ấn tượng về sức mạnh Liên Xô với các nước phương Tây thời điểm đó.

Dù vậy, theo trang Rossiyskaya Gazeta, tên lửa sử dụng trong các cuộc diễu binh hiện nay trông khá chân thật.

52 lãnh đạo quốc gia dự Duyệt binh Chiến thắng năm 1995

Năm 1995, Tổng thống Liên bang Nga Boris Yeltsin tổ chức cuộc duyệt binh đầu tiên kể từ khi Liên Xô tan rã với sự tham dự của lãnh đạo 52 quốc gia, bao gồm tổng thống Mỹ Bill Clinton, tổng thư ký Liên Hợp Quốc Boutros Boutros-Ghali và thủ tướng Trung Quốc Giang Trạch Dân.

5 điều nổi bật về lễ Duyệt binh Chiến thắng Nga - 3
Tổng thống Mỹ Bill Clinton tham dự lễ duyệt binh năm 1995 tại Moskva. Ảnh: Sputnik.

Các phương tiện cơ giới quân sự không tham gia duyệt binh ở Quảng trường Đỏ, thay vào đó, các cựu binh đại diện cho tất cả trung đoàn đã chiến đấu trong Thế chiến II diễu hành trên quảng trường. Đi cùng họ là các quân nhân và học viên trẻ.

Trong khi đó, phương tiện quân sự tổ chức duyệt binh riêng rẽ tại Poklonnaya, một đài tưởng niệm lớn dành riêng cho cuộc Chiến tranh Vệ quốc, nằm cách Điện Kremlin 9 km.

Lực lượng Đồng minh tham gia duyệt binh lần đầu năm 2010

Lực lượng từ các nước Mỹ, Anh, Pháp và Ba Lan thuộc phe Đồng minh trong Thế chiến II lần đầu tham gia duyệt binh ở Quảng trường Đỏ vào năm 2010. Ngoài các quốc gia phương Tây, quân nhân từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô như Azerbaijan, Armenia, Belorussia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, Ukraine và Moldova cũng từng tham gia cuộc duyệt binh.

Trước năm 2010, lực lượng Đồng minh chỉ tham gia Lễ Duyệt binh Chiến thắng được tổ chức vào ngày 7/9/1945 ở Berlin, theo sáng kiến ​​của Nguyên soái Georgy Zhukov. Khi đó, Liên Xô, Pháp, Anh và Mỹ tham gia cuộc duyệt binh cùng nhau.

Theo Huyền Lê (VnExpress.net)