Thế giới

Ấn Độ chính thức từ chối "tuyệt phẩm Rafale" vì quá đắt!

Sau nhiều lần đàm phán, Ấn Độ vừa tuyên bố chính thức loại bỏ máy bay Rafale ra khỏi kế hoạch hiện đại hóa không quân của họ

Sau nhiều lần đàm phán, Ấn Độ vừa tuyên bố chính thức loại bỏ máy bay Rafale ra khỏi kế hoạch hiện đại hóa không quân của họ
Hết cơ hội cho "tuyệt phẩm" nước Pháp
 
Ấn Độ vừa tuyên bố rằng thoả thuận mua 126 máy bay chiến đấu đa nhiệm (MMRCA) Rafale từ hãng sản xuất máy bay Dasault của Pháp đã “thực sự kết thúc”. Nguyên nhân là do chi phí quá cao của toàn bộ dự án, theo tờ Business Standard của Ấn Độ.
 
Dự án mua 126 chiến đấu cơ đa nhiệm tầm trung Rafale là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Ấn Độ muốn kí thoả thuận dựa trên kiểu tính toán chi phí dựa trên chu kì sản phẩm (LCC). Điều này có nghĩa là Ấn Độ sẽ không mua máy bay dựa theo mức giá bán thấp nhất, mà thay vào đó nước này sẽ cân nhắc cả đến các chi phí bảo trì, chi phí vận hành và hoạt động trong suốt vòng đời từ 30 đến 40 năm của sản phẩm.
 
Như thoả thuận ban đầu, 18 trên tổng số 126 chiến đấu cơ Rafale sẽ được mua trực tiếp từ Dassault, trong khi công ty Hindustan Aeronautics Limited (HAL) của Ấn Độ sẽ tự sản xuất 108 chiếc còn lại dưới sự cấp phép của Paris, tại thành phố Bangalore.
 
Việc Rafale chiến thắng trong đấu thầu cho thấy chiếc máy bay này hiện đại, đáp ứng được những nhu cầu của New Delhi về quốc phòng. Tuy nhiên, giá thành của một chiếc chiến đấu cơ thế hệ 4 này lên tới 90 triệu USD (năm 2012), trong khi đó, Su-35 là tiêm kích thế hệ 4++ của Nga mới có 60 triệu USD.
 

Chiến đấu cơ đa nhiệm Rafale của Pháp

 
Ngoài ra, bản thân Ấn Độ chưa hề có các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng, hoặc có kinh nghiệm chế tạo linh kiện các dòng máy bay châu Âu, vì thế những công tác duy trì hoạt động sau nay của chiếc máy bay là cả một công việc khó khăn, tốn kém.
 
Nguyên nhân tiếp theo khiến thương vụ này có nguy cơ đổ vỡ xuất phát từ loại tên lửa không đối đất dẫn đường bằng laser AASM Hammer, do công ty SAMP nghiên cứu, chế tạo và sản xuất. Đây là loại tên lửa sử dụng phương thức dẫn đường GPS/INS ở giai đoạn giữa, kết hợp với đầu dẫn tên lửa laser bán chủ động ở đoạn cuối đường bay.
 
Tuy đây là loại tên lửa có độ chính xác rất cao, nhưng do những sai lầm trong định hướng sử dụng từ khi xây dựng kế hoạch nghiên cứu, tên lửa AASM chỉ có thể sử dụng trên các máy bay của Pháp và Rafale cũng chỉ sử dụng được loại tên lửa kiểu này.
 
Do đó, nếu Ấn Độ mua Rafale thì nước này không thể sử dụng loại tên lửa nào khác ngoài tên lửa do Pháp sản xuất. Điều này làm Rafale giảm tính cạnh tranh so với các máy bay chiến đấu Nga, Mỹ có thể sử dụng nhiều loại tên lửa thuộc các kiểu khác nhau.
 
Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, nguyên nhân chính có thể giải thích cho sự 'đóng băng' của bản hợp đồng này trong suốt hơn 2 năm qua là do khúc mắc trong vấn đề chuyển giao công nghệ theo điều khoản trong hợp đồng.
 
Phía Ấn Độ thì cho rằng, Rafale là loại máy bay chiến đấu có nền tảng công nghệ tiên tiến cùng với hệ thống điện tử, dẫn đường, vũ khí rất hiện đại, đòi hỏi trình độ rất cao của ngành chế tạo, lắp ráp máy bay.
 

Tiêm kích Rafale của Pháp vẫn chưa bán được chiếc nào ra nước ngoài. Tuy nhiên Pháp vừa ký hợp đồng với Ai Cập, có thể mở ra cơ hội xuất khẩu Rafale

 
Bởi vậy, Chính phủ Ấn Độ và Bộ Quốc phòng nước này nhất quyết đòi đối tác Pháp phải chịu trách nhiệm kỹ thuật cho số máy bay do Công ty trách nhiệm hữu hạn hàng không Ấn Độ là HAL lắp ráp. Công ty Dassault chấp nhận phương án này, tuy nhiên, không muốn nhận trách nhiêm về chất lượng của 108 chiếc máy bay sản xuất tại Ấn Độ, điều có thể làm tăng tổng chi phí của cả dự án nếu có bất kì vấn đề nào xảy ra.
 
Cuối cùng thì Pháp buộc phải chia tay với bản hợp đồng béo bở. Còn Ấn Độ tiếp tục cuộc hành trình tìm cái tên thay thế.
 
Ai sẽ thay Rafale của Pháp?
 
Sau khi có dấu hiệu trục trặc của thương vụ mua bán Rafale, chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon được đánh giá là mẫu máy bay thay thế tiềm năng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, Eurofighter Typhoon cũng có giá không hề rẻ, bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar cho biết, theo nguyên tắc đấu thầu mà nước này đưa ra từ đầu, loại máy bay về thứ 2 sẽ không thể được chấp nhận làm sản phẩm thay thế.
 
Bộ trưởng Parrikar gần đây tiết lộ rằng chiến đấu cơ Sukhoi Su-30MKI, đã từng được sản xuất bởi Hindustan Aeronautics Limited (HAL) tại nhà máy Nashik, có thể là loại máy bay thích hợp thế chỗ cho Rafale, trang IndiaSpend đưa tin.
 
Su-30MKI hiện đang là mẫu chiến đấu cơ hiện đại nhất và là xương sống của Không quân Ấn Độ. Tuy không có công nghệ cao như Rafale, nhưng giá bán của nó chỉ bằng gần một nửa của chiếc máy bay đến từ Pháp.
 
Không quân Ấn Độ đã kí thoả thuận đầu tiên với chính phủ Nga vào năm 1996, trong đó mua 8 chiến đấu cơ Su-30K và 32 tiêm kích đa nhiệm Su-30MK. Ấn Độ, sau đó, đã mua thêm 10 chiếc Su-30MK khác vào tháng 12-1998.
 
Ngoài ra, Su-30MKI có thể phù hợp với những yêu cầu mà chính phủ Ấn Độ đặt ra như việc đa nhiệm, mang được nhiều loại vũ khí, dễ bảo dưỡng sửa chữa... Đồng thời, Ấn Độ đã có sẵn một loạt cơ sở sửa chữa, chế tạo linh kiện, thiết bị, và toàn máy bay của dòng tiêm kích Nga, vì thế mọi thứ đã cho thấy Nga mới là người đang giành lợi thế.
 
Theo Việt Dũng (Đất Việt)