Thế giới

Bi kịch của những nữ nhân viên massage gốc Á ở Mỹ: Vùng vẫy đến tuyệt vọng trong sự thù ghét, coi khinh của cả xã hội để rồi trả giá bằng mạng sống

Vụ xả súng hàng loạt tại Atlanta mới đây đã làm bật lên sự yếu thế của những phụ nữ châu Á làm việc trong các tiệm massage ở Mỹ. Nhưng điều mà họ đối mặt không chỉ là sự áp bức có hệ thống mà còn là sự thù ghét nhắm vào từng cá nhân.

(Bài viết của Zhou Shuxuan - học giả người Trung Quốc về nữ quyền và là một trong những người sáng lập dự án tiếp cận các tiệm massage ở Mỹ)

Trên các phương tiện truyền thông chính thống của Mỹ thường khắc họa những phụ nữ làm việc tại tiệm massage - phần lớn là người nhập cư từ Hàn Quốc, Việt Nam và vài năm gần đây là Trung Quốc - như là những nạn nhân của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia. 

Nhưng khi tôi đề cập đến định kiến đó với Lily - một nhân viên làm việc tại tiệm massage người Hoa trên khu phố Tàu ở Seattle, cô ấy đã rất giận dữ. “Thật là bọn cặn bã!”, Lily nói, “Họ chẳng biết mình đang nói về điều gì cả. Họ nghĩ rằng tất cả người Trung Quốc đều sống ở thời trung cổ hay sao?”.

Vụ xả súng hàng loạt gần đây tại thành phố Atlanta khiến cho 8 người thiệt mạng, 6 trong số đó là phụ nữ gốc Á, đã tạo nên một tiếng vang trong khắp cộng đồng AAPI (cộng đồng người Mỹ gốc Á và người dân tại các đảo Thái Bình Dương) và đã gây ra nhiều cuộc biểu tình trên khắp đất nước. Vụ xả súng cũng làm cho các phụ nữ đang làm việc trong tiệm massage tại Mỹ bỗng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận theo một cách tiêu cực, không chỉ bản thân họ mà cả nghề nghiệp của họ cũng bị đem ra bêu xấu.

Dĩ nhiên, những thứ nêu trên đều không có gì mới mẻ. Nạn bạo lực đối với cộng đồng AAPI, đặc biệt là những người nhập cư thuộc tầng lớp trung lưu hoặc thấp hơn, không chỉ mới bắt đầu từ đại dịch. Đã từ lâu, thợ massage nữ gốc Á luôn là đối tượng của nạn bạo lực có hệ thống nhưng hầu như họ đều bị xã hội phớt lờ.

Ngay cả các cuộc biểu tình phản đối bạo lực và kỳ thị người gốc Á gần đây cũng xoay quanh những đối tượng là nhân viên nữ ở tiệm massage. Tuy vậy, chúng ta đều không thể nhận thức rõ được gốc rễ của vấn nạn bạo lực này cho đến khi chúng ta học cách nhìn nhận về họ cũng như hiểu được cuộc sống mà họ trải qua. 

Bi kịch của những nữ nhân viên massage gốc Á ở Mỹ: Vùng vẫy đến tuyệt vọng trong sự thù ghét, coi khinh của cả xã hội để rồi trả giá bằng mạng sống
Một buổi tưởng niệm các nạn nhân trong vụ xả súng vào tiệm massage (Ảnh: Zhou Shuxuan)

Đánh cược vào "giấc mơ Mỹ"

6 năm về trước, Lily nhập cư vào Mỹ và từng sống tại cả Washington và California, hai bang có cộng đồng người Hoa rất lớn. Là một bà mẹ đơn thân, cô đã dành hai thập kỷ làm công việc văn phòng tại Trung Quốc. Đến cuối cùng, cô nhận ra rằng suốt thời gian đó, thu nhập vẫn giậm chân tại chỗ trong khi các chi phí nhà ở và sinh hoạt ngày càng đội lên cao, ngay cả ở những thành phố nhỏ.

Sau khi đứa con trai duy nhất vào đại học vào năm 2015, Lily quyết định bay sang Mỹ với visa du lịch, mà theo cách nói của cô là “đi đào vàng”. Mục tiêu của Lily chính là tìm cách kiếm tiền trả học phí và đặt cọc mua cho con trai một căn nhà.

Một nhân viên ở tiệm massage khác tại Seattle, Xixi, đã đưa con gái đến Mỹ, bỏ lại chồng ở Trung Quốc. Trong khi con gái tham gia các lớp học ngoại ngữ để chuẩn bị vào đại học thì Xixi tìm kiếm cơ hội làm việc trong cộng đồng người Hoa ở địa phương.

Sau khi đi phỏng vấn ở nhiều công ty khác nhau, Xixi phát hiện ra, cô cũng như Lily hay nhiều người nhập cư Trung Quốc khác, đều có hạn chế lớn về vốn tiếng Anh. Điều này có nghĩa là ngay cả công việc tại các nhà hàng hay tiệm tạp hóa người Hoa, cô cũng khó xin được việc. Cho dù có thì khối lượng công việc ở đây cũng vô cùng căng thẳng, chưa kể đến những người chủ hà khắc và mức lương cực kì thấp.

Những phụ nữ như Lily, Xixi, những người đã từng là nhân viên lành nghề với thâm niên hàng chục năm tại Trung Quốc, giờ đây phải vật lộn để thích nghi với điều kiện khó khăn như thế.

Bi kịch của những nữ nhân viên massage gốc Á ở Mỹ: Vùng vẫy đến tuyệt vọng trong sự thù ghét, coi khinh của cả xã hội để rồi trả giá bằng mạng sống - 1

Cũng vì vậy, số người quyết định đăng ký theo khóa học massage trị liệu để làm việc tại các cơ sở massage do người Trung Quốc sở hữu ngày càng nhiều. Tìm việc làm tại những tiệm này thường không quá khó, ngay cả với người không có trình độ tiếng Anh, bởi hầu như việc tương tác với khách đều có kịch bản sẵn. Do đó, các tiệm massage trở thành bến đỗ an toàn cho nhiều người nhập cư châu Á tuổi trung niên, hoặc những người không có tâm huyết để học thêm một thứ ngôn ngữ mới.

Nhiều nhân viên tiệm massage cho biết họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn, đồng thời có được sự tự do hơn so với công việc khác. Mặc dù giờ làm việc trung bình ở tiệm thường đến 12 tiếng/ngày, 6 ngày/tuần, nhưng các nhân viên chỉ bận rộn khi có khách đến. 

Trong thời gian rảnh rỗi, họ có thể xem tivi, nói chuyện với bạn bè và gia đình qua iPad hoặc điện thoại. Hơn thế nữa, chủ tiệm massage cũng không thường xuyên có mặt ở tiệm nên họ càng có không gian thoải mái hơn.

Tuy nhiên, chính sự tự do này cũng mang lại rủi ro. Các tiệm massage của người Hoa luôn là mục tiêu cho các vụ trộm cướp. Đặc biệt là kể từ lúc đại dịch xuất hiện trên toàn cầu, các chủ doanh nghiệp cắt giảm số lượng lớn nhân viên và chỉ để lại một người trông nom cửa hàng, càng làm cho họ trở thành đối tượng tấn công yếu ớt cho bọn tội phạm.

Bi kịch của những nữ nhân viên massage gốc Á ở Mỹ: Vùng vẫy đến tuyệt vọng trong sự thù ghét, coi khinh của cả xã hội để rồi trả giá bằng mạng sống - 2
Buổi tưởng niệm tại Seattle với rất nhiều hoa tươi được tổ chức vào tháng 3/2021 (Ảnh: Zhou Shuxuan)

Sự kỳ thị và áp bức có hệ thống 

Các nhân viên và chủ tiệm massage có thể gọi cảnh sát bảo vệ mình nhưng phần lớn trong số họ đều sẽ chọn cách im lặng. “Cảnh sát hoàn toàn vô dụng. Việc báo cảnh sát chỉ làm mất thời gian thêm mà thôi”, Chang nói với tôi.

Chang là một phụ nữ trung niên với chất giọng đặc sệt của vùng Đông Bắc Trung Quốc. Khoảng 20 năm trước, cô bị cho thôi việc tại một công ty quốc doanh lớn. Trải qua nhiều năm vật lộn trong thị trường việc làm khó khăn, nhất là với một phụ nữ bắt đầu có tuổi, Chang quyết định đánh cược bằng việc di cư đến Mỹ. Giờ đây ở tuổi 50, tiệm massage nơi cô làm việc từng nhiều lần bị cướp, nhưng mỗi lần cô gọi điện cho cảnh sát, cô đều có cảm giác mình đang bị họ bắt nạt.

Rất nhiều nhân viên massage mà tôi từng nói chuyện đều không có lòng tin ở lực lượng thực thi pháp luật. Họ nói rằng cảnh sát luôn xem thường, coi họ là nạn nhân của bọn buôn người, là kẻ nhập cư không giấy tờ, hành nghề mại dâm trái phép hoặc là dân châu Á kém hiểu biết với vốn tiếng Anh hạn hẹp… dù thế nào đi nữa, chắc chắn không phải là những “công dân tử tế”, không đáng nhận được sự bảo vệ.

Thực tế, các cơ sở massage vẫn cung cấp dịch vụ tình dục từ A-Z để chiều theo nhu cầu khác nhau của khách. Nhưng không phải ở đâu cũng thế, và cho dù như thế, không ai cần phải chứng minh bản thân mình không hành nghề mại dâm chỉ để đủ điều kiện được bảo vệ khỏi bạo lực hay ngược đãi.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký đạo luật chống buôn bán tình dục qua mạng vào năm 2018, lực lượng cảnh sát càng nỗ lực hơn trong việc truy quét ngành công nghiệp này. Họ đột kích các tiệm massage lớn ở phố người Hoa trên toàn quốc, họ giam giữ - hay như thuật ngữ yêu thích của cảnh sát là họ đã “giải cứu” được hơn 200 người Trung Quốc.

Bi kịch của những nữ nhân viên massage gốc Á ở Mỹ: Vùng vẫy đến tuyệt vọng trong sự thù ghét, coi khinh của cả xã hội để rồi trả giá bằng mạng sống - 3

Tại Seattle, cảnh sát đã đột kích vào 11 tiệm massage và “giải cứu” được 26 phụ nữ Trung Quốc khỏi một đường dây “buôn bán tình dục”, theo các phương tiện truyền thông đưa tin, dẫn lời cơ quan thực thi pháp luật địa phương. 

Tuyên bố đó trở thành tiêu đề lớn của truyền thông nhưng sự thật lại không ai bị truy tố vì tội buôn người cả. Các chủ tiệm massage bị buộc tội hoạt động mại dâm và rửa tiền, sau đó nộp tiền phạt và phải chịu các biện pháp quản chế. Mặt khác, những nhân viên nữ được “giải cứu” thì bị mất việc làm và nhà ở. Nhiều người bị tịch thu hết số tiền tiết kiệm ít ỏi và những đồ đạc khác.

Câu chuyện này đã lặp đi lặp lại trong nhiều thập kỷ qua, càng lúc sự kỳ thị và tàn nhẫn đối với nhân viên massage gốc Á càng trở nên sâu sắc. Khác hoàn toàn với định nghĩa “giải cứu”, cuộc sống của những phụ nữ này ngày một nguy hiểm. 

Khi nhiều nhân viên phải phụ thuộc vào sự bảo vệ của chủ tiệm sẽ khiến cho việc bóc lột sức lao động trở nên khó kiểm soát. Tất cả những câu chuyện này góp phần vào mạng lưới bạo lực và kỳ thị, dẫn đến việc xả súng của Robert Aaron Long nhắm vào ba tiệm massage châu Á, cướp đi sinh mạng của 8 người vào tháng trước.

Bi kịch của những nữ nhân viên massage gốc Á ở Mỹ: Vùng vẫy đến tuyệt vọng trong sự thù ghét, coi khinh của cả xã hội để rồi trả giá bằng mạng sống - 4
Nhiều cuộc biểu tình chống lại làn sóng kỳ thị người gốc Á đã diễn ra trên khắp nước Mỹ (Ảnh: Zhou Shuxuan)

Công bằng nào cho những nhân viên massage gốc Á?

Một ngày sau vụ nổ súng, 8 tình nguyện viên từ tổ chức hỗ trợ của chúng tôi đã đến thăm 12 tiệm massage tại phố người Hoa ở Seattle. Câu trả lời phổ biến mà chúng tôi nghe được là “Tôi sợ hãi” và “Chúng tôi sẽ khóa cửa sớm hơn vào ban đêm”.

Lily có vẻ cởi mở hơn một chút. Cô ấy đã nói chuyện với chúng tôi suốt 20 phút về những nguyên nhân dẫn đến bạo lực nhắm vào cộng đồng AAPI, cô bày tỏ sự thất vọng về “giấc mơ Mỹ” cũng như nền dân chủ xứ cờ hoa sau 6 năm sinh sống tại đây. 

Cô thẳng thắn nói về sự tức giận của mình đối với những người nhập cư gốc Á đã vươn lên được tầng lớp trung lưu nhưng ngay sau đó họ quay lại đạp thẳng vào những người khác đang vẫn còn vùng vẫy trong bùn đen.

Đối với vấn đề chính trị và kinh tế của Mỹ, Lily tuyên bố rằng quyền tối cao của người da trắng và các chính sách của quốc gia đang cấu kết để đàn áp những người lao động da màu đang nỗ lực đấu tranh để tồn tại trong xã hội.

Vụ việc tấn công ở Atlanta không chỉ là về một kẻ giết người đơn lẻ hay định kiến về chủng tộc của hắn, mà nó phản ánh sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng phổ biến từ lâu đã vượt ngoài tầm kiểm soát xảy ra hàng ngày trong xã hội Mỹ. 

Ngay cả bây giờ, nhiều người trong cộng đồng AAPI đều muốn khẳng định họ là công dân hợp pháp, tuân thủ luật pháp, rằng họ xứng đáng được bảo vệ. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao ai đó lại bị loại bỏ khỏi sự bảo vệ của pháp luật? 

Liệu luật pháp, thể chế và các nhân viên chấp pháp mà họ đang cầu khẩn có thực sự công bằng và chính đáng hay không? Việc có thêm nhiều chính sách mới có phải là câu trả lời giải quyết được vấn đề? Đối với những con người yếu thế và dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng chúng ta, câu trả lời dường như là không.

Theo Song Kỳ (Pháp luật & Bạn đọc)




https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/bi-kich-cua-nhung-nu-nhan-vien-massage-goc-a-o-my-vung-vay-den-tuyet-vong-trong-su-thu-ghet-coi-khinh-cua-ca-xa-hoi-de-roi-tra-gia-bang-mang-song-162210704200609427.htm