Thế giới

Chuyện tình vượt thời gian của cặp vợ chồng Hàn - Triều

Sau khi chiến tranh Triều Tiên khiến hai vợ chồng phải ly tán, người vợ đã ở vậy nuôi con suốt 65 năm và luôn tin rằng một ngày nào đó, chồng của bà sẽ trở về.

Sau khi chiến tranh Triều Tiên khiến hai vợ chồng phải ly tán, người vợ đã ở vậy nuôi con suốt 65 năm và luôn tin rằng một ngày nào đó, chồng của bà sẽ trở về.

Cụ Lee Soon Kyo (trái) xúc động khi gặp lại người chồng Oh Se In (phải). Ảnh: SCMP

Từ ngày 20/10, khoảng 400 người Hàn Quốc, chủ yếu là người già, bắt đầu 3 ngày đoàn tụ với người thân ly tán từ khi chiến tranh Triều Tiên chia cắt bán đảo này thành hai miền: nam và bắc.

Tại khu nghỉ dưỡng núi Kim Cương, họ diện những bộ đồ trang trọng mang theo thuốc men, đồ lưu niệm hay tiền mặt để làm quà cho những người thân sống tại miền bắc.

65 tuổi mới lần đầu gọi Cha

Cụ Lee Soon Kyo, 85 tuổi, sống tại Hàn Quốc, xúc động khi gặp lại người chồng Oh Se In, 83 tuổi, sống tại Triều Tiên. Trong ánh đèn flash, cụ Oh xuất hiện với bộ vest lịch lãm.

Lần cuối cùng hai cụ gặp nhau là vào tháng 9/1950, khi đó, cụ Lee 19 tuổi và đang mang thai 6 tháng. Sau 65 năm, hai cụ và cậu con trai Oh Jang Kyu, 65 tuổi, mới có dịp gặp mặt.

“Hãy đến ngồi gần tôi”, cụ Oh nói với vợ. Cụ ngồi giữa vợ và con trai, nắm lấy tay họ. Có lẽ bởi tuổi già, có lẽ bởi hội trường quá đông nên ông cụ 83 tuổi phải cố gắng lắng nghe từng lời mà vợ con nói.

Tuy nhiên, đó không phải là điều quan trọng. Họ hạnh phúc bởi họ là một trong 96 gia đình người Hàn Quốc may mắn tham gia cuộc đoàn tụ này, trong số hơn 66.000 người Hàn Quốc muốn tham gia.

“Ơn trời, ông vẫn còn sống”, cụ Lee nói. Kể từ ngày đó, cụ vẫn sống trong ngôi nhà của họ và không tái hôn. Cụ Lee luôn hy vọng rằng chồng cụ sẽ có ngày trở về.

Cụ tặng chồng một chiếc đồng hồ đơn giản có khắc tên của họ. “Ngày xưa, chiếc đồng hồ là tài sản lớn tại các vùng nông thôn. Tôi luôn ân hận rằng đã không thể tặng ông một chiếc”, cụ Lee nói khi đeo nó vào cổ tay của chồng.
 

Cụ Oh (trái) và con trai (phải) ôm nhau trong lần đầu gặp gỡ.

Ông Oh, con trai của hai cụ, từng chia sẻ với các phóng viên rằng ông muốn một lần trong đời được gọi cha. Và tiếng gọi ấy đã cất lên ngay khi ông nhìn thấy cụ Oh.

“Con luôn cố gắng sống thật tốt để cha có thể tự hào về con”, ông nói và khóc.

Cụ Oh, người đeo huy hiệu in hình hai nhà cựu lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành và Kim Jong Il trên ngực, dường như không biết nói gì hơn. Cụ vỗ nhẹ vào lưng vợ và nhìn con trai. Khuôn mặt của hai người rất giống nhau.

“Tất cả là do chiến tranh”, cụ Oh nói và nắm lấy tay vợ.

Sống cách nhau chỉ vài km nhưng không thể liên lạc

Cụ Koo Sang Yun, 98 tuổi, là người cao tuổi nhất trong số những người Hàn Quốc đến tham dự sự kiện lần này. Cụ mang theo hai đôi giày truyền thống màu đỏ để tặng cho hai người con gái của cụ là Sung Ja, 71 tuổi, và Sun Ok, 68 tuổi. Khi bị thất lạc, hai bà mới chỉ là những đứa trẻ 7 tuổi và 4 tuổi.

Cụ Koo cho hay, khi hai bà còn nhỏ, cụ hứa tặng họ đôi giày mới. Sau 65 năm, cụ mới có thể thực hiện lời hứa này.

Hàng trăm con người gặp lại nhau trong bầu không khí xúc động. Những cô em gái ôm chặt lấy anh trai, một người con bật khóc khi gặp lại cha, những đứa cháu quỳ trên sàn hành lễ với các chú,...

Nhiều gia đình bị ly tán trong khoảng thời gian chiến tranh Triều Tiên nổ ra. Đôi khi, họ sống cách nhau chỉ vài km nhưng không thể liên lạc.

Cuộc đoàn tụ, lần đầu tiên kể từ tháng 2 năm ngoái, là một lời nhắc nhở rằng bán đảo Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh. Cuộc chiến những năm 1950 kết thúc với một hiệp ước đình chiến chứ không phải một hiệp ước hoà bình.

Hai miền Triều Tiên cấm công dân của họ đến thăm người thân sống ở bên kia biên giới cũng như gọi điện hay trao đổi thư từ.

Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, đợt thứ hai của cuộc đoàn tụ, diễn ra từ hôm 24 đến 26/10, với sự tham gia của khoảng 250 người Hàn Quốc và 190 người Triều Tiên.

Con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán

Hàn Quốc sử dụng một hệ thống xổ số điện toán để chọn người may mắn. Trong khi đó, tại Triều Tiên, chỉ những người trung thành nhất mới có thể tham dự.

Hầu hết những người đăng ký tham dự đều là những người cao tuổi. Nguyện vọng của họ là có thể gặp người thân trước khi nhắm mắt.

Gần một nửa trong số 130.410 người Hàn Quốc đăng ký tham dự buổi hội ngộ đã qua đời.

Từ lâu, Seoul đã kêu gọi tăng cường lượng người tham gia các cuộc đoàn tụ và tổ chức dịp này thường xuyên hơn. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng thỉnh thoảng mới đồng ý. Các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên sử dụng những sự kiện như thế này như một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với Hàn Quốc.

>> Nghẹn ngào cuộc đoàn tụ gia đình ly tán hai miền Triều Tiên
>> Hai miền Triều Tiên đàm phán nối lại đoàn tụ
>> Hàn - Triều nhất trí thời điểm họp bàn về đoàn tụ gia đình ly tán
 
Theo Kim Ngân (Zing.vn)