Thế giới

Con trai ông Giang Trạch Dân bị "trảm"

Truyền thông Trung Quốc mới đây đưa tin, ông Giang Miên Hằng - con trai cả của cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân, đã thôi giữ chức Viện trưởng Viện Khoa học Thượng Hải vì lý do tuổi tác.

Truyền thông Trung Quốc mới đây đưa tin, ông Giang Miên Hằng - con trai cả của cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân, đã thôi giữ chức Viện trưởng Viện Khoa học Thượng Hải vì lý do tuổi tác.

Giang Miên Hằng, con trai Giang Trạch Dân.

 
Việc ông Giang Miên Hằng rời ghế Viện trưởng đã thu hút sự chú ý của dư luận. Bởi nhân vật này từng được coi là “ông trùm viễn thông” của Trung Quốc. Và mới đây, việc bắt giam hai giám đốc điều hành cấp cao của China Unicom chứng tỏ chiến dịch chống tham nhũng của nước này đã nhắm mục tiêu vào lĩnh vực Viễn thông. Và dư luận đang băn khoăn liệu việc ông Giang Miên Hằng từ chức có thực sự chỉ đơn thuần là vì “lí do tuổi tác” hay không?
 
Theo South China Morning Post ngày 9/1 đưa tin, Viện Khoa học Thượng Hải thông báo ông Giang Miên Hằng đã không còn là Viện trưởng Viện khoa học Thượng Hải vì lý do tuổi tác. Ông Hằng năm nay 63 tuổi sẽ được thay thế bởi một nhà vật lý 55 tuổi và việc bổ nhiệm Viện trưởng mới đã được thực hiện trong cuộc họp nội bộ trước đó. Được biết tuổi nghỉ hưu cho một quan chức ở cấp bậc của Giang Miên Hằng tương đương với Thứ trưởng thường là 60.
 
Trong bài phát biểu trước khi rời nhiệm sở, ông Giang Miên Hằng nói rằng ông rời ghế Viện trưởng là để hỗ trợ nỗ lực cải tổ bộ máy và kêu gọi lãnh đạo mới của viện tiếp tục ủng hộ đại học Công nghệ Thượng Hải được thành lập bởi viện này và chính quyền thành phố.
 
Ông Giang Miên Hằng sinh ra ở Thượng Hải vào tháng 4/1952. ông theo học tại Đại học Phục Đán Thượng Hải vào năm 1977 chuyên ngành khoa học hạt nhân. Năm 1986, ông Hằng sang Mỹ để làm luận án về kỹ thuật điện tại Đại học Drexel ở Philadelphia và lấy được bằng Tiến sĩ kỹ thuật điện của đại học này. Sau khi ra trường, ông làm việc tại công ty Hewlett Packard hơn một năm. Năm 1993, ông Giang Miên Hằng trở về nước bước vào con đường kinh doanh và chính trị. Ông làm việc tại Viện khoa học Thượng Hải. Một năm sau ông trở thành Phó Viện trưởng và lên Viện trưởng vào năm 2005.
 
Trở lại năm 1993, sau khi về nước, ông Giang Miên Hằng thành lập Công ty Shanghai Allicance Investment Ltd, viết tắt là SAIL. Công ty này trên giấy tờ thuộc về chính quyền thành phố Thượng Hải, được thành lập vào tháng 9/1994. Công ty SAIL sau đó đã được huy động vốn và bắt đầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng viễn thông trong thành phố. Từ SAIL ông Giang Miên Hằng đã giành quyền kiểm soát gần 40% Tổng công ty Đầu tư thông tin Thượng Hải, công ty sau đó đã được thành phố đầu tư một phần trong 8,5 tỉ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông bao gồm cả dự án lớn “Shanghai Infoport”. Vị thế này cũng giúp ông Giang Miên Hằng có một ghế trong ban quản trị của China Netcom.
 
Vào cuối năm 2001 và năm 2002, công ty nhà nước khổng lồ China Telecom bị chia đôi và cơ sở hạ tầng tại 10 tỉnh phía Bắc được giao tất cả cho China Netcom. Do đó chỉ trong ba năm sau khi thành lập, China Netcom do ông Giang Miên Hằng phụ trách đã trở thành công ty lớn thứ 3 ở Trung Quốc.
 
Việc ông Giang Miên Hằng từ chức vào thời điểm được cho là nhạy cảm khi trước đó không lâu chiến dịch chống tham nhũng của nước này đang nhắm vào lĩnh vực viễn thông khi lần lượt bắt giữ 2 quan chức. Ngày 15/12 quan chức bị “sờ gáy" đầu tiên là ông Trương Trí Giang-Tổng Giám đốc xây dựng mạng lưới Unicom. Một thông báo của Tân Hoa Xã cho biết ông đang bị điều tra bởi cơ quan chống tham nhũng do “vi phạm kỷ luật”. Sau đó ngày 18/12, ông Tông Tân Hoa-Tổng giám đốc đơn vị công nghệ thông tin và thương mại điện tử, lại bị điều tra, được cho là do “hối lộ”.
 
Quy mô chiến dịch chống tham nhũng hiện nay được xem là chưa từng có tiền lệ. Tân Hoa Xã tuyên bố trong tháng 6 năm ngoái có khoảng 80.000 quan chức đã bị điều tra. Vào tháng 10 năm ngoái, hãng tin này công bố một danh sách bao gồm 55 quan chức cao cấp đã bị sa thải và phần lớn là các cộng sự gần gũi của ông Giang Trạch Dân.
 
Một nhà phân tích nhận định rằng khi chiến dịch đang săn lùng một người nào đó, nó có xu hướng quăng một mẻ lưới rộng, và tất cả các mối quan hệ của mục tiêu đó sẽ bị điều tra, bắt đầu từ bên ngoài và không ngừng hướng vào trung tâm. Khi lực lượng chống tham nhũng được Chủ tịch Tập Cận Bình mở chiến dịch nhắm đến ông Chu Vĩnh Khang, cựu giám đốc an ninh, họ trước tiên hạ bệ các cộng sự của ông Chu trong bộ máy an ninh, và lĩnh vực hóa dầu - nơi ông Chu bắt đầu giành được quyền lực và sự giàu có, và ở tỉnh Tứ Xuyên - cơ sở quyền lực đầu tiên của ông Chu.
 
Trước khi ông Từ Tài Hậu - Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc bị thanh tra và bắt giữ, đã có một loạt các vụ bắt giữ trong quân đội, bao gồm cả cấp dưới của ông Từ như ông Cốc Tuấn Sơn. Các vụ bắt giữ ông Chu Vĩnh Khang và ông Từ Tài Hậu là những cơn địa chấn trên chính trường Trung Quốc.
 
Một cựu thành viên ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị như ông Chu được cho là bất khả xâm phạm, còn ông Từ Tài Hậu là một nhân vật then chốt trong quân đội quốc gia. Và với Giang Miên Hằng-người được mệnh danh là “ông trùm viễn thông” của Trung Quốc, liệu việc ông thôi không làm Viện trưởng lúc này phải chăng chỉ đơn thuần là vì “lý do tuổi tác”?
 
>> Trung Quốc bắt thân tín của ông Giang Trạch Dân
 
Theo Hạnh Nhân (Đời sống & Pháp luật)