Thế giới

Đắt nhưng không xắt ra miếng: Đây là lý do khiến Nga không sợ vũ khí Mỹ?

Người Mỹ lo lắng khi binh sĩ của họ không nhận được những vũ khí tiên tiến nhất, ngược lại, người Nga sẵn sàng đánh đổi những thứ phức tạp, tinh vi để lấy sự đơn giản nhưng hiệu quả.

Quá phức tạp nhưng chưa chắc hiệu quả

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 thế hệ thứ năm của Mỹ sẽ không còn vô hình tuyệt đối khi các loại radar mới và tinh vi do Nga chế tạo được đưa vào sử dụng. Đây là phân tích của chuyên gia quân sự Nga Dmitry Drozdenko khi trả lời phỏng vấn của hãng tin Sputnik.

“F-35 là máy bay có cấu tạo rất phức tạp, vì vậy nó sẽ có rất nhiều lỗ hổng công nghệ và cũng rất khó để khắc phục, nguyên nhân là chiếc máy bay này có kỹ thuật cao quá mức" - Drozdenko nói.

Vấn đề mà ông Drozdenko đặt ra không phải là không có lý, điều này đã được lịch sử quân sự thế giới chứng minh.

Trong Thế chiến 2, những chiếc xe tăng T-34 của Nga mặc dù cấu tạo đơn giản nhưng lại có độ tin cậy và hiệu quả khi đối mặt với những chiếc xe tăng Tiger và Panther đắt tiền của quân đội Đức phát xít.

Hoặc như trong các trường hợp súng AK-47 so với M-16, máy bay chiến đấu F-4 Phantom so với MiG-21 trong chiến tranh Việt Nam, những vũ khí Nga đều giành lợi thế.

Người Mỹ lo lắng khi binh sĩ của họ không nhận được những vũ khí tiên tiến nhất, ngược lại, người Nga sẵn sàng đánh đổi những thứ phức tạp để lấy sự đơn giản nhưng hiệu quả. Đây là lý do giải thích tại sao Nga không sợ vũ khí Mỹ.

Đắt nhưng không xắt ra miếng: Đây là lý do khiến Nga không sợ vũ khí Mỹ?
Máy bay chiến đấu F-35 mặc dù được quảng cáo là rất hiện đại nhưng chưa chắc đã đem lại lợi thế quân sự cho Mỹ.

Drozdenko cũng đưa ra một nhận xét mà rất nhiều người Mỹ phải tán đồng quan điểm: “Người Mỹ chấp nhận chiếc F-35 không phải vì nó có gì là quá ghê gớm. Mẫu máy bay này được sản xuất bởi những ông chủ của các Tập đoàn công nghiệp quốc phòng có tiếng nói trong giới tinh hoa chính trị Mỹ, với các hợp đồng có giá trị hàng trăm tỷ USD.

Do vậy, trong khi tiếp tục chế tạo chiếc F-35, người Mỹ vẫn đang phải hiện đại hóa những chiếc F-18 và những chiếc F-15, cố gắng nâng chúng lên ngang tầm với chiếc Su-35 của Nga” - ông lưu ý.

“Không giống như Nga, người Mỹ dựa quá nhiều vào công nghệ tàng hình. Tuy nhiên, công nghệ radar cũng đang phát triển nhanh và tàng hình không còn là một kỹ thuật bảo đảm chắc chắn ưu thế về hàng không” - Drozdenko giải thích.

Ông nói thêm rằng Nga trong khi cũng sử dụng công nghệ tàng hình nhưng vẫn không hy sinh tính cơ động của máy bay.

Lịch sử đứng về phía người Nga

Lịch sử quân sự đã chứng minh sai lầm của người Mỹ khi quá sùng bái kỹ thuật hiện đại. Khi tên lửa hàng không mới ra đời, người Mỹ cho rằng tương lai của các cuộc không chiến sẽ chỉ sử dụng tên lửa tầm xa. Từ quan điểm sai lầm này, F-4 - mẫu máy bay hiện đại nhất của Mỹ lúc đó - đều không trang bị pháo để không chiến tầm gần.

Không quân Mỹ đã phải trả giá đắt khi đối đầu với Không quân Nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ nhất (1965-1967). Tên lửa của họ đã không thể phát huy được lợi thế khi Không quân Việt Nam thực hiện chiến thuật "phục kích trên không" và "quần vòng hẹp".

Đắt nhưng không xắt ra miếng: Đây là lý do khiến Nga không sợ vũ khí Mỹ? - 1
Máy bay chiến đấu F-4. Do sai lầm về triết lý quân sự nên không quân Mỹ đã phải trả giá đắt.

Hiện nay người Mỹ có vẻ đang đi vào "vết xe đổ" vào những năm 1950, khi họ quá đề cao công nghệ tàng hình. Họ hy vọng những chiếc tiêm kích F-35 và F-22 có thể thổi bay những chiếc MiG của Nga ra khỏi bầu trời.

Tuy nhiên, bài học lịch sử về những cuộc đấu súng trên không ở tầm gần trong chiến tranh Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, chỉ khác đó là công nghệ radar mới của Nga cũng có thể phát hiện ra F-22 hay F-35. Theo ông Drozdenko, những ưu điểm về công nghệ tàng hình chỉ là tạm thời.

Một điều quan trọng cần ghi nhớ đó là không có sự tương ứng một cách tuyệt đối giữa các hệ thống vũ khí của các quốc gia khác nhau.

Mỗi quân đội có cách thức tác chiến, triết lý quân sự, chiến thuật…không giống nhau nên cách họ sử dụng vũ khí cũng khác nhau và từ đó dẫn đến những khác biệt về các ưu tiên trong thiết kế. Vì vậy, không thể chỉ so sánh các loại vũ khí khác nhau về mặt kỹ thuật mà bỏ qua việc xem xét các yêu cầu tác chiến của chúng.

Đó là quan niệm đối lập của công nghệ quân sự, những khái niệm được bắt nguồn từ lịch sử và hoàn cảnh.

Đắt nhưng không xắt ra miếng: Đây là lý do khiến Nga không sợ vũ khí Mỹ? - 2
Máy bay chiến đấu F-22. Lợi thế về công nghệ tàng hình đã bị giảm theo thời gian mặc dù việc đầu tư phát triển và sản xuất loại máy bay này rất tốn kém.

Các cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX và XXI đều không diễn ra trên đất Mỹ mà đều ở chiến trường nước ngoài, cách xa nước Mỹ. Do vậy, Mỹ có thể khai thác các nguồn lực công nghiệp và công nghệ của mình để cho trang bị cho các lực lượng viễn chinh đầy đủ vũ khí tiên tiến nhất.

Quân đội Ukraine: Từ vũng lầy suy đồi tới tái sinh

Đối với nước Nga, thế kỷ trước được đánh dấu bởi 2 cuộc xâm lược của người Đức, cũng như cuộc chiến chống lại người Nhật, người Ba Lan và thậm chí cả những người Nga khác trong cuộc nội chiến Nga.

Những cuộc chiến đó đều diễn ra trên đất Nga (hoặc biên giới với Nga) trong điều kiện địa hình và thời tiết khắc nghiệt nên đòi hỏi phải có vũ khí sử dụng được trong điều kiện chiến trường như vậy.

Tất nhiên, những so sánh này có phần rập khuôn, máy móc. Người Nga thực sự có khả năng chế tạo vũ khí tiên tiến như tên lửa siêu âm, và trong khi sự đơn giản là một ưu điểm thì nó còn có những nhược điểm, chẳng hạn như các động cơ phản lực của Nga thường có tuổi thọ ngắn và tiêu thụ nhiều nhiên liệu hơn động cơ của Mỹ chế tạo.

Vũ khí Mỹ có thể đắt và cấu tạo tinh vi hơn bởi ngân sách dành cho quốc phòng của Mỹ lớn hơn, nhưng vũ khí Mỹ chưa hẳn đã ưu việt hơn vũ khí Nga chế tạo.

Đắt nhưng không xắt ra miếng: Đây là lý do khiến Nga không sợ vũ khí Mỹ? - 3
Hệ thống phòng không S-500 của Nga sắp đưa vào trang bị với các loại radar hiện đại, đủ sức tiêu diệt máy bay tàng hình của Mỹ.

Sắp tới đây, Nga sẽ đưa vào hệ thống tên lửa phòng không tầm cao S-500. Theo phân tích của một số nhà quân sự uy tín trên thế giới, hệ thống này hoàn toàn có thể tiêu diệt các loại máy bay tàng hình, bằng cách kết nối nhiều đài radar sóng dài, có tần số cao như RLS Voronezh-DM và 1L119 Nebo SVU.

Những radar này có thể phát hiện các loại máy bay chiến đấu và ném bom tàng hình của Mỹ như F-35, F-22 hay B-2 Spirit và thậm chí là cả máy bay ném bom chiến lược tương tai B-21 Raider. Các công nghệ về radar đã đem lại cho họ những lợi thế lớn hơn việc đầu tư phát triển máy bay tàng hình. Đây là một trong những trường hợp như vậy.

Theo Trịnh Ngọc Tiến (Soha/Thời Đại)