Thế giới

IS làm mưa, làm gió vì sự thờ ơ của các nước Arab

Khi cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trở nên phức tạp với sự tham gia sâu hơn của phương Tây, Liên đoàn Arab lại thờ ơ với tình hình vì nhiều lý do khác nhau.

Khi cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trở nên phức tạp với sự tham gia sâu hơn của phương Tây, Liên đoàn Arab lại thờ ơ với tình hình vì nhiều lý do khác nhau.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điều động lực lượng đặc nhiệm đến Iraq. Chiến đấu cơ của Anh và Pháp sát cánh trên bầu trời Syria. Ngay cả Đức, quốc gia có Hiến pháp hạn chế các hoạt động quân sự bên ngoài từ sau Thế chiến II, cũng mở rộng vai trò chống IS.

Nhưng khi phương Tây tham gia sâu hơn vào cuộc chiến với IS, các thành viên trong Liên đoàn Arab, những quốc gia gần gủi về địa lý, lại trở nên thờ ơ với tình hình. Một quan chức Mỹ cho hay, Saudi Arabia và UAE chỉ thực hiện 1 vụ không kích mỗi tháng nhằm vào các mục tiêu của IS. Trong khi đó, Jordan và Bahrain đã ngưng các hoạt động quân sự chống IS trong nhiều tháng qua.

Yemen mới là ưu tiên

Bản đồ khu vực sinh sống của người Hồi giáo dòng Shia và Sunni ở Trung Đông. Đồ họa: CNN
 
Các nhà phân tích cho rằng, Yemen mới là tâm điểm thu hút sự quan tâm của Liên đoàn Arab. Quốc gia này đang trở thành chiến trường ủy nhiệm giữa Iran và Saudi Arabia, 2 quốc gia đang tìm cách khẳng định vị trí số một tại Trung Đông.

Các vấn đề tôn giáo và sắc tộc là tâm điểm tạo nên quan hệ đối đầu giữa 2 nước. Người Hồi giáo dòng Shia chiếm đa số ở Iran, trong khi dòng Sunni thống trị ở Saudi Arabia. Vì vậy, khi phiến quân do Iran hậu thuẫn chiếm thủ đô Sana của Yemen, một liên minh Arab (Ai Cập, Jordan và UAE) đã hỗ trợ cho lực lượng đối lập chống phiến quân.

Fawaz Gerges, giáo sư về Trung Đông học tại Trường Kinh tế London nói với CNN: “Sự thay đổi quan trọng là liên quân tại Yemen. Chúng ta đang nói về cuộc chiến tranh lớn, Saudi Arabia và UAE, 2 quốc gia có năng lực không quân mạnh nhất Trung Đông, đang tập trung trên bầu trời Yemen. Đó là lý do tại sao các quốc gia này không mặn mà với cuộc chiến chống IS”.

Các nước Arab lo IS gây rối

Tiêm kích F-16 của Không quân Jordan cất cánh trong một phi vụ không kích IS. Ảnh: Reuters
 
Một số nhà phân tích cho rằng, Liên đoàn Arab không tham gia sâu vào cuộc chiến chống IS vì lo ngại các hoạt động khủng bố trả thù tại đất nước họ. “Các quốc gia Arab, trong đó có Jordan, đã giảm các hoạt động chống IS sau khi một phi công của họ bị IS thiêu sống sau khi máy bay gặp nạn ở Syria”, Gerges nói.

Ông cho biết thêm, IS không chỉ hoạt động ở Iraq và Syria mà còn nhận được sự ủng hộ của các nhóm phiến quân khác ở hầu hết các quốc gia Arab, trong đó có Saudi Arabia, Kuwait, Lebanon và Jordan. Vì vậy họ muốn giảm thiểu các rủi ro.

Ngoài ra, Saudi Arabia giữ vai trò lãnh đạo Liên đoàn Arab trong cuộc chiến chống IS. Nhà nước Hồi giáo đã thực hiện một vụ tấn công khủng bố vào nhà thờ Hồi giáo dòng Shiite ở nước này. Saudi Arabia là một mục tiêu của IS và quốc gia này vì thế có thể ngại tham gia sâu vào cuộc chiến.

IS là vấn đề của Iran

Các nước Arab từ lâu đã quan niệm rằng, IS là vấn đề của Iran chứ không phải của họ. Chính phủ các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi IS là Iraq và Syria, 2 đồng minh của Iran. Vậy tại sao không phải là Iran đứng ra xử lý nhóm khủng bố này?

Theo một số chuyên gia trong khu vực, có một quan điểm thống nhất giữa các quốc gia Arab rằng, nếu thực hiện các cuộc tấn công chống lại IS đồng nghĩa với việc trợ giúp cho Iran, đối thủ chính của Liên đoàn Arab.
 
Ông Gerges bày tỏ quan điểm rằng, IS đã phát triển thành một mạng lưới toàn cầu với khả năng thực hiện các vụ khủng bố từ Paris đến Australia. “Có những ý kiến cho rằng, IS đang trở thành một thách thức lớn đối với Iran và các đồng minh phương Tây hơn là với các quốc gia Arab, tuy nhiên điều này đang thay đổi”, Gerges nói.
IS không chỉ đang đe dọa Iran và chính phủ Iraq, Syria mà còn tạo nên mối nguy hiểm đối với các nước Arab với phần lớn dân số Hồi giáo dòng Sunni.

Rất khó triển khai lực lượng mặt đất

Lực lượng đặc nhiệm quân đội Saudi Arabia. Ảnh: CNN

 
Các chuyên gia nhận định, việc triển khai lực lượng mặt đất từ quân đội Liên đoàn Arab là rất thấp. Không một quốc gia riêng lẻ nào có khả năng mạo hiểm và không thể hành động thay mặt các quốc gia khác.

Ngoài ra, khả năng Syria hay Iraq ủng hộ một chiến dịch can thiệp quân sự từ nước ngoài là rất thấp. Ghadi Sary, chuyên gia về Trung Đông tại Viện Chatham House, Anh nói: “Bất kỳ chiến dịch can thiệp quân sự phải được sự đồng ý của chính quyền sở tại hoặc ít nhất là quân đội, bao gồm quân đội của Tổng thống Bashar al- Assad. Nhưng mọi người đều thấy rằng sẽ không khả thi để làm điều đó”, ông Sary nói.

Sary cho biết thêm, quân đội các nước Arab chỉ tập trung với các hoạt động ở trong nước hơn là bên ngoài biên giới. “Đối với hầu hết các quốc gia này, sự can thiệp thái quá của quân đội với các vấn đề nội bộ ở trong nước là có thể chấp nhận được, nhưng khi một sự can thiệp vào quốc gia khác xảy ra, tình hình sẽ trở nên khó lường”, ông nói.

"Chúng ta thấy quân đội Ai Cập tập trung ở Sinai và các vấn đề trong nước, chúng ta cũng thấy quân đội Syria làm điều tương tự, và rồi ở Yemen, người ta hầu như chỉ thấy quân đội Saudi Arabia đang dọn dẹp sân sau của mình hơn là một sự can thiệp thực sự ở tầm quốc tế".
 
>> 42 nhóm khủng bố ủng hộ IS, toàn cầu bị đe dọa
>> Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lệnh không rút quân khỏi Iraq
 
Theo Quốc Việt (Zing.vn)