Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Khan hiếm giấy vệ sinh vì Covid-19, người Mỹ bắt đầu 'phát sốt' với vòi xịt

Tình trạng khan hiếm giấy vệ sinh do đầu cơ tích trữ giữa đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều người Mỹ chuyển sang dùng vòi xịt, sản phẩm trước đây vốn không được ưa chuộng ở nước này.

Viết trên tờ The Guardian, một phụ nữ Mỹ cho biết cô đã tò mò về vòi xịt khá lâu, nhưng chỉ tới lúc người chồng gửi cho cô bức ảnh khu vực bày bán giấy vệ sinh của siêu thị trốn trơn, cô mới đặt mua vòi xịt.

"Vòi xịt nhẹ nhàng hơn so với giấy vệ sinh. Tôi vẫn phải dùng giấy, nhưng ít hơn tới 80%, theo một nhà sản xuất," cô cho biết.

Chỉ trong tuần đầu tháng 03, doanh số của hãng sản xuất vòi xịt Tushy tăng gấp đôi so với tháng trước đó, theo giám đốc điều hành Jason Ojalvo.

"Hai ngày sau, doanh số tăng gấp ba so với cả tháng trước, và rồi tăng gấp 10. Ít ngày sau, doanh số đạt đỉnh ở mức một triệu USD mỗi ngày," Ojalvo nói.

Khan hiếm giấy vệ sinh vì Covid-19, người Mỹ bắt đầu 'phát sốt' với vòi xịt
Ảnh minh họa: AFP

Do nhà chức trách Mỹ đã ban hành các biện pháp cách ly xã hội trên phạm vi cả nước, các gia đình ngày càng cần nhiều giấy vệ sinh hơn. Trước đây, họ có thể sử dụng toilet ở công sở, trường học hoặc nhà hàng, nhưng giờ đây họ buộc phải dùng toilet ở nhà. Loại giấy vệ sinh đắt tiền, hai lớp và được làm từ sợi nguyên chất mà nhiều gia đình ưa dùng nhanh chóng hết hàng, do nhu cầu tăng quá nhanh.

Kết quả, ngày càng nhiều người Mỹ lựa chọn vòi xịt thay thế. Kaitlyn Braswell, chuyên viên phân tích dữ liệu quản lý tại Chicago đã đặt mua vòi xịt cách đây vài tuần, và hiện đang rất nóng lòng trải nghiệm cái mà cô gọi là "một mức độ sạch sẽ mới" tại nhà. Cô chỉ ước đặt hàng sớm hơn, bởi nhà sản xuất cho biết tới giữa tháng 05 vòi xịt mới có thể được giao cho cô.

Tại Italy, nơi mọi gia đình đều dùng vòi xịt, việc người Mỹ đổ xô đi mua giấy vệ sinh là một điều khó hiểu. Đối với người Italy, nhà vệ sinh không có thiết bị quan trọng đó quả thực không thể hình dung nổi. Điều luật vệ sinh có từ năm 1975 yêu cầu "mỗi nhà vệ sinh phải có những thiết bị bao gồm toilet, vòi xịt, bồn tắm hoặc vòi hoa sen, bồn rửa".

Chẳng ai hiểu rõ vì sao người Mỹ lại không ưa vòi xịt. Năm 1936, một người Mỹ từng cho rằng "sự xuất hiện của vòi xịt như biểu tượng của tội lỗi," theo The Atlantic. Một giả thiết có phần kỳ lạ khác cho rằng lính Mỹ tại châu Âu trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã thấy bồn rửa và vòi xịt trong nhà thổ ở Pháp, do đó vòi xịt bị đánh đồng với mại dâm.

Việc nhiều người đổ đi mua sắm, tích trự giấy vệ sinh đã khiến những người Mỹ khác quyết định dùng thử vòi xịt, theo The Guardian. Brandon Krajewski, một nhà làm phim tại Los Angeles nói rằng tin đồn về việc thiếu giấy vệ sinh và chiến lược marketing hiệu quả của Tushy đã khiến anh chuyển sang dùng vòi xịt.

"Chúng tôi đã thử dùng vòi xịt vài lần, khi trọ tại căn hộ của dịch vụ Airbnb, và rất thích thú. Khi chứng kiến giấy vệ sinh biến mất tại các quầy hàng, chúng tôi nhận ra rằng dùng vòi xịt vừa tiết kiệm chi phí, vừa đỡ tốn giấy," Krajewski nói.

Tushy không phải hãng sản xuất vòi xịt duy nhất chứng kiến doanh thu tăng vọt trng thời gian ngắn. Theo Business Insider, hãng Brondell "cứ hai phút bán được một vòi xịt trên Amazon, tổng cộng 1.000 cái mỗi ngày". Hãng Hygiene for Health cũng cho biết nhu cầu mua các dụng cụ đi kèm vòi xịt đã tăng gấp đôi trong vòng hai tuần.

Việc sử dụng vòi xịt có thể đem lại lợi ích cho môi trường. Cây cối có khả năng tiêu thụ carbon, và một nghiên cứu được công bố năm ngoái cho biết thế giới có thể trồng thêm một ngàn tỷ cây xanh, góp phần làm giảm thay đổi khí hậu. Nếu người Mỹ từ bỏ giấy vê sinh, họ sẽ cứu hơn 15 triệu cây xanh bị biến thành bột giấy mỗi năm.

Bất ngờ hơn, dùng vòi xịt cũng giúp tiết kiệm nước. Để làm một cuộn giấy vệ sinh cần 140 lít nước, trong khi vòi xịt thường chỉ dùng 0,5 lít nước mỗi lần. Và đó là chưa kể tới hàng ngàn tấn chlorine được dùng để tẩy trắng giấy vệ sinh, năng lượng cho quy trình sản xuất, chất dẻo dùng một lần để đóng gói, và nhiên liệu để vận chuyển.

Josh Faulkes, chủ tịch Hội Tế bào học Wisconsin, cho rằng đại dịch Covid-19 đã biến vòi xịt từ vật dụng xa xỉ thành thiết thực.

"Tình trạng dịch bệnh khiến một sản phẩm 'ngày nào đó tôi sẽ mua thử' thành vật dụng thiết yếu, quan trọng chẳng kém gì thay cửa sau hay thay lốp xe," Faulkes nói.

Faulkes tuy nói rằng anh mua vòi xịt vì nhu cầu thiết thực, nhưng cũng chi tiền để có trải nghiệm tốt hơn với nước ấm, bồn cầu nhiệt và máy sấy khô. "Thực ra đó là món quà sinh nhật tự tôi tặng tôi," Faulkes nói.

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)