Dù sự hủy diệt của B-2, B-1B và B-52 rất đáng sợ, nhưng để tạo được lợi thế trước Nga, Mỹ đang phát triển loại máy bay ném bom mới LRS-B.
Dù sự hủy diệt của B-2, B-1B và B-52 rất đáng sợ, nhưng để tạo được lợi thế trước Nga, Mỹ đang phát triển loại máy bay ném bom mới LRS-B.
Lý do thay thế
 
Trang flightglobal.com dẫn nguồn tin từ Không quân Mỹ cho biết Chính phủ Mỹ dự định chi 33,1 tỷ USD để phát triển và sản xuất máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới và 24,4 tỷ USD cho hiện đại hóa các máy bay ném bom B-2 của Northrop Grumman và B-52 của Boeing, một báo cáo của Văn phòng kiểm toán hoạt động của Chính phủ (Government Accountability Office - GAO) viết.
 
Mỹ sẽ lựa chọn hãng thắng thầu chế tạo máy bay ném bom tầm xa LRS-B (Long-Range Strike Bomber) trong hai hãng dự thầu là Northrop Grumman và nhóm Boeing-Lockheed Martin. Dự kiến, chương trình này có thể trị giá hơn 80 tỷ USD với việc mua sắm từ 80-100 máy bay, theo Phó Trưởng ban mua sắm không quân Mỹ, Trung tướng Ellen Pawlikowski.
 

Đồ họa máy bay ném bom LRS-B.

 
Vấn đề lựa chọn nhà thầu đang khiến Không quân Mỹ gặp khó. Hồi tháng 5/2015, trợ lí của Bộ trưởng không quân Mỹ, ông William LaPlante nói rằng, quyết định lựa chọn máy bay ném bom tầm xa có thể được đưa ra vào tháng 7, tuy nhiên, sau đó, Lãnh đạo Không quân Mỹ, Deborah James lại lùi thời hạn này lại xuống tháng 8 hoặc tháng 9/2015.
 
Ông LaPlante cho hay: “Nếu có ai đó yêu cầu đẩy nhanh việc lựa chọn nhà thầu thì chắc chắn tôi sẽ nói rằng, điều này là không thể. Loại máy bay này là hệ thống vũ khí mà quân đội sẽ sử dụng trong vòng 50 năm tới”.
 
Lãnh đạo Không quân Mỹ, Deborah James cho biết, họ đang tìm cách tránh tạo ra những sự phản đối nhằm chống lại quyết định của không quân trong tương lai, cũng như xoa dịu những nhà thầu có thể không được chọn.
 
Theo tiết lộ của Không quân Mỹ, các máy bay ném bom mới cuối cùng sẽ thay thế tất cả các loại máy bay ném bom chiến lược В-1B, В-2 và В-52. Theo đó, B-52 đã 50 tuổi, nhưng nó có thể vẫn ở lại trong biên chế đến năm 2040, В-2 mới 20 tuổi sẽ bay đến năm 2058.
 
Tham vọng khó thành
 
Dù chưa có quyết định cuối cùng về việc lựa chọn nhà thầu nhưng thực tế, ngay từ năm 2013, Mỹ đã xác nhận về việc đang phát triển máy bay ném bom tầm xa thế hệ mới.
 
Mới đây nhất là hôm 15/1/2015, Tham mưu trưởng không quân Mỹ-tướng General Welsh cho biết, với những thách thức về khoa học công nghệ quân sự của các quốc gia khác, sau 20 năm nữa, máy bay ném bom B-2 có thể sẽ không còn giữ được ưu thế tác chiến đường dài trong không trung với các đối thủ của nước này.
 

Máy bay B-2 Spirit.

 
Hồi giữa năm 2013, lần đầu tiên Không quân Mỹ lên tiếng xác nhận rằng họ đang phát triển một máy bay ném bom - tấn công tầm xa (Long Range Strike-Bomber - LRS-B) có người lái mới, trong đó tiết lộ một vài chi tiết về loại máy bay ném bom này, tạp chí Flight Globe của Anh cho biết.
 
Tuy nhiên, chương trình phát triển LRS-B của Không quân Mỹ đầy lận đận. Vấn đề đáng chú ý gần đây nhất với LRS-B là giá thành và chi phí phát triển dự án. Các chuyên gia Mỹ trước đây tính toán, giá thành của mỗi máy bay LRS-B là 450-500 triệu USD, nhưng đó chỉ là còn số ước đoán, chi phí của toàn dự án vẫn chưa được hé lộ.
 
Tư lệnh Không quân Mỹ, tướng M. Donley tuyên bố sẽ thường xuyên cập nhật chi phí của dự án. Cụ thể, trong năm 2014, LRS-B đã được phân bổ 350-370 triệu USD.
 
Tuy LRS-B được công khai các thông tin liên quan tới tài chính, nhưng các vấn đề kỹ thuật sẽ vấn được giữ bí mật. Giống như dự án phát triển B-2, thông tin kỹ-chiến thuật của máy bay chỉ được công bố khi máy bay đưa vào trang bị.
 
Với giá thành khủng tới gần 2 tỷ USD/máy bay, quân đội Mỹ đã phải giảm số lượng mua máy bay B-2 xuống tối thiểu. Ở thời điểm hiện tại, giới chức không quân Mỹ đã tính tới số lượng máy bay LRS-B cần mua vào khoảng từ 80 tới hàng trăm chiếc.
 
Như vậy, LRS-B sẽ thay thế hoàn toàn các đơn vị ném bom chiến lược hiện có. Việc này có khả thi hay không, hiện chỉ có Lầu Năm góc mới có câu trả lời chính xác, trong khi dự án tham vọng này chắc chắn sẽ bị Quốc hội Mỹ “hỏi thăm” về vấn đề tài chính và giá thành mỗi máy bay khi xuất xưởng.
 
Do đóng vai trò là xương sống của không quân chiến lược Mỹ trong tương lai, thông tin về LRS-B rất được săn đón, nhưng giới săn tin mới chỉ có các thông tin rời rạc về dự án này như: LRS-B áp dụng sâu công nghệ tàng hình để xuyên thủng hệ thống phòng không đối phương; khả năng mang vũ khí có và không điều khiển; không chỉ có chức năng tấn công mà còn có khả năng trinh sát, viễn thám…
 
Do chưa có các thông tin chắc chắn, nhiều khả năng yêu cầu và thời điểm cung cấp máy bay LRS-B sẽ còn thay đổi. Theo kế hoạch ban đầu, Không quân Mỹ sẽ cho trình làng LRS-B vào năm 2020.
 
>> 7 loại máy bay ném bom hàng đầu thế giới
>> “Đột nhập” bến đỗ cuối cùng của máy bay ném bom B-52
 
Theo Thùy Dung (Đất Việt)