Thế giới

Lời nhắc thẳng của Nga tới Trung Quốc

Nga vừa chào bán tàu ngầm Kilo, máy bay chiến đấu Su-35 cho Thái Lan và Indonesia, trong bối cảnh Moscow bán cho Bắc Kinh nhiều vũ khí hiện đại hơn.

Nga vừa chào bán tàu ngầm Kilo, máy bay chiến đấu Su-35 cho Thái Lan và Indonesia, trong bối cảnh Moscow bán cho Bắc Kinh nhiều vũ khí hiện đại hơn.
Nga mời chào máy bay, tàu ngầm hiện đại cho Thái Lan và Indonesia
 
Trong một động thái mới nhất, Nga đã bày tỏ ý kiến sẵn sàng cung cấp các loại vũ khí hiện đại nhất cho các nước đông nam Á, bao gồm cả máy bay chiến đấu tiên tiến thế hệ 4++ Su-35 và tàu ngầm thông thường hiện đại lớp Kilo, để các nước này tăng cường sức mạnh quân đội.
 
Trong 3 ngày qua, Nga đã liên tiếp mời chào các nước đông nam Á mua vũ khí của mình. Gần đây nhất là mời Indonessia mua máy bay chiến đấu Su-35, vài hôm trước là “gạ” Thái Lan mua tàu ngầm Kilo, trước đó Moscow cũng đã chào hàng Jakarta mua loại tàu ngầm này.
 
Tờ Kompas dẫn lời Đại sứ Nga tại Indonesia Mikhail Galuzin cho biết, nước Nga sẵn sàng cung cấp các máy bay tiêm kích Su-35 hiện đại cho Không quân Indonesia nếu nước này đồng ý. Nga hy vọng Indonesia chấp thuận mua tiêm kích Sukhoi Su-35 nhằm tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia này.
 
"Chúng tôi mong đợi một thỏa thuận mua Su-35 có thể diễn ra. Hợp tác quân sự giữa hai nước đã diễn ra tốt đẹp trong suốt một thời gian dài và chúng tôi muốn tiếp tục phát triển hơn nữa", ông Galuzin cho biết.
 
Trước đó, tư lệnh Lực lượng vũ trang Indonesia (TNI) Moeldoko cũng bày tỏ sự quan tâm tới việc đưa tiêm kích Su-35 vào danh sách các ứng viên tham gia chương trình thay thế tiêm kích hạng nhẹ F-5E/F. Ngoài Sukhoi, ông Moeldoko cũng xem xét tiêm kích JAS-39 Gripen Thụy Điển và F-16 Block 52+ của Mỹ.
 
Ngoài ra, các quan chức Indonesia có kế hoạch phát triển quy mô lớn hạm đội tàu ngầm trong thời gian tới và đang quan tâm đến lớp tàu ngầm Kilo của Nga, do chúng được trang bị hệ thống tên lửa hành trình hiện đại, có thể tiêu diệt chính xác mục tiêu ở khoảng cách 300km.
 
Bộ trưởng quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro cho biết, hải quân nước này muốn mua 10 chiếc tàu ngầm lớp Kilo của Nga, còn Tham mưu trưởng Marsetyo cũng tuyên bố rằng hải quân Indonesia cần loại tàu ngầm có khả năng tấn công mặt đất và phòng không. Đây là một trong những tính năng mà tàu ngầm lớp Kilo của Nga hiện đang sở hữu.
 

Nga đã bán khá nhiều vũ khí cho cả Trung Quốc lẫn Đông Nam Á

 
Ngoài ra, Nga đã có những động thái Nga cụ thể để chào bán tàu ngầm Kilo cho Thái Lan. Vừa qua, Công ty xuất nhập khẩu quốc phòng quốc doanh Rosoboronexport của Nga đã có buổi giới thiệu chính thức về tàu ngầm Kilo cho Hải quân Hoàng gia Thái Lan.
 
Trang mạng TAF đưa tin, đại diện công ty xuất nhập khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga đã chính thức chào hàng tàu ngầm Kilo 636 cho Hải quân Hoàng gia Thái Lan, thêm một lựa chọn mới khả thi trong chương trình tái trang bị lại lực lượng tàu ngầm của nước này.
 
Trước đó, Trung Quốc cũng đã giới thiệu tàu ngầm diesel-điện S-26T, bản nâng cấp trên cơ sở tàu ngầm S-20 (phiên bản xuất khẩu của tàu ngầm Type 039, lớp Nguyên của nước này) cho Hải quân Hoàng gia Thái Lan nhằm cạnh tranh với các tàu ngầm tấn công khác đến từ các công ty hàng hải của Thụy Điển, Đức, Hàn Quốc và Pháp.
 
Ngoài tàu ngầm Kilo, Bangkok đang xem xét tính khả thi để mua tàu ngầm lớp Jang Bogo của Hàn Quốc mà nước này đang quan tâm, vì có giá thành thấp chỉ vào khoảng 330 triệu USD. Tuy nhiên lớp tàu này không rẻ hơn nhiều so với tàu ngầm Kilo mà tính năng lại kém xa tàu ngầm của Nga
 
Các tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo của Nga được đánh giá lớp tàu ngầm thông thường tốt nhất thế giới hiện nay, chỉ kém mỗi tàu ngầm phiên bản nâng cấp của chính nó là tàu ngầm sử dụng hệ thống động lực không cần không khí (AIP) thuộc project 677 lớp Lada.
 

Nga đang “tiếp thị” tàu ngầm Kilo với Thái Lan và Indonesia

 
Tàu ngầm Kilo là một trong những sản phẩm vũ khí hải quân xuất khẩu thành công nhất của Nga hiện nay. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã đặt hàng 6 tàu ngầm Kilo 636. Ngoài ra, Việt Nam còn có khá nhiều chiến hạm mua của Nga hoặc được chuyển giao công nghệ để tự đóng.
 
Lực lượng tàu ngầm của Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã ngưng hoạt động hơn 60 năm nay kể từ năm 1951, và chính phủ Thái Lan đang muốn tái trang bị lại lực lượng tàu ngầm của nước này thông qua kế hoạch tài khóa của năm 2015 với số lượng tàu ngầm từ 2-3 chiếc.
 
Ngoài ra, Nga cũng đang “gạ gẫm” không quân Thái Lan xem xét tính năng và giá thành chiếc máy bay huấn luyện tiên tiến Yakovlev Yak-130 của mình, để thay thế máy bay phản lực huấn luyện thế hệ cũ L-39ZA “Albatro” mua của Cộng hòa Séc từ thập niên 90 thế kỷ 20 đã quá già lão.
 
Nga thực dụng hay thực tâm giúp đông nam Á?
 
Hiện nay, Indonesia đã mua tổng cộng 16 máy bay tiêm kích đa năng Sukhoi Su-27 và Su-30 gồm: 2 Su-27SK; 3 Su-27SKM (nâng cấp khả năng mang vũ khí không đối đất có điều khiển); 2 Su-30MK và 9 Su-30MK2.
 
Nga cũng đã bán cho Malaysia 18 chiếc máy bay chiến đấu MiG-29A trong 2 năm 1994-1995, sau đó là 18 chiếc máy bay chiến đấu Su-30MKM vào năm 2009. Ngoài ra, họ còn bán cho Malaysia 12 chiếc máy bay trực thăng vận tải quân sự Mi-171Sh.
 
Cuối năm 2013, Nga đã ký hợp đồng bán thêm 18 máy bay chiến đấu đa chức năng Su-30MKM cho Malaysia. Malaysia muốn thảo luận với Nga về khả năng nâng cấp phiên bản Su-30MKM, có khả năng trang bị các tên lửa mới, bao gồm cả tên lửa siêu âm BrahMos.
 
Nga cũng đã mở một Trung tâm sửa chữa kỹ thuật vào năm 2012 và một Trung tâm huấn luyện bay rất bề thế vào năm 2011 tại Malaysia.
 

Máy bay chiến đấu Su-27SKM và Su-30MK2 của không quân Indonesia bay cùng F-18 của Australia

 
Ở Đông Nam Á còn có Myanmar cũng đã mua 12 chiếc MiG-29, trong đó có một máy bay huấn luyện chiến đấu hai chỗ ngồi MiG-29UB của Nga vào năm 2001-2002. Năm 2009, không quân nước này tiếp tục đặt mua 20 tiêm kích MiG-29, bao gồm 10 chiếc MiG-29B, 6 chiến đấu cơ nâng cấp MiG-29SE và 4 máy bay huấn luyện chiến đấu hai chỗ ngồi MiG-29UB.
 
Thời gian qua, Nga đã bị chỉ trích vì thực hiện chính sách “cào bằng quan hệ”, đặc biệt là trong vấn đề “nhắm mắt” trước các hoạt động trái phép của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước đông nam Á.
 
Các học giả đến từ Moscow đã đưa ra luận điểm là trong vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa các nước châu Á, Nga cần phải có quan hệ bình đẳng, thái độ không thiên lệch đối với tất cả các nước, cương quyết không tham gia vào những cuộc xung đột của họ và không thiên về hỗ trợ bất kỳ bên nào, bởi “tất cả các nước đó đều là đối tác của Moscow.
 
Giải pháp hòa bình của Nga có lợi cho tất cả các bên xung đột, đơn giản vì Moscow duy trì liên hệ thương mại-kinh tế và chính trị với tất cả các nước, và không để mình sa vào tình huống cần thực hiện lựa chọn duy nhất, thí dụ, giữa Trung Quốc - Nhật Bản, giữa Trung Quốc và Việt Nam, hay là giữa Trung Quốc với Ấn Độ.
 
Khi đã thực thi chính sách này - với Nga - không có khái niệm về một quốc gia yêu chuộng hòa bình mà cũng không cần biết một quốc gia khác có gây nguy hại cho hòa bình và an ninh thế giới hay không, mà đơn giản: Tất cả mọi nước đều là những đối tác có thể quan hệ để kiếm lợi cho Moscow.
 
Thực tế đã cho thấy, kể từ khi tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các nước đông nam Á trên biển Đông trở nên căng thẳng, Moscow chưa bao giờ bày tỏ thái độ phản đối những hành động sai trái của Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo đối với các nước trong khối ASEAN - điều mà một cường quốc có trách nhiệm đối với hòa bình và an ninh thế giới nên làm.
 

Máy bay chiến đấu MiG-29 của không quân Malaysia

 
Ngoài ra, Moscow cũng chưa bao giờ lên tiếng phê phán những hành động hung hăng chèn ép hoặc đe dọa sử dụng vũ lực của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với các nước khác trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines… mặc cho công luận cả thế giới đều lên án Bắc Kinh.
 
Có quan điểm cho rằng, mở rộng ngoại giao, bắt tay hợp tác kinh tế và đẩy mạnh xuất khẩu sang vũ khí châu Á-Thái Bình Dương nói chung và với đông nam Á nói riêng đang là một sự chuyển hướng chiến lược của Nga trong bối cảnh đang nằm trong vòng bao vây cấm vận của phương Tây.
 
Nga đang bị Mỹ và EU cô lập về ngoại giao, bao vây về kinh tế, cấm vận về hợp tác quân sự. Bởi vậy, sự tăng cường quan hệ ngoại giao, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, gia tăng hợp đồng mua sắm vũ khí với Trung Quốc, đối với Nga cũng là điều dễ hiểu bởi họ không có sự lựa chọn nào khác.
 
Nhưng cùng với đó, nó cũng gia tăng áp lực đối với các quốc gia lân bang, bởi Trung Quốc sẽ nhận được rất nhiều vũ khí hiện đại của Nga như hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới S-400 Triumph, tàu ngầm AIP Amur-1650 (phiên bản xuất khẩu của tàu ngầm Lada-Project 677) và máy bay chiến đấu thế hệ 4++ Su-35 Flanker E.
 
Bởi vậy, các nước nhỏ yếu ở ở đông nam Á đang phải căng mình mua sắm vũ khí trang bị để đối phó với tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc trên biển Đông, mở ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga kiếm lợi. Hiện nay, khá nhiều nước ASEAN như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, thậm chí là cả Campuchia, Myanmar cũng đều mua sắm các vũ khí của Nga.
 
Liệu đây có phải là một phần mục đích trong chính sách ngoại giao thực dụng của Nga hay Moscow cũng muốn ngăn cản Bắc Kinh đẩy mạnh tham vọng chủ quyền đối với lãnh thổ của nước khác, nhưng đang bị phương Tây bao vây cô lập, phải tạm thời bắt tay với Bắc Kinh nên không tiện ngăn chặn, vì vậy Nga bán vũ khí cho ASEAN để đối phó Trung Quốc?
 
Trong thời điểm hiện nay, chưa ai dám khẳng định chắc chắn về điều này, thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời chính xác.
 
Theo Thiên Nam (Đất Việt)