Thế giới

Lý do khiến Hungary hòa giải với Mỹ sau khi rút khỏi ngân hàng do Nga kiểm soát

Thủ tướng Hungary tuyên bố Mỹ là "bạn và đồng minh quan trọng" sau khi nước này rút khỏi Ngân hàng Đầu tư quốc tế (IIB) do Nga chi phối, ngay sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với IIB.

Lý do khiến Hungary hòa giải với Mỹ sau khi rút khỏi ngân hàng do Nga kiểm soát
Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: Hungarytoday

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã tìm cách giảm bớt căng thẳng với Washington trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh nhà nước mới đây, gọi Mỹ là "một người bạn và một đồng minh quan trọng", ngay sau khi Hungary dường như chịu áp lực của Washington rút khỏi Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB) do Nga kiểm soát.

Động thái hòa giải được đưa ra sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin rằng các nghị sĩ Mỹ đang chuẩn bị dự thảo luật nhằm vào một số cựu quan chức Chính phủ Hungary và những người có quan hệ với chính phủ bằng lệnh cấm đến Mỹ.

Các nhà phân tích Hungary nhận định, phản ứng mang tính thích ứng của ông Orban đối với IIB không đánh dấu sự thay đổi cơ bản trong chính sách và có lẽ nhà lãnh đạo Hungary chỉ giảm bớt những quan điểm gây tranh cãi của mình do áp lực gia tăng từ chính quyền Biden và khả năng các quan chức Hungary phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mới.

Mỹ tuyên bố trừng phạt IIB và ba giám đốc điều hành của ngân hàng này vào ngày 12/4 và chỉ 1 ngày sau, Thủ tướng Orban ký sắc lệnh mở đường cho Hungary rút khỏi ngân hàng phát triển có trụ sở tại Budapest trên. Điều này có thể đánh dấu sự kết thúc đối với IIB, vì Hungary là cổ đông lớn duy nhất còn lại ngoài Nga.

Washington từ lâu đã bày tỏ lo ngại về sự hiện diện của IIB, nhưng không giống như các đồng minh NATO khác, Chính phủ Hungary đã bác bỏ những điều này và vẫn cam kết hợp tác với IIB. Sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm ngoái, Bulgaria, CH Séc, Romania và Slovakia đã chấm dứt tham gia IIB.

Mỹ cáo buộc rằng sự tồn tại của IIB ở Budapest cho phép Nga tăng cường hiện diện tình báo ở châu Âu, mở ra cơ hội cho các hoạt động gây ảnh hưởng của Điện Kremlin ở Trung Âu và Tây Balkan.

Chính phủ Hungary đã không phản ứng trước tin tức về các biện pháp trừng phạt do Đại sứ Mỹ tại Hungary David Pressman công bố nhằm vào IIB, nhưng vào chiều 13/4, Bộ Phát triển Kinh tế Hungary xác nhận rằng nước này sẽ rút lui vì không có lý do gì để tiếp tục các hoạt động của mình sau lệnh trừng phạt mới nhất.

"Chúng tôi chưa bao giờ đồng ý với các biện pháp trừng phạt [đối với Nga], nhưng chúng tôi không gây tranh chấp với quyền của bất kỳ ai, kể cả Mỹ, khi áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu họ thấy phù hợp", ông Orban lưu ý trong cuộc phỏng vấn.

Theo ông Orban, IIB có thể đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển các nền kinh tế Trung Âu, nhưng kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, rõ ràng tiềm năng của ngân hàng đã bị hạn chế và các lệnh trừng phạt gần đây đã "phá hủy nó".

Thủ tướng Orban cho rằng Mỹ tiếp tục "gây sức ép" với Hungary để ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, lưu ý sự khác biệt về quan điểm này là điều mà "tình hữu nghị Hungary-Mỹ phải gánh chịu".

Quan hệ ngoại giao giữa Hungary và Mỹ đã xuống mức thấp sau khi Washington, cùng với các đồng minh trong EU rất khó chịu trước lập trường của nước này liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, với các mối đe dọa phủ quyết các lệnh trừng phạt và vận động hành lang nhằm duy trì quan hệ với Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.

Hai tháng trước, tại một cuộc họp kín, ông Orban đã chỉ trích chính quyền Biden, cáo buộc Washington tài trợ cho phe đối lập trong chiến dịch bầu cử năm 2022. Ngược lại, Chính quyền Biden cũng thường xuyên chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Orban với cáo buộc vi phạm pháp quyền, tham nhũng và nhắm mục tiêu vào người đồng tính (LBGTQ).

Theo Công Thuận (Báo Tin Tức)




https://baotintuc.vn/the-gioi/ly-do-khien-hungary-hoa-giai-voi-my-sau-khi-rut-khoi-ngan-hang-do-nga-kiem-soat-20230417165305000.htm